Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng nhà trường. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc của các thế hệ thầy và trò Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, để hướng tới mục tiêu trở thành trường phổ thông dân tộc nội trú trọng điểm chất lượng cao của cả nước, Ban giám hiệu nhà trường cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chuyên môn; năng động, tranh thủ các nguồn lực, tăng cường chuyển đổi số trong công tác giáo dục - đào tạo bảo đảm phù hợp và theo kịp xu hướng đào tạo mới, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển. Đồng thời, nhà trường chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho các em học sinh, giáo dục học sinh tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc, chú trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa,…để mỗi học sinh nhà trường là đại diện văn hóa cho một vùng quê, một dân tộc.
Ngoài ra, nhà trường cần tích cực xây dựng đội ngũ nhà giáo yêu nghề, giỏi về chuyên môn, am hiểu về văn hóa các dân tộc. Với các em học sinh dân tộc thiểu số đang theo học tại trường cần nỗ lực cố gắng, vươn lên tiếp nối thành tích của các thế hệ đi trước, theo đuổi mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, trở thành công dân có ích cho xã hội, đóng góp sức vào xây dựng quê hương, đất nước.
Thực hiện đường lối chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển giáo dục ở miền núi, nhằm đáp ứng sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, đầu năm 1957, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc quyết định thành lập Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc; tháng 9/1959 thành lập Trường Bổ túc công nông Khu tự trị Việt Bắc. Đến năm 1970, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc đã quyết định sáp nhập hai trường thành một trường mang tên Trường Bổ túc công nông và Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho giáo viên của trường. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Năm 1976, Khu tự trị Việt Bắc giải thể, trường trực thuộc Bộ Giáo dục quản lý và đổi tên trường thành Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Qua từng thời kỳ, mục tiêu đào tạo của nhà trường ngày càng mở rộng và phát triển đa dạng với hai hệ đào tạo: Phổ thông Dân tộc nội trú và Dự bị Đại học Dân tộc cho gần 30 dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La chí, La hủ, Cống, Pu péo, Bố y,… thuộc 21 tỉnh miền núi từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, hơn 50 ngàn học sinh các dân tộc thiểu số đã trưởng thành từ nhà trường và tiếp tục được đào tạo tại các trường Đại học trong nước và nước ngoài. Trong đó, nhiều học sinh đã trưởng thành từ nhà trường là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, hàng nghìn người là cán bộ chủ chốt ở các địa phương, là cán bộ giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng…
Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đỗ Đại học, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, hàng năm của học sinh Nhà trường không ngừng tăng lên. Đến nay, 320 em học sinh của trường đã trở thành học sinh giỏi Quốc gia và đoạt giải tại các cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh nhà trường đã bước đầu tiếp cận với các kỳ thi quốc tế.
Theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc thay đổi cơ quan chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao tặng Cờ thi của Chính phủ cho thầy và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp các Dân tộc” cho 6 cá nhân và nhiều phần quà, học bổng cho học sinh, nhà trường.
>> Xem chi tiết tại:
https://dantocmiennui.vn/truong-pho-thong-vung-cao-viet-bac-noi-chap-canh-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so/327525.html