Bất cứ ai đến trường đều không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bề thế, khang trang, sạch sẽ của ngôi trường dành cho con em các dân tộc thiểu số. Trên 1 vạn mét vuông nhà, gồm các khu giảng đường, thư viện, bệnh xá, nhà ăn và kí túc xá, hiệu bộ, xưởng trường, nhà đa năng… được xây dựng trên 1 tổng diện tích 7,21 ha. Một con đường nhỏ trải nhựa chạy quanh những ngôi nhà là những hàng cây, vườn hoa, cây cảnh, sân chơi, bãi tập… Tất cả tạo thành một tổng thể kiến trúc vừa hiện đại vừa dân tộc, đạt tới trình độ cao của tiêu chuẩn quốc gia về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất cho dạy và học hiếm có ngôi trường nào sánh bằng.
Nhưng hiếm ai còn nhớ để có được như ngày hôm nay, trường phải trải qua bao chặng đường gian lao vất vả. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường, tôi xin đăng lại đây sự hình thành và phát triển của ngôi trường thân yêu này.
I. Sự hình thành trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, năm 1957, được sự đồng ý của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc (KTTVB) đã ra quyết định thành lập Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu Tự trị Việt Bắc sau hơn một năm tuyên truyền, vận động. Ngày 11/5/1958, học sinh các dân tộc từ vùng cao xa xôi hẻo lánh theo tiếng gọi của Đảng đã tập trung về trường, lúc đó học sinh chỉ có học vấn cấp I (như tiểu học bây giờ). Đến năm 1960 - 1961, trường mở lớp cấp II và năm 1966 - 1967 trường mở lớp cấp III và lấy tên là “Trường phổ thông cấp I, II Vùng cao Khu Tự trị Việt Bắc” do thầy Nông Văn Nhây làm hiệu trưởng.
Sau một năm thành lập trường Thiếu nhi Vùng cao Việt Bắc, Ủy ban hành chính Khu Tự trị Việt Bắc thành lập thêm “Trường Bổ túc Công nông Khu Tự trị Việt Bắc” dành cho thanh niên các dân tộc thiểu số và cán bộ công nông binh được cử về trường học tập, do thầy giáo Lê Xuân Thụ làm hiệu trưởng.
Đến năm học 1970 - 1971, do trình độ đào tạo giống nhau, chỉ khác nhau độ tuổi tuyển vào nên Ủy ban Khu Tự trị Việt Bắc ra quyết định sát nhập hai trường thành “Trường Bổ túc Công nông và Vùng cao Việt Bắc” trực thuộc Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc. Sau khi giải thể Khu Tự trị Việt Bắc, trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và lấy tên là “Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc” vào năm 1976 cho đến nay.
Trong những năm từ 1957 - 1964, trường đóng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, từng sơ tán về các xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai và Phú Lương để tránh giặc Mỹ đánh phá vào trường. Trong những năm gian khổ đó, Bác Hồ kính yêu đã dành cho nhà trường sự quan tâm đặc biệt. Ngày 13/3/1960, Bác Hồ về thăm trường lần thứ nhất và sau đó Bác lại về thăm vào các năm 1962, 1964. Các thế hệ thầy trò thời đó vô cùng sung sướng, tự hào khi được trực tiếp đón nhận tình thương yêu vô hạn của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đối với thầy, trò trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc nói riêng.
Lần đầu tiên về thăm trường, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường: “Các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên phải chăm sóc các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị của các cháu. Các cháu là những mầm non xanh tươi của các dân tộc, phải có tình yêu thương dạy dỗ các cháu, phải chú ý đến đời sống, sức khỏe của các cháu, làm sao cho các mầm non đó ngày càng phát triển, sau này các cháu thành những cán bộ tốt của các dân tộc, của đất nước…”. Bác căn dặn các cháu học sinh: "Các cháu phải chịu khó học tập, phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo để sau này có khả năng xây dựng bản làng, đất nước, các cháu thuộc nhiều dân tộc, nhiều địa phương khác nhau, càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em một nhà…”. Lời dạy của Bác Hồ cách đây 62 năm nhưng các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên, học sinh Phổ thông trường Vùng cao Việt Bắc vẫn như được nghe Bác căn dặn chính mình.
II. Thời kỳ củng cố và phát triển trường Phổ thông Trường Vùng cao Việt Bắc sau chiến tranh đánh phá miền Bắc của giặc Mỹ
Sau chiến tranh, hòa bình lập lại nhưng đất nước ta bị đế quốc Mỹ bao vây kinh tế. Do đó kinh tế chậm phát triển, cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi vô vàn khó khăn. Thầy trò cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhưng Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho trường. Đến năm 1986, trường đã xây dựng được 12 lớp học và 60 phòng ở kiên cố trong khi các trường Đại học ở tỉnh Thái Nguyên vẫn toàn nhà rách, vách đất. Thời kỳ đó, hội đồng giáo viên nhà trường phần lớn là người miền xuôi tình nguyện lên miền núi công tác, kể cả thầy Nguyễn Huy Khánh là hiệu trưởng cũng là người miền xuôi lên Thái Nguyên từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Dù khó khăn gian khổ, song các thầy cô giáo, các em học sinh vẫn say sưa học tập và giảng dạy. Lớp lớp học sinh ra trường đi học tiếp hoặc về địa phương lao động sản xuất. Tuy nhiên, sức người, trí tuệ nhà giáo không thể thắng hoàn toàn hay khắc phục được hết những khó khăn như thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cơ sở vật chất cho việc dạy và học nên chất lượng khó đạt được trình độ thi đỗ nhiều vào Đại học, Cao đẳng; Hơn nữa, chế độ cử tuyển thời kỳ này chưa có nên số học sinh tốt nghiệp cấp THPT phải về địa phương rất nhiều, do đó nhiều năm học nhà trường không tuyển được đủ học sinh theo chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao. Thời kỳ năm 1976 - 1986 là thời kỳ khó khăn của nhà trường, tuy nhiên hầu hết các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường vẫn bám trường, bám lớp và hết lòng vì học sinh các dân tộc thân yêu. Do thành tích dạy và học tốt nên Chủ tịch nước đã tặng nhà trường Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1985.
III. Thời kỳ đổi mới toàn diện trường Phổ thông Trường Vùng cao Việt Bắc
1.Thời kỳ đầu:
Ngày 3/12/1986, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động nhà giáo Nguyễn Văn Đào, cán bộ giảng dạy Tâm lý học, chủ tịch Công đoàn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc về làm Hiệu trưởng thay nhà giáo Nguyễn Huy Khánh được nghỉ hưu.
Ảnh: NGND Nguyễn Văn Đào cùng các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường
Sau một thời gian tiếp cận, nghe báo cáo, giám sát hoạt động, dự giờ, khảo sát trình độ các nhà giáo, đến tháng 3/1987, thông qua Đảng ủy, nhà giáo Nguyễn Văn Đào thay mặt Ban giám hiệu trình bày nội dung đổi mới nhà trường tại hội nghị công nhân viên chức.
1. Trước tiên phải đổi mới về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo để đưa chất lượng và hiệu quả đào tạo ngang tầm với các trường giảng dạy học sinh lớn lên ở thành phố, để làm được điều này không đơn giản.
- Từ hai tổ chuyên môn là tổ Tự nhiên và tổ Xã hội, các cuộc họp tổ chuyên môn không có đề cập nhiều đến chuyên môn, truyền đạt tri thức và phương pháp giảng dạy, do đó phải thành lập các tổ chuyên sâu: Tổ Toán, Tổ Lý, Tổ Hóa Sinh, Tổ Văn, Tổ Sử Địa và Giáo dục Công dân, Tổ Văn hóa Thể thao, Tổ Quản lý học sinh, Hội đồng chủ nhiệm. Khi họp, các tổ tập trung 80% thời gian vào bàn công tác đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra giáo án, góp ý các giờ dạy trên lớp, bàn về hướng dẫn học sinh tự học…
- Tổ chức cho học sinh đánh giá về nhận thức trong giờ nghe giảng, thày cô nào dạy khó hiểu, thày cô nào quan tâm, không quan tâm đến học sinh tự học... Từ đó xếp loại giáo viên A,B,C.
- Khi đã nắm chắc trình độ và tinh thần giảng dạy của giáo viên, Ban giám hiệu gặp gỡ các thày cô và khuyên giải các thày cô phải làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Từ đó phải giải quyết: Cử các thầy cô đi học cao học ở Hà Nội, ĐH Sư phạm Việt Bắc… Sau một thời gian, chúng tôi có trên 40 thạc sĩ, trong khi đó hầu hết các trường THPT khác còn rất ít các nhà giáo có trình độ này.
- Tăng cường tuyển giáo viên trẻ có trình độ học vấn khá ở các trường Đại học Sư phạm Hà nội 1,2 và Đại học Sư phạm Việt Bắc.
- Tổ chức cho các thầy cô giáo giỏi và cán bộ lãnh đạo các phòng ban đi tham quan việc quản lý và đổi mới phương pháp dạy học của trường chuyên Lê Hồng Phong và trường điểm Trần Hưng Đạo của tỉnh Nam Định để thay đổi nhận thức của giáo viên về dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, hay cách ứng xử giữa thầy và trò trong môi trường sư phạm…
- Mời giáo viên giỏi của Sở Giáo dục và Đào tạo tinh Bắc Thái và các thầy giáo giỏi của Vụ THPT về dạy cho Học sinh giỏi của trường và yêu cầu các giáo viên bộ môn theo sát dự giờ học tập.
- Tất cả giáo viên và học sinh khi đó đều phải học tập và thấm nhuần “Hai quan điểm” và “Ba phương châm” dạy học của nhà trường đề ra là:
*Hai quan điểm:
+ Nếu có đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm huyết với học sinh các dân tộc thiểu số và có môi trường giáo dục tốt thì vẫn phát triển trí tuệ học sinh các dân tộc thiểu số lên ngang bằng các học sinh ở thành phố và miền xuôi.
+ Phải bình đẳng về trí tuệ để bình đẳng giữa các dân tộc.
*Ba phương châm:
+ Vừa dạy vừa dỗ học sinh.
+ Vừa dạy vừa tìm thiếu sót kiến thức của học sinh và sửa lại cho học sinh.
+ Vừa dạy chữ vừa dạy người và hướng nghiệp cho học sinh.
Với “Hai quan điểm” và “Ba phương châm” dạy học có tính đặc thù, trường PT Vùng cao Việt Bắc đã đem lại khí thế mới, phương pháp dạy học mới, tạo điều kiện cho sự phấn đấu cao và không ngừng của thày và trò từ đó đến nay.
Cùng với đổi mới về phương pháp dạy và học, nhà trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường tuyển sinh mở rộng từ 6 tỉnh Việt Bắc ra 21 tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc, miền Trung, Tây Bắc và vùng Đông Bắc của tổ quốc. Đồng thời thực hiện chính sách cử tuyển, trước tiên năm 1987, Bộ ra quyết định 320-QĐ/BGD và thông tư 12/TTGD, riêng cho trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc về việc cử tuyển tất cả học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc không đỗ Đại học được vào học các trường Đại học Sư phạm của Bộ và vào các trường Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Sư phạm của các tỉnh có học sinh cử tới trường học tập. Ngoài ra, trường còn liên kết với trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Thái mở 3 khoá đào tạo cấp tốc giáo viên Tiểu học cho miền núi; liên kết với trường Cao đẳng Xây dựng Điện mở 2 khoá học sinh có trình độ công nhân kỹ thuật điện.
Với các biện pháp đó đã giải quyết đầu ra cho hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT của trường, hầu hết các em có công ăn việc làm ổn định .
Sau khi đã ổn định đầu ra cho học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc, Đảng uỷ thông qua nghị quyết xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở thêm hệ Dự bị Đại học dân tộc, chỉ tuyển sinh ở các trường Dân tộc nội trú của huyện và tỉnh trên toàn quốc. Quyết định này đã mở rộng đầu ra cho tất cả học sinh hệ Dân tộc nội trú toàn quốc và được các trường Dân tộc nội trú tỉnh, huyện của cả nước rất hoan nghênh. Khoá đầu tiên của hệ Dự bị đại học Dân tộc được khai giảng vào tháng 10/2003.
Với những sự đổi mới về quản lý dạy và học nên từ không có học sinh giỏi cấp tỉnh thì đến năm 1993 đã có 12 học sinh Giỏi các trường Dân tộc nội trú; năm 1995 bắt đầu có học sinh Giỏi Quốc gia; năm 2003 có 25 học sinh Giỏi Quốc gia; năm 2004 có 23 học sinh Giỏi Quốc gia. Đây cũng là những năm có nhiều HSG Quốc gia nhất của trường PT Vùng cao Việt Bắc.
Với những thành tích xuất sắc của trường, ngày 26/3/2001 đồng chí chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm trường đã ghi trong sổ vàng nhà trường: “Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã trở thành cánh chim đầu đàn của các trường Dân tộc nội trú toàn quốc”. Trong 17 năm đổi mới, từ năm 1987 - 2004, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được chủ tịch nước tặng ba Huân chương cao quý.
2. Thời kỳ tiếp tục đổi mới và phát triển.
Năm 2004, nhà giáo Đinh Thị Kim Phương nhận chức Hiệu trưởng thay nhà giáo Nguyễn Văn Đào về hưu; năm 2014, nhà giáo Lục Thuý Hằng nhận nhiệm vụ lãnh đạo nhà trường thay nhà giáo Đinh Thị Kim Phương hết nhiệm kỳ về hưu. Được rèn luyện tại trường nên các đồng chí hiệu trưởng đã quản lý và vận hành nhà trường tiếp tục đổi mới mở rộng quy mô hai hệ phổ thông và Dự bị đại học dân tộc và mở thêm lớp 9 hệ THCS để dạy dỗ con em của 10 dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Ảnh: NGND Nguyễn Văn Đào cùng các thế hệ Lãnh đạo nhà trường
Thời kỳ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đổi mới theo luật giáo dục quy định, nhà trường cũng phải làm tất cả theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã tham gia thi HSG của hai khối trường: Khối trường chuyên của các tỉnh Miền núi và Trung du và khối trường chuyên Duyên Hải Đồng bằng Bắc Bộ. Qua nhiều năm thi chung với hai khối trường này, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn có nhiều học sinh đạt giải. Mỗi năm có hàng chục em đạt huy chương Vàng, Bạc và Đồng, đã tạo ra động lưc học tập cho học sinh và phấn đấu được vào đội tuyển Học sinh Giỏi Quốc gia và thi đỗ vào các trường top đầu của cả nước. Đặc biệt, nhờ có hệ Dự bị đại học dân tộc mà trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã tạo nguồn cho các trường ĐH trong cả nước hàng chục sinh viên đến từ các địa phương miền núi.
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã trở thành trường chuyên và trường đa hệ (Phổ thông và Dự bị đại học) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay là của Uỷ ban Dân tộc và miền núi thuộc Chính phủ; là hạt giống quý, là nơi bồi dưỡng nhân tài cho đồng bào các Dân tộc thiểu số.
Ảnh: NGND Nguyễn Văn Đào cùng các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường
Phát huy tính sáng tạo trong giảng dạy và giáo dục học sinh, trong 65 năm đổi mới, xây dựng và phát triển, trường từ hơn 400 học sinh lên trên 2000 học sinh nội trú, từ một hệ lên hai hệ có hàng trăm học sinh đỗ thẳng vào các trường Đại học hàng đầu, có hàng chục học sinh có điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào học các trường trọng điểm của hệ thống Đại học nước nhà. Trong vòng 10 năm trở lại đây (từ 2011 - 2021), số học sinh Giỏi cấp Quốc gia là 145 học sinh, số học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Trại hè Hùng Vương và thi học sinh Giỏi các trường chuyên Duyên hải Đồng bằng Bắc Bộ là 511 học sinh; số học sinh đạt giải trong cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia là 33 em; số học sinh đạt học sinh Giỏi cấp tỉnh hơn 2000 học sinh…; và các em học sinh của trường còn đạt rất rất nhiều những giải thưởng cao quý khác trong các cuộc thi văn hoá, văn nghệ và thể thao cấp Tỉnh, cấp Quốc gia.
Với thành tích vẻ vang đó, Nhà trường được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1983, Huân chương Lao động Hạng nhì năm 1989, Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1997, Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2002, Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 2012. Đặc biệt, năm 2014, nhà trường được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đóng góp đáng kể vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay ở khắp các tỉnh huyện, miền núi từ Thừa Thiên Huế trở ra có hàng nghìn học sinh nắm giữ các chức vụ quan trọng ở các xã, huyện, tỉnh và các cơ quan Trung ương, góp phần lớn lao trong công cuộc xây dựng kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội và an ninh vùng biên cương của Tổ quốc.
Nhờ có Đảng và Bác Hồ chỉ lối mà đồng bào các dân tộc thiểu số đã thoát khỏi cuộc sống lầm than cơ cực khi xưa và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng với các dân tộc như ngày nay. Biết bao học sinh đã trưởng thành từ mái trường này, đem về vùng cao xa xôi hẻo lánh và khắp nơi trên đất nước những tri thức, niềm tin phục vụ quê hương, đất nước. Vinh dự cho các thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã được góp phần vào sự nghiệp cao quý và tình nghĩa đó. Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc sẽ mãi mãi làm theo lời Bác, sẽ xứng đáng là ngôi trường mẫu mực, là “Địa chỉ Đỏ” đáng tinh cậy của con em đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
|