Cô giáo như mẹ hiền.
Trong suốt 64 năm xây dựng và phát triển, Trường PT Vùng cao Việt Bắc đã đạt được những thành tích xuất sắc, có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc thiểu số (DTTS). Nhà trường ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình là Trường Dân tộc nội trú (DTNT) đa hệ đào tạo, bồi dưỡng học sinh DTTS có tài năng, có chất lượng cao, đặc biệt là việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ cho các tỉnh miền núi phía Bắc trong giai đoạn hiện nay.
Cô Lục Thúy Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo được hơn 50.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có hơn 600 học sinh thiểu số dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố y...
Nhiều em đã trở thành kĩ sư, bác sĩ, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lí làm việc ở Trung ương và địa phương, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ vùng biên giới, hải đảo xa xôi của tổ quốc.
“Địa chỉ đỏ” tạo nguồn cán bộ và chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số
Nhà trường hiện có 227 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 2.500 học sinh thuộc hệ phổ thông và hệ dự bị đại học. Trong những năm học qua, trường đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa vào chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn ở trong nhóm hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên.
Là trường duy nhất của cả nước không thuộc khối trường chuyên có đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, hằng năm, trường có 15-20 học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia - đây là thành tích vượt trội của nhà trường, không chỉ so với hệ thống các trường dân tộc nội trú, mà còn sánh với một số trường chuyên của các tỉnh.
Riêng năm học 2020 - 2021, Trường PT Vùng cao Việt Bắc có 672 em đạt học sinh giỏi các cấp, trong đó có 2 em xuất sắc dành huy chương Vàng cuộc thi Quốc tế "Phát minh và sáng chế công nghệ mới 2021", 100% học sinh của nhà trường đỗ tốt nghiệp, một em trong số đó trở thành thủ khoa khối xét tuyển đại học năm nay.
Trong chuyến thăm và làm việc với Trường PT Vùng cao Việt Bắc ngày 25/9/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Trường đã đạt được trong suốt những năm qua.
Trước yêu cầu đổi mới của giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục dân tộc, hai Bộ trưởng thống nhất cần thiết phải có những nghiên cứu để tham mưu điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới giáo dục dân tộc, tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số được học tập và phát triển, qua đó tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho cả nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng Trường PT Vùng cao Việt Bắc là một môi trường rất tốt cho học sinh dân tộc thiểu số rèn luyện kỹ năng, tích lũy tri thức; đồng thời đề nghị nhà trường xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, vừa giúp học sinh dân tộc thiểu số có tri thức, vừa giáo dục các em bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc mình, giúp các em tự tin vươn lên, vươn xa một cách vững vàng, trở thành nhân tố đóng góp cho cộng đồng, quê hương, đất nước...
Học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc được tạo điều kiện để phát triển toàn diện và vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Giáo dục chú trọng phát triển các năng lực cốt lõi, tự chủ và tự học
Do đặc thù của nhà trường, học sinh lớp 10 được tuyển từ nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi và từ nhiều dân tộc khác nhau nên trình độ không đồng đều. Có em là học sinh giỏi, đã từng tham gia thi học sinh giỏi các cấp ở cấp THCS nhưng cũng có những học sinh nói tiếng Việt chưa thạo, nhiều em chưa được học ngoại ngữ… Vì vậy công tác phụ đạo học sinh yếu, hỗ trợ học sinh dân tộc ít người rất được nhà trường quan tâm. Với nhiệm vụ “Đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS cho các tỉnh miền núi phía Bắc” nhà trường định hướng rõ mục tiêu giáo dục chú trọng phát triển các năng lực cốt lõi, tự chủ và tự học.
Đối với học sinh dân tộc rất ít người, ngay từ khi mới nhập học, tổ tư vấn học sinh, sinh viên cùng với các bộ phận chức năng của nhà trường hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản nhất, như sử dụng các thiết bị, cách sống và sinh hoạt tập thể. Các giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết giảng dạy được bố trí để tạo cho các em có tâm lý thoải mái, không áp lực.
Với học sinh có lực học yếu, nhà trường bố trí tăng tiết buổi chiều, buổi tối, bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy để dạy bổ sung kiến thức; kèm cặp, phụ đạo riêng cho từng nhóm bốn, năm em còn thiếu hụt kiến thức để các em bắt kịp mặt bằng chung; Thường xuyên quan tâm, động viên các em trong sinh hoạt và cuộc sống, nắm bắt tâm tư tình cảm, hoàn cảnh để có biện pháp định hướng và giúp đỡ các em.
Công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường chỉ đạo thành lập các nhóm học nâng cao cho học sinh khá giỏi, lựa chọn theo sở thích, năng khiếu cá nhân để phát hiện, bồi dưỡng, làm tiền đề cho các em ôn luyện thi học sinh giỏi các cấp; Tham gia Khối Chuyên Hùng Vương và Khối Chuyên Duyên Hải, Đồng bằng Bắc Bộ để giáo viên và học sinh được nâng cao trình độ, tiếp cận và tham gia các sân chơi trí tuệ như giáo viên và học sinh các trường Chuyên trong cả nước. Đến nay, Nhà trường có 354 học sinh giỏi Quốc gia, hàng trăm em đạt huy chương tại các kỳ thi Khối Chuyên.
Ngoại ngữ, tin học luôn được nhà trường quan tâm đào tạo.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, quan tâm đến giáo dục học sinh dân tộc rất ít người.
Mặc dù số lượng học sinh lớn, nhưng giờ thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ của học sinh đều tăm tắp; khu ký túc xá sạch đẹp, gọn gàng; nhà ăn sạch sẽ, thoáng mát, cung cấp đủ dinh dưỡng cho học sinh. Nhà trường cũng chú trọng củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời giáo dục học sinh gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua mặc trang phục vào sáng thứ hai, những dịp lễ, Tết, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Nhà trường luôn tạo cơ hội để các em học sinh được tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị của đất nước, địa phương, giúp các em được giao lưu, học hỏi, đồng thời thêm tự hào, trân quý bản sắc văn hóa dân tộc minh, hiểu biết, tôn trọng những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc anh em.