TÂY BẮC KHÔNG XA XÔI
Cao Thu Hà - Phó trưởng phòng TCHC
Từ ngày 10-14/02/2019, Đoàn cán bộ giáo viên trường PT Vùng cao Việt Bắc đã có chuyến đi thực tế tại các tỉnh Tây Bắc. Chuyến đi thực tế Tây Bắc của đoàn cán bộ giáo viên trường PT Vùng cao Việt Bắc nhân dịp đầu xuân 2019 đã đạt được mục tiêu: Giáo dục truyền thống lịch sử, khẳng định thành tựu của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đem lại những trải nghiệm quý báu cho các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm, các đồng chí cán bộ làm công tác phục vụ học sinh về cuộc sống của đồng bào và học sinh dân tộc thiểu số, để lại những kỷ niệm khó quên về tình nghĩa thầy trò và cảnh sắc hùng vĩ của Tây Bắc mùa xuân với những cung đường huyền thoại đẹp mê mải trong rừng hoa mơ, hoa mận và nền văn hóa đặc sắc, thân thiện, hiền hòa của đồng bào ở những bản làng lưng chừng núi nên thơ.
Xuất phát tại Trường PT Vùng cao Việt Bắc, đoàn khởi hành lúc 5h sáng trên 2 xe ô tô. Sau gần 2 giờ tới Lương Sơn, Hòa Bình. Qua dốc Cun, vượt đèo Thung Khe mây phủ sang Mai Châu. Hai bên đường nhấp nhô những ngọn núi đá vôi lẫn trong màu xanh ngút ngàn của núi rừng. Nhớ tới bài thơ “Tây Tiến”, nhà thơ/người lính Quang Dũng đã từng viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”.
Đến Mộc Châu, Đoàn đã được khám phá vẻ đẹp đặc trưng của Tây Bắc, mùa Xuân ngọt lịm trên những nếp nhà, trong sắc hoa đào, hoa mận rực rỡ, trong nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ và vẻ đẹp thân thương của những phụ nữ trên cao nguyên Mộc Châu. Đây quả thực là vùng đất lôi cuốn và quyến rũ lạ kỳ bởi vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn và sâu lắng.
Theo đường số 6 chúng tôi vượt đèo Pha Đin vào đất Điện Biên. Miền Tây Bắc của Tổ quốc thật hùng vĩ. Chúng tôi chợt nhớ tới bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An, mô tả một nhóm các chiến sỹ Vệ Quốc Quân, vai đeo súng đang hành quân, mấy chiếc bóng đổ dài trên nền dốc nửa tối nửa sáng lúc trời chiều:
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn, xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”
(Tố Hữu)
Thời chiến tranh, người dân nhiều vùng, miền đã chịu đựng bao gian khổ, ác liệt, vận chuyển lương thực, vũ khí qua đây để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tới Điện Biên, Đoàn đã thăm khu di tích lịch sử Mường Phăng tọa lạc trong thảm rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Đây là nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Tại căn cứ Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được bà con địa phương trìu mến gọi là “Rừng Đại tướng,” và gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là “Già bản Võ Nguyên Giáp”. Các công trình của Sở chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bí mật và an toàn. Đến nay, khu di tích Mường Phăng vẫn lưu giữ được các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái…
Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng được thắp sáng cho du khách vào tham quan. Ngoài ra, gần Sở chỉ huy ở Mường Phăng còn có đài quan sát trên đỉnh đồi cao, có thể nhìn bao quát thung lũng Mường Thanh.
Đến với Mường Phăng hôm nay, chúng tôi còn được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên xanh mượt, khí hậu mát mẻ, trong lành và đón nhận tình cảm thân thiện của người dân nơi đây, cũng như được tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trong vùng.
Sau đó, đoàn tới dâng hương tại Đồi A1. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hàng vạn người hy sinh, đặc biệt là tại đồi A1, xương cốt của các anh vẫn còn vùi lẫn trong đất. Chúng tôi cũng được biết thêm chi tiết về chiến công đào hầm, cho nổ 1 tấn bộc phá, phá hủy cứ điểm quan trọng trên đồi A1, góp phần tạo bước ngoặt quyết định cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Buổi tối ở TP Điện Biên Phủ. Đoàn đã có buổi giao lưu ấm áp với cựu học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc tỉnh Điện Biên. Cho đến nay, đã có rất nhiều thế học sinh trường Vùng cao Việt Bắc tại Điện Biên giữ vị trí chủ chốt của tỉnh, huyện, góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hóa xã hội của tỉnh. Trong ánh lửa trại cùng điệu xòe, điệu sạp của dân tộc Thái ở Tây Bắc, những lời ca tiếng hát, những nụ cười nồng ấm để lại tình cảm và dư âm khó phai trong lòng mỗi chúng tôi.
Rời Điện Biên về Sơn La, thăm nhà tù Sơn La, thăm cây Đào Tô Hiệu, tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng kiên trung Tô Hiệu và Tô Chấn (người anh của Tô Hiệu, đã vượt ngục Côn Đảo và hy sinh giữa biển khơi).
Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng. Nhưng không, chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí trung kiên khác.
Chia tay Sơn La trong chiều xuân rực rỡ nắng vàng trải dài trên những cung đường Tây Bắc, Đoàn cán bộ giáo viên nhà trường đến với huyện Mai Châu - Hòa Bình, Huyện kết nghĩa với trường PT Vùng cao Việt Bắc từ năm 1994, với mục đích chung là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời thể hiện được những tình cảm gắn bó giữa nhân dân huyện Mai Châu với toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc.
Trong hơn 20 năm qua, với các hoạt động cụ thể, thiết thực, thường xuyên, tình cảm quý báu, bền chặt giữa nhà trường và huyện Mai Châu ngày càng được khẳng định và phát triển. Buổi tối cùng ngày đã diễn ra chương trình đón tiếp trọng thể của Lãnh đạo huyện Mai Châu cùng các thế hệ cựu học sinh huyện Mai châu - Hòa Bình; cựu học sinh huyện Lang Chánh, Mường Lát, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa - Tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi đón tiếp, đồng chí Hà Công Thẻ - Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động kết nghĩa giữa hai đơn vị; Thay mặt nhân dân các dân tộc huyện Mai Châu, đồng chí gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng ủy, Ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên và nhân viên trường PT Vùng cao Việt Bắc, mong muốn nhà trường sẽ tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp, tạo điều kiện để con em các dân tộc huyện Mai Châu được tham gia học tập tại trường.
Chương trình giao lưu để lại nhiều tình cảm vô cùng tốt đẹp giữa thầy và trò trong men say rượu cần, trong những lời ca tiếng hát, trong ánh lửa trại bập bùng, trong lấp lánh những nụ cười, ánh mắt mừng vui, xúc động ngày gặp lại.
Chuyến đi Tây Bắc đã đem lại nhiều trải nghiệm khó quên cho chúng tôi, sự nhận thức sâu sắc về mất mát, hy sinh, chiến công oanh liệt của cha ông, sự chịu đựng khó khăn, gian khổ của đồng bào vùng sâu, vùng xa; Sự vượt khó không ngừng của học sinh dân tộc thiểu số cũng như những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên cương… Chuyến đi giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, yêu và thương học trò Vùng cao Việt Bắc, nguyện cống hiến để viết tiếp những trang vàng truyền thống thiêng liêng của nhà trường.
Chúng tôi thăm Tây Bắc khi mùa hoa ban chưa tới, thật là tiếc. Vì nói tới miền Tây Bắc là phải nói tới hoa Ban, nói tới “Vợ chồng A Phủ”, tới “Mùa lạc”... Trở về trên con đường từ những triền núi trập trùng, văng vẳng đâu đây lời ca “Đường lên Tây Bắc xa xôi...”. Nhưng với chúng tôi, Tây Bắc không xa xôi. Chia tay Tây Bắc mà vẫn còn lưu luyến mãi!