Lẽ ra, từ đây nhân dân ta sẽ được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để tập trung sức xây dựng đất nước, nhưng tiếc thay, khát vọng hòa bình chính đáng đó của dân tộc Việt Nam chưa thể thành hiện thực bởi âm mưu đen tối của các nước đế quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Khó khăn lớn nhất của cách mạng lúc này là quân đội nước ngoài từ bốn phương dồn dập kéo tới. Bọn ở xa, bọn ở gần. Chúng khác nhau về màu da, tiếng nói, nhưng rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính nước ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ”. Tình thế đất nước hiểm nghèo, tựa như “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Sài Gòn rồi cả Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội “Hiệp định Sơ bộ” ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.
Mặc dù đã ký Hiệp định Sơ bộ (06/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) nhưng thực dân Pháp vẫn không thôi từ bỏ ý đồ thôn tính xâm lược, mở rộng chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 18/12/1946, thực dân Pháp đã chuyển cho Chính phủ ta bức tối hậu thư: đòi phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để quân Pháp làm nhiệm vụ giữ trật tự ở Hà Nội. Nếu yêu cầu đó không được chấp nhận thì chậm nhất là vào sáng 20/12/1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.
Trước tình hình đó, vào ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị nhận định: “Khả năng hoà hoãn đã hết, sự thật đã chứng minh rằng, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”. Từ nhận định trên, Đảng, Chính phủ đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tối 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và ngay trong đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước. Lời kêu gọi có đoạn:
“Hỡi đồng bào toàn quốc.
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục tinh thần Nam quốc sơn hà của tổ tiên ta thủa trước; thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia. Đó là lời của Tổ quốc, của dân tộc thiết tha kêu gọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ nước; đồng thời cũng là lời tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước về ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Đáp lại, lời Kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình tượng những chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng về một cuộc chiến tranh nhân dân mà ở đó “mỗi người dân là một người lính, mỗi con phố là một pháo đài, mỗi ngôi làng là một trận địa”. Sau 5 ngày diễn ra cuộc kháng chiến toàn quốc, vào chiều ngày 23/12/1946 khi Hồ Chủ tịch được phóng viên của các tờ báo hỏi: “Kháng chiến bao giờ sẽ thắng lợi?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời:
“Giồng khoai 3 tháng mới có củ
Giồng lúa 4 tháng mới được ăn
Giồng tự do độc lập, ít nhất cũng phải 1 năm, hoặc 5, 7 tháng…”
Hay:
“Muốn trị lửa phải dùng nước.
Địch muốn tốc chiến, tốc thắng.
Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua. Ta nhất định thắng”.
Dưới ngọn cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta anh dũng bước vào cuộc chiến tranh yêu nước thần kỳ. Sau 9 năm trường kỳ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc đã kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu. Ngày 21/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã thắng lợi vẻ vang.
Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi lần trước họa ngoại xâm, toàn thể quốc dân đồng bào đã nhất tề đứng dậy chống giặc cứu nước, bảo vệ bờ cõi sơn hà trước lời hiệu triệu sục sôi hào khí “Nam Quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”,… khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946 - Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Đã 70 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, mãi là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Hiện nay, trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Ở trong nước, những thành tựu, kinh nghiệm 30 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước. Song, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn và diễn biến phức tạp. Từ đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ của đất nước hiện nay là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi người cần có những hành động thiết thực và ý nghĩa để phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần đưa đất nước vượt ra thoát khỏi lạc hậu, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới.