CUỘC SỐNG LUÔN LÀ NHỮNG THÁCH THỨC VÀ VƯỢT QUA
Năm 1987, sau hai năm giảng dạy trong trường văn hóa quân đội tôi không trở về thành phố Nam Định quê hương mà ngược lên hướng Bắc đến với một nơi tôi chưa từng nghĩ tới và gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục miền núi: Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, chiếc nôi đại bàng của con em các dân tộc miền núi từ phía bắc miền Trung trở ra.
Là một cô giáo người Kinh sống ở thành phố, những ngày đầu tôi về trường không khỏi bỡ ngỡ khi được giao làm chủ nhiệm, một lớp gồm 50 học sinh với 10 dân tộc thiểu số đến từ những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc 10 tỉnh miền núi. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có một lối sống, một phong tục, tập quán riêng. Mà lần đầu tiên xa nhà, nhớ quê, chưa quen với cuộc sống nội trú nên nhiều em đã muốn bỏ về. Những ngày ấy con nhỏ, đồng lương của giáo viên mới ra trường rất ít ỏi, tôi cũng phải làm thêm để đảm bảo cuộc sống gia đình.
Tôi bố trí việc nhà thật khoa học để có nhiều thời gian gần gũi học sinh. Tôi đến với các em vào những giờ nghỉ, chăm sóc các em khi ốm đau, trò truyện tâm tình, hướng dẫn các em cách thức tổ chức cuộc sống nội trú, dạy các em múa hát để vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi mới đến trường, kiến thức còn rất non yếu nên các em chán nản không ham học. Tôi thường xuyên động viên, phụ đạo các em học yếu. Với mỗi đối tượng tôi đều có biện pháp quản lí, giáo dục phù hợp nên học sinh lớp tôi chủ nhiệm đều ngoan ngoãn, chăm học, được thày cô giáo, cán bộ công nhân viên trong trường yêu quí, lớp liên tục đạt danh hiệu xuất sắc.
Sau ba năm về trường, tôi được phân công làm tổ trưởng chuyên môn. Ở tuổi tôi khi ấy, làm tổ trưởng không phải là quá trẻ. Nhưng làm thế nào để các thành viên trong tổ (hầu hết là bằng hoặc hơn tôi hàng chục tuổi) đồng lòng góp sức xây dựng tổ chuyên môn thành đơn vị vững mạnh. Kết hợp với tổ công đoàn, tôi đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của từng thành viên, quan tâm giúp đỡ khi họ gặp khó khăn ...Tổ Hóa - Sinh đã trở thành một tổ ấm thực sự. Tôi luôn ý thức tổ chuyên môn phải mạnh về chuyên môn. Muốn vậy bản thân tổ trưởng phải là người có năng lực vững vàng đồng thời mẫu mực trong thực hiện qui chế.
Cùng với việc xây dựng nền nếp sinh hoạt chuyên môn, khắc phục tình trạng lỏng lẻo trước đó của tổ, tôi quyết tâm tự học, tự rèn và động viên đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm 1993, tôi hoàn thành chương trình cao học, nhận bằng thạc sĩ. Tự tin, cứng cáp và bản lĩnh hơn, tôi bàn bạc với tổ đi sâu tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả ôn luyện học sinh giỏi vìthày giỏi thì trò giỏi và thày giỏi thì phải có học sinh giỏi.
Thi học sinh giỏi là cuộc đấu trí, đấu lực bình đẳng giữa các học sinh giỏi trong tỉnh và toàn quốc. Nhưng học sinh Vùng cao Việt Bắc năng lực còn hạn chế, thêm vào đó là quĩ thời gian eo hẹp (học theo chương trình đại trà) nên những năm đầu ôn luyện học sinh giỏi thật khó khăn, chật vật. Giúp các em hiểu và nắm vững kiến thức còn khó làm thế nào để giúp các em trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia?
Sau những thất bại đầu tiên, dù có buồn nhưng không nản lòng, tôi quyết tâm tìm ra con đường đi đúng nhất. Từ chỗ không có học sinh giỏi cấp tỉnh, bây giờ mỗi năm bộ môn sinh đạt hàng chục giải. Khi đã có học sinh giỏi cấp tỉnh, thày và trò chúng tôi càng thêm phấn chấn và quyết đạt thành tích cao hơn.
Để khắc phục khó khăn về năng lực học sinh và quĩ thời gian eo hẹp, tôi đã dạy thêm cho các em vào các ngày nghỉ, thậm chí cả thời gian nghỉ tết, nghỉ hè. Sau này khi làm công tác quản lí, dù rất bận tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian ôn luyện cho các em. Thấy cô giáo nhiệt tình các em càng thêm hăng say ôn luyện. Thương các em xa nhà, ôn thi căng thẳng tôi thường động viên, khích lệ các em học tập bằng cả vật chất và tinh thần. Học trò coi tôi như người mẹ, thường tìm đến tôi vào những lúc khó khăn bế tắc.
Từ khi lập đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh đến nay, năm nào cũng có giải. Năm đầu tiên trong cương vị hiệu trưởng dù công việc mới mẻ, bận rộn, tôi vẫn có hai em đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Cùng với việc ôn luyện cho học sinh, tôi đã quan tâm bồi dưỡng kinh nghiệm ôn luyện học sinh giỏi cho các giáo viên trẻ. Hiện nay môn Sinh đã có nhiều giáo viên giỏi, có uy tín cao gánh vác công việc ôn luyện đội tuyểnđể tôi có thể tập trung vào công tác quản lý.
Hết lòng vì con em đồng bào các dân tộc thân yêu (Ảnh: Mai Đồng)
Năm 2001 tôi được đề bạt làm Phó phòng đào tạo phụ trách chuyên môn. Năm 2003 tôi làm Trưởng phòng Đào tạo. Năm 2004 được sự tín nhiệm của tập thể và cấp trên tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề phức tạp vì Vùng cao Việt Bắc là một trường đa hệ, với nhiều đối tượng khác nhau: học sinh hệ phổ thông dân tộc nội trú, hệ dự bị đại học.
Từ năm học 2005 - 2006 nhà trường còn được Bộ giáo dục và Đào tạo giao thêm một nhiệm vụ đặc biệt: Tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thiểu số rất ít người: Ngái, Lự , Mảng, La Hủ, Si La, Clao, La Chí, Bố Y,.. mà lại tuyển sinh từ lớp 9.
Khi nhận thêm nhiệm vụ này nhiều cán bộ trong trường đã không khỏi băn khoăn: liệu có hoàn thành được nhiệm vụ không? Thời gian đó tôi đã tổ chức họp Đảng uỷ, Ban giám hiệu để xin ý kiến đồng thời cũng ra nghị quyết để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này. Với quyết tâm cao của tôi các đồng chí trong Đảng uỷ Ban giám hiệu cũng đồng lòng và ra nghị quyết để thực hiện. Đến nay đã hai khoá ra trường nhiều em đã trở thành sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng, TCCN...
Là người đứng đầu một nhà trường, không chỉ lo tuyển sinh cho đúng đối tượng, lo nơi ăn, chốn ở, đảm bảo những điều kiện tốt cho việc học tập rèn luyện khi học sinh tới trường mà khi các em tốt nghiệp phổ thông còn phải lo đầu ra, tìm đường cho những học sinh không đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Cùng với việc học tập văn hóa nhà trường còn phải quan tâm tới đời sống tinh thần của các em. Có thể tự hào khẳng định: Học sinh Vùng Cao Việt Bắc không chỉ có nhiều thành tích trong học tập mà văn nghệ, thể thao cũng rất giỏi, các em đã đem về cho nhà trường nhiều mùa giải đẹp.
Không chỉ chăm lo cho gần 2000 học sinh của 29 dân tộc thuộc 20 tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra mà còn phải quan tâm tới việc quản lý hơn 200 cán bộ giáo viên. Công tác tại trường DTNT rất vất vả cần phải có những giải pháp tích cực để anh chị em toàn tâm toàn ý làm việc. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ, thắt chặt kỉ cương thưởng phạt nghiêm minh, tôi cùng tập thể lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giáo viên: Hợp lý hóa gia đình, tạo công ăn việc làm cho con cán bộ giáo viên, phân loại lao động hàng tháng để xét thưởng, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên đi học để nâng cao trình độ. Tới năm học 2009 - 2010, trong số 125 giáo viên có 1 tiến sĩ, 36 thạc sĩ và 20 giáo viên đang học tiến sĩ và cao học (chiếm tỉ lệ 45 %).
Đã 5 năm trôi qua, nhớ khi mới nhận chức Hiệu trưởng, nhiều người dù tin, quí vẫn không khỏi băn khoăn khi thấy tôi đảm nhiệm một công việc nặng nề như vậy. Cả một quá trình đó tôi đã không ngừng cố gắng học hỏi, tìm tòi, bàn bạc vớitập thể lãnh đạo và lắng nghe ý kiến quần chúng để có các giải pháp hữu hiệu nhất, đưa nhà trường tiến lên với những bước đi vững chắc.
Trong 5 năm qua, trường Vùng cao Việt Bắc vẫn luôn giữ vững là Tập thể lao động xuất sắc, hàng năm được tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT, bằng khen của các Bộ, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Năm 2007 nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, năm 2008 nhà trường được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Thành tích đó là công sức của Tập thể cán bộ, giáo viên, CNV và các em học sinh đã đoàn kết cùng nhaunỗ lực thi đua Dạy tốt, phục vụ tốt, học tốt để mang lại những vinh quang cho nhà trường.
Đã 23 năm gắn bó với mái trường vùng cao Việt Bắc, tôi đã có 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 9 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Bộ, được nhận rất nhiều Bằng khen của Tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn về thành tích ôn luyện học sinh giỏi. Năm 2007 tôi vinh dự được nhận Bằng khen của chính phủ, Bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt nam “Gia đình nữ nhà giáo và lao động tiêu biểu”. Năm 2008 tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm 2009 được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Tôi luôn ý thức rằng, với tôi phía trước còn rất nhiều thử tháchnên cần rất có nghị lực để vượt lên và chiến thắng.
Với năng lực, tâm huyết của một nhà giáo cùng sự đồng tình ủng hộ của tập thể lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong trường và người thân tôi hi vọng mình sẽ thành công trên chặng đường phía trước!