CẬU HỌC TRÒ Ở LÁN, ĐÀO CỦ BÁN LẤY TIỀN MUA THẺ ĐIỆN THOẠI ĐỂ HỌC TRỰC TUYẾN
Theo Lưu Trinh - Báo tienphong.vn
Để có thể học online (trực tuyến) cùng với thầy cô giáo, cậu học trò nghèo dân tộc Mông Sùng A Sì phải lên nương ở một mình, ngày làm thuê, đào củ rừng đổi gạo ăn, kiếm tiền nạp thẻ điện thoại vào 3G.
Tranh thủ giờ nghỉ làm, cậu học trò dân tộc Mông Sùng A Sì ngồi ở rừng làm bài tập nộp cho đúng thời hạn của cô giáo đưa ra.
Sùng A Sì hiện đang là học sinh lớp 12A8, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Do tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, từ sau Tết Nguyên Đán, Sùng A Sì được nhà trường cho nghỉ học ở nhà và chuyển sang hình thức học online. Nhà Sì ở Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu. Để học trực tuyến, A Sì khăn gói sách vở, quần áo lên lán ở nương cách nhà 17 km để có sóng điện thoại. Đường từ nhà đến lán phải đi bộ trèo đèo, lội suối, đi từ 7 giờ sáng, khoảng 3 giờ chiều mới đến nơi. Vì thế, mỗi lần đi lên lán, Si phải nắm cơm nắm mang bên mình để ăn tiếp sức dọc đường đi.
Bên trong lán ở tồi tàn của Sùng A Sì. Dù vậy, cậu thấy rất vui vì nơi đây có sóng 3G để cậu có thể vào học trực tuyến.
Sì cho biết, lán nơi cậu ở được làm từ nhiều năm trước nên lụp xụp, mái tôn bị thủng lỗ chỗ. “Đợt này, ở đây hay có mưa, có mấy đợt mưa đá, nước chảy vào lán ướt hết quần áo, chăn màn, sách vở. Nhưng cũng may ở trên đồi cao lộng gió nên mọi thứ nhanh chóng được hong khô”, A Sì kể.
Sùng A Sì làm thêm đủ việc để có tiền ăn và nạp tiền điện thoại để học trực tuyến
Khuôn mặt thường xuyên lấm lem
Hàng ngày, Sì học trực tuyến từ 7 giờ đến khoảng 10 giờ sáng. Sau giờ học Sì vội vã đi làm, khi lên nương phát rẫy, trồng ngô, chăm gà, khi vào rừng đào củ, khi thì đi sửa nhà thuê. Để nộp bài đúng thời hạn với cô giáo, Sì đi làm mang theo sách vở bên mình, tranh thủ giờ nghỉ làm bài tập.
Bữa cơm trưa của Sùng A Sì chỉ có cơm trắng bọc trong giấy vụn, cùng đôi đũa được vẻ từ cành cây khô
Từ khi ra lán ở để học trực tuyến, Sùng A Sì không đi chợ, thức ăn là muối trắng, củ sắn
Sì kể, để có tiền nạp điện thoại vào 3G học trực tuyến, cậu phải vào rừng đào củ măng, củ sắn mang đi bán. “Những loại củ này bán rẻ lắm, nên mỗi lần em chỉ dám mua 20 nghìn tiền thẻ điện thoại để vào 3G tốc độ cao học bài. Khi nào đi làm thêm được ít tiền em để dành đổi gạo và mua đồ ăn cho cháu”, Sì chia sẻ.
Nhà Sì thuộc diện hộ nghèo, bố ốm đau quanh năm, mẹ đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên dù đang học lớp 12 Sì được xem là trụ cột gia đình khi phải bươn chải làm đủ thứ việc hỗ trợ gia đình, mua thuốc cho bố. Anh trai Sì đã có gia đình và 2 con trai nhưng vì không biết chữ nên quanh năm chỉ bám nương rẫy, cuộc sống rất vất vả. Thương 2 cháu, Sì đi làm thêm được đồng nào dành dụm mua thêm thức ăn, quần áo cho cháu.
Gần 3 tuần nay, Sì xin đi theo các bác, các chú dựng nhà thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, hỗ trợ gia đình.
Sì ở lán từ sau Tết Nguyên đán đến nay và chưa một lần đi chợ. Thức ăn của Sì là muối trắng và củ sắn hoặc cơm độn sắn. Đi làm cả ngày xa nơi ở, Sì nắm cơm trắng trong lá chuối ăn trưa qua ngày. Sì kể, nhiều hôm đi làm về mệt lả, không muốn ăn uống gì nhưng sợ nhịn ăn bị đuối sức, không đi làm được nên cứ phải cố gắng gượng.
Dù khó khăn, vất vả nhưng Sì vẫn luôn duy trì kết quả học tập tốt; học kỳ I vừa rồi, Sì đạt điểm tổng kết 7,5 điểm. Ước mơ của cậu học trò nghèo dân tộc Mông Sùng A Sì là thi đại học vào ngành công an, quân đội. “Nhưng em sợ là mình không thể đi thi đại học được, vì nếu có thi đỗ thì em cũng không có tiền để đi học”, A Sì ngậm ngùi.