CHÀNG SINH VIÊN NGƯỜI H’MÔNG BÁN MÌ TÔM DẠO
HỌC ĐẠI HỌC
Trong số 110 em sinh viên được nhận học bổng của Quỹ năm 2013 với trị giá 11 triệu/1năm/1sinh viên và trao cho các em trong toàn bộ quá trình học đại học, chúng tôi thực sự ấn tượng với chàng sinh viên người H'mông Khang A Tủa - Cựu học sinh lớp A2K53 Trường PT Vùng cao Việt Bắc - Tân sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Con đường tìm cái chữ của Khang A Tủa là cả quá trình đầy khó khăn và thử thách. Đến được trường đã là cả sự cố gắng nhưng duy trì được nó lại là cả một nỗ lực không ngừng. Tủa chỉ là 1 trong số rất nhiều những tấm gương vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ đến giảng đường đại học của mình.
Tuổi thơ bám trụ trong túp lều tạm để học chữ
Khang A Tủa kể về những hồi ức tuổi thơ nghèo khó
Hồi tưởng về quãng thời gian tuổi thơ của mình, Tủa kể rằng gia đình gồm 5 anh em hiện đang trú tại bản Háng Tầu Dê (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), Tủa là con cả trong gia đình nên cậu phải tự lập từ rất sớm. Gia đình thuần nông, thỉnh thoảng vào vụ mùa thu nhập thêm được vài trăm nghìn mỗi tháng cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống. Hiện tại bố Tủa đang đi làm nghề khai thác mỏ quặng với mức lương 500.000/tháng.
Tủa nói: "Em xa bố mẹ từ năm lớp 3, trường học cách nhà 15 km và em phải ở một túp lều tạm với người em trai 5 tuổi của mình. Hai anh em sống với nhau, ngày đó em phải mang người em trai đi theo vì ở một mình thì rất sợ".
Những ngày rét mướt hay mưa bão hai anh em đều phải tự lo cho nhau trong túp lều tạm. Khi đi học Tủa dẫn cậu em đi theo và để cho em chơi xung quanh khu vực trường học của mình.
Tủa kể về bữa ăn của mình không khỏi khiến chúng tôi nghẹn ngào: "Bữa ăn của em và người em trai chỉ có cơm và rau má hoặc các loại rau dại đi hái được ven rừng. Bữa ăn thịnh soạn lắm là khi em mua được 1.000 đồng tiền cá cơm khô. Tuy nhiên bọn em cũng chỉ dám nướng tạm 2 con để ăn cho đỡ thèm thịt, còn đâu thì để dành cho những bữa ăn lần sau".
Do cuộc sống vất vả, nên khi nhỏ, đã có nhiều thời điểm, A Tủa phải xin nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình chuyện mùa vụ, đồng áng, chăm lo các em. Thậm chí, nhiều lúc cậu đã có ý định bỏ học, nhưng được sự động viên của thầy cô giáo và nhờ ý chí bản thân nên Tủa vẫn cố gắng để đến trường.
Vươn tới ước mơ bằng những thùng mỳ tôm
Tủa có ước mơ là sau này sẽ trở thành một kỹ sư Y sinh chuyên nghiên cứu về các loại giống mới. Tủa cho biết: "Nhiều khi em cảm thấy rất buồn vì năng suất lúa quê em rất thấp. Vì vậy em đang có gắng học tập thật tốt, tiếp thu kiến thức nghiên cứu các loại giống mới về giúp đỡ quê hương".
Với mơ ước ấy, ngay từ nhỏ Tủa đã cố gắng học tập thật tốt dù vượt quãng đường hàng chục, hàng trăm cây số để đến trường. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua Tủa cũng là người có số điểm tốt nghiệp cao nhất trường PT Vùng cao Việt Bắc: 53,5 điểm và thi đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tủa đang cố gắng học tập thật tốt để thực hiện được ước mơ của mình
Để thực hiện được ước mơ trở thành kỹ sư của mình, hàng ngày Tủa vẫn đang cố gắng đi bán mì tôm dạo để trang trải các khoản học phí, sinh hoạt cho mình. Hiện tại xuống đây học, Tủa không lấy bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào từ gia đình mà tự lập hoàn toàn.
Hằng ngày, chàng trai bán mì tôm trong ký túc xá các trường Bách Khoa, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thủy lợi, từ khoảng 18h đến khoảng hơn 22h để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt, học hành.
Vừa sắp xếp những thùng mì Tủa nói về công việc tình cờ này: "Hồi mới xuống đây do điều kiện kinh tế, nên em thường ăn mì tôm qua bữa. Trong một lần có anh trong công ty mì tôm đến giới thiệu và bán sản phẩm, em có hỏi đùa là anh cần người bán không, thì thật bất ngờ anh cho biết là đang thiếu người phân phối sản phẩm. Vậy nên nhanh chóng em đã nhận công việc này để làm".
"Mỗi lần đi bán em sẽ mang 6 thùng, cho 2 thùng vào ba lô và 4 thùng em bê ở tay, số tiền lãi sẽ thu được khoảng 6.000 - 7.000 đồng/thùng, nếu may mắn một ngày em sẽ bán được khoảng 10 thùng. Thu nhập một tháng của em thường ở mức 1.000.000 đến 1.200.000 đồng", Tủa phấn khởi nói.
Tuy nhiên công việc bán mì tôm dạo của Tủa cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt có đợt đi bán hàng, còn bị các bác bảo vệ bắt hoặc đuổi đi. Tủa nhớ nhất một lần bị bắt ở tại chính ký túc nơi mình đang ở, người ta thu hết mỳ tôm xét hỏi và dọa là sẽ không cho ở ký túc... Lúc đó cậu đã bật khóc vì lo lắng không biết phải làm sao, ai sẽ giúp đỡ mình. May mắn là mọi người cũng biết, thông cảm cho hoàn cảnh và cho cậu đã được tiếp tục công việc của mình.
Nụ cười hạnh phúc khi bán được những thùng mì tôm
Tủa chia sẻ rằng em đã học được rất nhiều từ việc bán hàng, bản thân trở nên tự tin, hoạt bát, năng động và bản lĩnh hơn rất nhiều so với ngày trước. Em cũng không còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ như những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất thủ đô nhộn nhịp này nữa.
Hi vọng với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng nói chung và của Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin nói riêng, Khang A Tủa sẽ vững bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống và thực hiện được ước mơ của mình.