NHỮNG GƯƠNG SÁNG HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ
111 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được khen thưởng tại “Lễ Tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2014”, do Ủy ban Dân tộc và Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra ngày 1/11/2014, tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh thực sự là những tấm gương sáng trong học tập, là nguồn động viên, khích lệ với những học sinh, sinh viên người dân tộc trên cả nước.
Trong số các em được tuyên dương lần này, có hai em là học sinh dân tộc thiểu số của Trường PT Vùng cao Việt Bắc, đó là em: Vừ Mí Kỵ - Dân tộc Mông (A6-K54) và em Tao Văn Xeng - Dân tộc Lự (A11-K54) … đã đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Trí lớn vươn xa
Vừ Mí Kỵ - HS A6-K54 Trường PT Vùng cao Việt Bắc - Tân sinh viên Học viện An ninh người Mông, là học sinh đầu tiên của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đạt được giải Nhì cấp quốc gia môn lịch sử.
Nhà Vừ Mí Kỵ ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, một trong những vùng khó khăn của tỉnh Hà Giang. Kỵ mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, gia đình lại đông con, có 8 anh chị em, nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Ngoài Kỵ, chỉ có hai em nhỏ là được đi học. Kỵ kể: “Nhà em đến giờ vẫn thuộc diện hộ nghèo, thu nhập của cả nhà chỉ trông vào ít nương trồng ngô. Ngay từ nhỏ, nhà em đã ăn mèn mén, sau này đỡ hơn chút, nhưng cũng lâu lâu mới có cơm ăn. Do điều kiện khó khăn, nên các chị gái của em đều nghỉ học sớm, ở nhà làm nương phụ giúp gia đình. Em là con trai và cũng thích học nên được ưu tiên cho đi học đại học”.
Do ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện học tập, nên những năm học cấp I, Kỵ phải vật lộn để học tiếng phổ thông. “Cấp 1 em học ở điểm trường ngay trong thôn, chỉ có lên lớp mới nói tiếng Việt, còn về nhà hay chơi với bạn bè, đều nói tiếng dân tộc, nên tiếng Việt không tốt, khó để theo kịp bạn bè. Mấy năm học cấp 1, em chỉ đạt học lực trung bình. Đến khi lên cấp 2, học ở trường nội trú Phó Bảng, lúc ấy mới thấy là mình thua kém bạn bè nhiều lắm. Có những lúc em đã nản, định là bỏ học để ở nhà phụ giúp bố, nhưng bố em không đồng ý, rồi được sự động viên của các thày cô nên em lại cố gắng. Lúc đó em đã nghĩ là tại sao các bạn học được mà mình lại không học được, rồi quyết tâm theo kịp các bạn. Chỗ nào không hiểu em hỏi thầy cô giáo, rồi tìm tòi thêm những kiến thức trong sách giáo khoa. Dần dần em cũng bắt đầu bắt kịp các bạn”.
Nhờ quyết tâm học tập, sức học của Kỵ ngày càng khá hơn. Từ học lực trung bình, Kỵ vươn lên thành học sinh khá, giỏi. Lên lớp 9, Kỵ tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Kỳ thi ấy em đạt giải nhì. Nhờ những nỗ lực học tập, em được xét tuyển vào trường PT Vùng cao Việt Bắc ở Thái Nguyên.
Trường cách nhà hơn 350 km, gia đình lại không có điều kiện chu cấp, nên chỉ dịp nghỉ hè và nghỉ tết, Kỵ mới về thăm nhà. “Mỗi dịp về nhà, em không mang sách vở về vì chẳng có thời gian để học. Từ sáng sớm tới tối mịt đều lên nương giúp bố mẹ. Ở thôn, em là người duy nhất học lên cao, các bạn ở chỗ em cứ học hết cấp 2 là ở nhà, lấy vợ, rồi bố mẹ chia đất cho làm ăn. Nhiều khi các bạn cũng chọc ghẹo em, nhưng em không nản chí, vì mình đã quyết tâm rồi, có học mới thay đổi cuộc sống của mình được, không phải nghèo khó như đời bố mẹ mình, Kỵ chia sẻ.
Trong ba năm THPT, Vừ Mí Kỵ giành được hai huy chương bạc tại kì thi Olympic Duyên hải - Đồng bằng Bắc Bộ và kì thi Hùng Vương.
Trước kì thi đại học, Kỵ nói với bố: “Xin bố lo cho con xuống Hà Nội để thi vào Học viện An Ninh. Nếu con không đậu thì con sẽ không đi học nữa, ở nhà giúp làm nương, vì học trường ngoài tốn tiền lắm”. Tin tưởng Kỵ, bố em đã vay 5 triệu để đưa Kỵ xuống Hà Nội thi đại học. Kết quả em thi được 23,5 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên, Kỵ được tổng cộng 29 điểm.
Góp phần phát triển quê hương
Cô sinh viên Lê Thị Bình - HSA1- K54 Trường PT Vùng cao Việt Bắc, dân tộc Sán Dìu, quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, có dáng người nhỏ nhắn, nhưng gương mặt em thì đầy tự tin và nghị lực.
Bình kể: “Em sinh ra trong gia đình cha mẹ không phải “gốc” Thái Nguyên. Bố em quê ở tận Thanh Hóa, còn mẹ ở Tuyên Quang, cha mẹ gặp nhau, nên duyên vợ chồng và sinh được 6 anh chị em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên 3 anh chị đầu của em không được học hành đến nơi đến chốn và đã lập gia đình.
Hiện nay, bố mẹ em lo cho 3 chị em em học hành (chị kế trên đang học đại học, em nhỏ đang học phổ thông) cũng rất khó khăn, bởi gia đình chỉ có 6 sào ruộng và chăn nuôi thêm đàn lợn và một số gia cầm khác”.
Sinh ra và lớn lên ở tổ 11, xã Phú Xuyên, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của đại đa số đồng bào Nùng, Tày; nơi Bình ở hiện vẫn chưa có điện, đường vào vẫn là đá sỏi ngổn ngang, mùa khô còn đi lại được bằng xe máy, chứ mùa mưa lội bộ còn vất vả. Từ khi học lớp 6, Bình đã phải sống cách xa gia đình, phải sang tận huyện Võ Nhai học, bởi khi đó huyện Đại Từ chưa có trường dân tộc nội trú.
“Cuộc sống xa nhà đã giúp em quyết tâm hơn trong cuộc sống và học tập và nỗ lực của em đã được đến đáp. 12 năm em đều đạt học sinh giỏi và đoạt các giải cao của huyện, tỉnh và đến năm lớp 12 em đã đoạt giải Khuyến khích quốc gia môn Sinh học. Thành tích học tập này cũng giúp em tự lập hơn khi xuống Hà Nội học ĐH. Gần tháng nay em tham gia cộng tác với một trung tâm Anh ngữ, vừa giúp trau dồi thêm vốn tiếng Anh, vừa có thêm thu nhập để đỡ đần bố mẹ”, Bình tâm sự.
Bình cũng bật mí: “Để học tốt và nhớ lâu mỗi người cũng có phương pháp học tập riêng. Ở trên lớp học em chú trong nghi chép tỉ mỉ những kiến thức thày cô giảng. Em còn lập sơ đồ cây để dễ nhớ kiến thức đã học, đồng thời thường xuyên đọc sách tham khảo trên thư viện và cần nhớ gì thì nghi chép lại. Em mong khi ra trường có việc ở quê hương mình để góp phần xây dựng làng quê ấm no, hạnh phúc”, Bình chia sẻ.