Trong 5 trường dẫn đầu về kết quả các kỳ thi tốt nghiệp, đại học, thi học sinh giỏi tại tỉnh Thái Nguyên, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn có mặt trong danh sách này. Nói như lời cô giáo Hiệu trưởng Đinh Thị Kim Phương thì đây là sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ thầy cô, học sinh con em đồng bào các dân tộc đang theo học tại mái trường giàu truyền thống này.
3 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) được thành lập từ đầu năm 1957 với nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo, tạo nguồn cán bộ các DTTS thuộc 21 tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra. Trong những năm 1960, trường đã vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm (vào các năm 1960, 1962, 1964) và Người đã có những lời căn dặn, chỉ dạy ân cần. Đối với con em học sinh các dân tộc, Bác đã căn dặn: “Các cháu phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo, chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc...”. Đối với các thầy cô, Bác giao trách nhiệm: “Các thầy cô giáo và cán bộ trong trường phải chăm sóc, giáo dục các cháu như người cha, người mẹ... Phải có tình thương yêu, dạy dỗ chu đáo, phải chú ý chăm sóc đến đời sống, sức khoẻ của các cháu để làm sao cho các mầm non đó phát triển ngày càng xanh tươi, sau này các cháu sẽ trở thành cán bộ tốt của các dân tộc”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, 52 năm qua, trường đã đào tạo được trên 12 nghìn học sinh là con em đồng bào 32 dân tộc thuộc 21 tỉnh thành trong cả nước trên 7.500 học sinh đã thi đỗ và theo học các trường đại học, cao đẳng, trong đó, nhiều người đã trở thành tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, nhà quản lý của các dân tộc. Hiện, nhiều đồng chí đang giữ các cương vị trọng trách của Quốc hội, các bộ ngành và các tỉnh, huyện trong cả nước.
Cô Đinh Thị Kim Phương cho biết, với nhiệm vụ được giao, trường tuyển học sinh DTTS từ vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh mà không phải thi tuyển nên trình độ ban đầu của các em rất thấp. Nhưng sau 3 năm học tại trường, đòi hỏi các em phải có trình độ ngang bằng với học sinh các trường thành phố qua thi chọn. Vì vậy, nhiệm vụ của mỗi thầy cô giáo nơi đây rất nặng nề. Tuy nhiên, bằng tình cảm, trách nhiệm cùng với sự quan tâm, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, tập thể nhà trường đã khẳng định được quan điểm đúng đắn: Nếu có thầy cô giỏi, tâm huyết với học sinh và có cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cần thiết thì học sinh DTTS ở vùng cao vẫn phát triển trí tuệ như học sinh miền xuôi và các đô thị. Thực tế 5 năm học gần đây tại nhà trường cho thấy, số học sinh đỗ tốt nghiệp PTTH luôn đạt trên 97%; học sinh vào cao đẳng, đại học đạt 80% trong đó đỗ thẳng vào đại học đạt 50%, số học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt luôn ở mức trên 97%...
Gách vác thêm nhiệm vụ “đặc biệt”
Từ năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giao thêm nhiệm vụ mới cho trường: Mở hệ dự bị đại học dân tộc với nguồn tuyển sinh từ các trường dân tộc nội trú từ Quảng Bình trở ra. Qua 5 khoá đào tạo, đã có 853 học sinh ra trường và đều đủ điều kiện vào học tại các trường Đại học. Đặc biệt, từ năm học 2004 - 2005, trường đã đề nghị Bộ được dạy hệ đặc biệt cho con em các DTTS rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, La Hủ, Si La, Hà Nhì, Pà Thẻn... Qua 4 năm học, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo hàng trăm em có trình độ văn hoá từ lớp 9 thuộc các tỉnh Lai Châu, Hà Giang để nâng cao trình độ, năng lực và tạo nguồn cán bộ cho đồng bào các dân tộc rất ít người này.
Em Lò Văn Tuyền, dân tộc Mảng, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu hiện đang theo học lớp 11 cho biết: Học ở đây rất thích vì chúng em được thầy cô quan tâm, chăm sóc như anh em ruột. Cùng với các bạn, em được các thầy cô phụ đạo, bổ sung kiến thức cơ bản hàng ngày để đủ trình độ theo học lớp 11.
Em La Chí Huyền, dân tộc Ngái, học sinh giỏi đầu tiên của lớp đặc biệt cho biết, ngoài kiến thức trên lớp, ở trường, chúng em còn được đọc thêm nhiều sách báo, được mượn sách nâng cao tại thư viện. Hiện, bản Cậy (xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) nơi gia đình em ở vẫn chưa có bác sỹ. Vì vậy, em muốn học thật giỏi để trở thành bác sỹ chăm sóc và chữa bệnh cho dân bản mình…
Những ước mơ đó, hằng ngày, hằng giờ đang được thắp sáng dưới mái trường giàu truyền thống - nơi đã chuyên chở thành công 52 chuyến đò tri thức về vùng đồng bào dân tộc.
|