Trong không khí sôi động đó, để bạn đọc có thêm thông tin về những hoạt động của trường cũng như những thành tích đặc biệt xuất sắc mà nhà trường đã đạt được trong thời kì đổi mới, Tiểu ban Tuyên truyền xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Phần I Bản tin đặc biệt với tiêu đề:
“TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC - CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN TRONG HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG DTNT TOÀN QUỐC”
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là trường Dân tộc nội trú Trung ương, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức năng nhiệm vụ là tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, kém phát triển cho các tỉnh miền núi của miền Bắc (từ Quảng Bình trở ra).
Trường được thành lập năm 1957, khi đó mang tên là Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Trường PT Vùng cao Việt Bắc đã có một chặng đường lịch sử vẻ vang. Trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, Trường đã chuyển đổi nhiều nơi, thay đổi nhiều tên gọi.
Ảnh: Mai Thúy
Ngày 9 tháng 7 năm 1976 Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Quyết định số 113/QĐ chính thức đổi tên Trường thành Trường PT Vùng cao Việt Bắc, Trường đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường có vinh dự lớn được 3 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Nhà trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện trong công tác thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các tỉnh miền núi Miền Bắc nước ta.
Qua từng thời kỳ, với từng bước đi lên vững chắc, mục tiêu đào tạo của Nhà trường ngày càng mở rộng và phát triển đa dạng với 2 hệ đào tạo: Phổ thông Dân tộc nội trú và Dự bị Đại học Dân tộc.
Trường PT Vùng cao Việt Bắc ra đời, phát triển trong bối cảnh đất nước có chiến tranh và tiếp theo đó là công cuộc xây dựng XHCN đầy gian khó chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, về đội ngũ giáo viên.
Là trường Dân tộc nội trú đa hệ, đa dân tộc (có dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y), không qua thi tuyển nên học sinh có mặt bằng kiến thức thấp, không đồng đều. Môi trường đào tạo của Trường cũng hết sức đặc biệt, giữa các học sinh rất dễ xảy ra va chạm vì những khác biệt về tập quán, lối sống riêng của từng dân tộc.
Bên cạnh đó những phần tử tiêu cực, chống phá luôn tìm cách lôi kéo, tác động xấu đến học sinh dân tộc ít người. Những khó khăn trên đã đặt ra cho lãnh đạo Nhà trường nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi Đảng uỷ và tập thể lãnh đạo Nhà trường mạnh dạn dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, vươn lên trụ vững và phát triển để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Với bề dày truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển cho đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 27.350 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có 276 học sinh thuộc dân tộc rất ít người (Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y), 245 học sinh trở thành học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có nhiều em đạt giải cao: Nhất, Nhì, Ba. Hầu hết các em đang công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ đem ánh sáng văn hoá đến những bản làng xa xôi mà nhiều người đã trở thành những cán bộ giỏi đảm đương các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.
Hiện nay trong bối cảnh hội nhập và có nhiều thách thức mới của cả dân tộc, sự cải cách mạnh mẽ trong giáo dục, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc xác định rõ chiến lược phát triển của Nhà trường đến năm 2015 thông qua nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XX với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, đổi mới toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đa hệ đào tạo và phát triển bền vững”, để xứng đáng là nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số thực sự có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt.
Hơn nửa thế kỷ qua, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã có bao đổi thay, ngày càng khẳng định được chất lượng và vị thế của mình, như lời nhận xét của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi về thăm Trường, xứng đáng là: “Cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường Dân tộc nội trú toàn quốc”.
------------------------------------------------------------------------
Mời các bạn tiếp tục đón xem Phần II với tiêu đề “NHỮNG THÀNH TÍCH ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI” (Từ năm học 2002 - 2003 đến năm học 2014 - 2015 ) sẽ phát hành trong số tới.