GIÁO DỤC NỘI DUNG: BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO TRONG MÔN ĐỊA LÝ CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Ths Nguyễn Thị Phương Nga - Trường PT VCVB
1. Đặt vấn đề
Giáo dục về biên giới, biển đảo tại các trường học hiện nay vừa mang tính thời sự, vừa mang tính lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Các trường phổ thông đã đưa nội dung này vào giảng dạy ngoại khóa, tích hợp trong các môn học lịch sử, địa lý, văn học… Đặc biệt ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, hầu hết các em học sinh đều sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nên việc đưa nội dung về biên giới, hải đảo trong các giờ học chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa lại càng có ý nghĩa.
2. Đặc điểm tình hình các trường dân tộc nội trú
2.1. Đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số
Học sinh dân tộc thiểu số có địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi và trung du, cuộc sống hàng ngày của các em tiếp xúc với thiên nhiên, nên các em thường vô tư, trong sáng, ít giao tiếp với bên ngoài, rất thật thà, trung thực. Nét tính cách nổi bật của các em là lễ phép, tôn trọng, gắn bó, thủy chung, đây là đặc điểm được kế thừa từ truyền thống quê hương, gia đình. Tuy nhiên, sự hồn nhiên, cảm tính, hưng phấn cao của nhiều em dễ dẫn đến hành vi thiếu cân nhắc. Trong quan hệ cộng đồng, quan hệ xã hội, các em coi trọng tín nghĩa, thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi, biểu hiện tình cảm thầm kín.
Học sinh thích lao động, chịu đựng được khó khăn, vất vả, thích tham gia các hoạt động thể dục thể thao, ngại lao động trí óc.
Các em chịu ảnh hưởng nặng nề các phong tục, tập quán lạc hậu, một số hoạt văn hóa, tập tục đã tác động đến thói quen, lối sống tạo nên một số tính cách riêng của học sinh dân tộc thiểu số. Với môi trường sống gắn với tự nhiên nên bản tính thích tự do, không thích bị ràng buộc bởi nề nếp, quy định tập thể. Phần lớn các em có tâm lý tự ti, mặc cảm, hay tự ái, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động tập thể.
Trong điều kiện kinh tế phát triển và hội nhập hiện nay, các em đã có ý thức hơn về con người, về cuộc sống, trình độ nhân thức cũng đã nâng lên rõ rệt, có trách nhiệm với cộng đồng, bắt đầu bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại. Học sinh dân tộc thiểu số có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của điều kiện và môi trường sống, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số được đào tạo trong môi trường chuyên biệt (các trường dân tộc nội trú) có ý thức phấn đấu, khả năng tư duy tốt, bắt nhịp nhanh với những thay đổi của thực tiễn, thời đại, khoa học công nghệ. Học sinh dân tộc nội trú được sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô, bạn bè, có nhiều cơ hội để mở rộng giao lưu, có thêm nhiều mối quan hệ và mở rộng tầm nhìn, hiểu biết, khác với môi trường sống vốn có trước đây của các em.
2.2. Đặc điểm nhân thức của học sinh dân tộc thiểu số
Đặc điểm nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số mang hơi thở của tự nhiên rất rõ nét nên nhận thức cảm tính của các em phát triển khá tốt. Cảm giác, tri giác của các em khá sinh động, phong phú, tinh tế, tuy nhiên khả năng khái quát vấn đề hạn chế, không thấy được bản chất của sự vật, hiện tượng. Chính vì vậy, để phát triển nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số, trong quá trình học tập cần gắn tri giác với trực tiếp đồ vật, thông qua hành động trực tiếp như nhìn, sờ mó,.... Các hình thức học tập cần đa dạng như: tham quan, ngoại khóa, nghiên cứu tài liệu, tăng cường dạy học trực quan để làm tăng hứng thú và hiểu biết cho học sinh.
Tính chất của hoạt động của học sinh các trường dân tộc nội trú khác nhiều so với hoạt động học tập của các trường THPT bình thường khác. Sự khác nhau cơ bản không phải ở nội dung học tập mà là ở việc tổ chức các hoạt động học tập mang tính chất cụ thể, rõ ràng, gắn liền với thực tế cuộc sống, thông qua những cảm nhận mang tính trực quan bằng quan sát, liên hệ thực tế… Việc học tập của các em học sinh dân tộc thiểu số còn mang tính thụ động, máy móc, rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, suy luận logic chưa tốt khả năng tự xây dựng cho mình phương pháp học tập có hiệu quả còn hạn chế.
Đặc điểm đặc trưng và nổi bật nhất của học sinh dân tộc thiểu số là khả năng phân tích, sự hình thành kiến thức mới chủ yếu thông qua các hoạt động quan sát, ghi nhớ mang tính đại khái, có thói quen suy nghĩ một chiều, tư duy còn kém nhanh nhạy. Việc học chưa được coi trọng, thiếu động cơ thúc đẩy, môi trường học với những yêu cầu cao về tri thức, tính kỷ luật chặt chẽ của nhà trường là một khó khăn với các em.
Về khả năng ngôn ngữ: học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, nên việc giao tiếp của các em cũng gặp khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, đối với các em học sinh các trường dân tộc nội trú thì vấn đề ngôn ngữ, cách tư duy, thói quen học tập cũng được cải thiện nhiều do các em được học tập và rèn luyện trong môi trường nhà trường từ khá sớm, nên khả năng tiếp cận các vấn đề khá nhanh nhạy, bước đầu hình thành tư duy khoa học. Thực tế cho thấy các em học sinh dân tộc nội trú đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực học tập
2.3. Đặc điểm các trường dân tộc nội trú
Trường phổ thông dân tộc nội trú nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập trên cả nước. Trường có vai trò mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc, là trường tạo nguồn cán bộ dân tộc, một trung tâm văn hóa, khoa học kĩ thuật ở địa phương. Đây là trường dành cho các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, bản thân và gia đình sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh. Học sinh các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đảm bảo các điều kiện cần thiết để ăn học, được nhà trường tổ chức các hoạt động nuôi dạy và sống nội trú ở trường trong quá trình học tập.
Học sinh được tuyển vào trường DTNT là các hạt giống ở các vùng sâu, xa, vùng có hoàn cảnh KT - XH đặc biệt khó khăn nên các em hiếu học, có chí hướng phấn đấu tốt, yêu trường mến lớp, có động cơ mục đích học tập đúng đắn, đây cũng là một yếu tố thuận lợi quyết định tới chất lượng giáo dục trong nhà trường. Hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú muốn phát huy tính tích cực và hạn chế sự chưa tích cực của học sinh dân tộc thiểu số nên chú ý tới các đặc điểm cơ bản sau:
- Gia đình của học sinh các trường dân tộc nội trú đều ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo và các em chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số.
- Người dân tộc thiểu số có đặc tính rất yêu lao động,thích hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và khi tham gia các cuộc thi thì đều muốn giành“vị trí chiến thắng”. Đó cũng là tính cách của con em họ mang theo khi xuống học tập tại trường PTDT nội trú.
- Vì là đối tượng được quan tâm, chăm sóc nên đại bộ phận học sinh dân tộc nội trú ý thức được nhiệm vụ học tập của mình. Nhiều em rất chuyên cần, say sưa trong học tập, đặc biệt là các em học lớp cuối cấp.
- Khả năng tư duy của học sinh dân tộc thiểu số hạn chế nhiều so với học sinh ở vùng thị trấn và vùng KT-XH tương đối phát triển. Tư duy yếu, chậm thích ứng, kém linh hoạt, sáng tạo, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, các thao tác tư duy thiếu tính logic, hệ thống hoá khái quát hoá. Khả năng lĩnh hội kiến thức mới, hiểu thuộc tính chung, thuộc tính bản chất còn yếu, khả năng định hướng trong tri giác còn hạn chế, dễ bị lôi kéo bởi những yếu tố mầu sắc bề ngoài mới lạ, dễ bị nhầm lẫn giữa những yếu tố bản chất và không bản chất. Vốn tiếng Việt nghèo nàn, khả năng diễn đạt yếu, nói và viết mắc nhiều lỗi chính tả, nên hay rụt rè, ít nói, ít phát biểu xây dựng bài giảng.
- Nhà trường quản lý học sinh dân tộc nội trú 24/24 giờ nên các em có đầy đủ thời gian học tập vui chơi theo kế hoạch, thời gian biểu được quy định.
- Ngoài hoạt động chính khóa trên lớp, học sinh DTNT còn tham gia vào hoạt động tự học buổi chiều, buổi tối; phụ đạo; tham quan, ngoại khóa do nhà trường tổ chức.
- Chất lượng học sinh đầu vào còn thấp do các trường không được tuyển sinh hoặc tuyển sinh nhưng chỉ tiêu phân bổ theo vùng, ưu tiên tuyển hết người dân tộc rất ít người do đó chất lượng văn hoá không đồng đều ở các lớp đầu cấp. Số học sinh đến trường muộn so với độ tuổi ở cuối cấp học là phổ biến, nên tuổi trung bình học sinh đầu cấp cao hơn so với học sinh phổ thông bình thường.
3. Giáo dục nội dung: biên giới, hải đảo trong môn Địa lý cho học sinh các trường dân tộc nội trú
Với đặc điểm tâm lý, đặc điểm nhận thức cũng như môi trường sống, học tập của học sinh dân tộc thiểu số ở các trường dân tộc nội trú, việc giáo dục tích hợp nội dung biên giới, hải đảo trong môn Địa lý có nhiều điều kiện thuận lợi.
3.1.Tích hợp nội dung giáo dục biên giới, hải đảo trong các bài học trên lớp
Đối với các bài học trên lớp trong chương trình Địa lý 12, giáo viên có thể tích hợp nội dung giáo dục biên giới, hải đảo cho các em học sinh thông qua việc liên hệ thực tế với địa bàn các em sinh sống.
Ví dụ: Khi dạy bài “Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ”, giáo viên liên hệ thực tế với nơi gia đình các em sinh sống ở vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, giáo dục các em ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ Việt Nam bằng những việc cụ thể hàng ngày.
Giáo viên sử dụng bản đồ “câm” để các em tự điền các tỉnh giáp biên, xác định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên bản đồ để các em ý thức được ý nghĩa to lớn về vai trò của biển đảo, đường biên giới trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Hoặc khi dạy bài “Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển”, giáo viên sử dụng bản đồ Địa lý tự nhiên Việt Nam là dụng cụ trực quan không thể thiếu.
Ngoài việc cho học sinh thấy rõ được những đặc điểm khái quát về Biển Đông thì học sinh cần xác định được các quốc gia có lợi ích chung trên Biển Đông và vùng biển của Việt Nam.
Trong bài này, giáo viên cần giáo dục biển đảo qua vấn đề: Ảnh hưởng của Biển Đông đến thiên nhiên Việt Nam. Giáo viên cần đặt ra các câu hỏi lớn như:
- Nếu không giáp Biển thì thiên nhiên nước ta có sự thay đổi so với hiện nay như thế nào?
- Ảnh hưởng của Biển Đông đến thiên nhiên nước ta ra sao?
- Vai trò của Biển Đông đến khí hậu, địa hình, hệ sinh thái, tài nguyên vùng biển nước ta?
- Lào là quốc gia không tiếp giáp với biển và được ngăn cách với Việt Nam bởi dãy núi Trường Sơn. Hãy tìm hiểu về khí hậu của vùng giáp biên giới Lào (phía tây Trường Sơn), giải thích và tim hiểu về ảnh hưởng của hiện tượng gió Lào vào mùa tháng .... trong năm đối với nước ta.
Để trả lời được những câu hỏi trên, ngoài việc vận dụng các kiến thức trong sách giáo khoa thì các em cần có những hiểu biết về tự nhiên. Ví dụ: Nếu không giáp biển thì nước ta mang tính chất nhiệt đới lục địa, khí hậu khắc nghiệt, không có các dạng địa hình như các vịnh nước sâu, các đảo ven bờ, không có nguồn tài nguyên phong phú như thuỷ sản hay dầu khí phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội..., từ đó học sinh càng nhận thức được ý nghĩa của quốc gia giáp biển, có biển.
Trong bài “Địa lý địa phương” với phương pháp dạy học dự án, giáo viên chọn các chủ đề cho học sinh tìm hiểu và viết báo cáo như: Tìm hiểu đặc điểm tự nhiên, dân cư xã hội của một tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào, Căm Pu Chia. Như vậy học sinh vừa có kiến thức địa lý về một địa phương cụ thể vừa giáo dục ý thức bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
3.2. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa với chủ đề về biên giới, hải đảo
Do đặc điểm các em học 2 buổi/ngày nên việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa sẽ thu hút các em học sinh tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, có hiệu quả, ý nghĩa cao trong giáo dục.
Việc tổ chức ngoại khóa có thể tiến hành vào các buổi chiều, buổi tối với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt phù hợp với đặc điểm tâm lý cũng như đặc điểm nhận thức của các em. Trong các buổi ngoại khóa, giáo viên cho các em tham gia trả lời các câu hỏi để cung cấp kiến thức về biên giới, hải đảo. Tổ chức các hoạt động như thi hùng biện, đóng kịch, diễn thời trang về chủ đề biên giới, hải đảo tạo sự hưng phấn trong học tập của các em.
3.3. Tổ chức thành các câu lạc bộ với chủ đề sinh hoạt về biên giới, hải đảo
Trong các trường DTNT việc tổ chức các câu lạc bộ thu hút được sự quan tâm của các em học sinh. Hoạt động của các câu lạc bộ có thể theo tuần, theo tháng với nội dung sinh hoạt theo các chủ đề cụ thể, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng.
Với mỗi tháng, câu lạc bộ tổ chức các buổi nói chuyện của chuyên gia hoặc của giáo viên về biên giới, biển đảo. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biên giới, biển đảo quê hương như thi hùng biện giữa các khối lớp giữa các thành viên trong câu lạc bộ, tổ chức triễn lãm tranh, viết các bài viết tìm hiểu về chủ quyền biên giới, hải đảo thiêng liêng của đất nước. Tổ chức các cho các em sưu tầm các tài liệu bản đồ liên quan đến nội biển, đảo quê hương. Xây dựng các mô hình về hình dạng lãnh thổ Việt Nam, các hòn đảo để giúp các em hiểu rõ hơn chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Trong câu lạc bộ, tổ chức các bút nhóm viết về biển đảo, vùng biên quê em, xuất bản thành tập san phổ biển cho học sinh toàn trường.
Các thành viên trong câu lạc bộ cùng với Đoàn viên thanh niên nhà trường tham gia các hoạt động tình nguyện ở những sâu, vùng xa, vùng biên giới, để các em có được những trải nghiệm thực tế về cuộc sống, con người Việt Nam ở vùng khó khăn.
3.4. Tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền về nội dung biên giới, hải đảo
Để giáo dục nội dung biên giới, biển đảo đến đông đảo các học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức các cuộc thi trên quy mô toàn trường là cần thiết, cần có sự phối hợp giữa giáo viên các bộ môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và Đoàn thanh niên nhà trường.
Ví dụ tổ chức cuộc thi tìm hiểu về “ Biển đảo quê hương”, “ Vùng biên quê em” ; thi vẽ tranh về chủ đề “ Biển Việt Nam”; thi hát các bài hát tập thể về biển đảo, biên giới; Thi sáng tác với chủ đề “ Quê hương em”…
3.5. Tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại để giáo dục tình yêu quê hương, đất nước
Trong kế hoạch năm học của các trường DTNT đều có các chuyến tham quan, dã ngoại cho học sinh các khối lớp, kết hợp các chuyến tham quan này, giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong các báo cáo thu hoạch sau tham quan cần yêu cầu đề cập đến những di sản nổi bật của quê hương em hoặc nơi được đến tham quan nhằm giáo dục ý thức bảo vệ di sản cho mỗi học sinh.
3.6. Kết hợp với phụ huynh tuyên truyền, giáo dục về biên giới, hải đảo
Do đặc điểm của các em dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi, vùng biên giới nên việc kết hợp với phụ huynh học sinh để giáo dục về ý thức chủ quyền biển đảo, biên giới là hết sức quan trọng.
Đối với các xã vùng biên giới, việc có một vài em học sinh được đi học cấp 3 là không nhiều, vì vậy việc cung cấp kiến thức, giáo dục ý thức về vùng biên giới nước ta một cách đầy đủ sẽ giúp các em trở thành những tuyên truyền viên cho bản làng quê hương trong việc giữ gìn lãnh thổ đất nước.
4. Kết luận
Việc tổ chức các hoạt động học tập giáo dục nội dung biên giới, biển đảo đối với các em học sinh dân tộc thiểu số cần có hình thức hoạt động đa dạng, phong phú thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. Các hoạt động giáo dục cần gắn kết giữa nội dung với thực tiễn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mỗi hoạt động phải có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thành bài học.
Hằng năm, Nhà trường cần xây dựng Kế hoạch giáo dục nội dung biên giới, biển đảo thông qua hoạt động ngoại khóa mà nòng cốt là Hội đồng giáo viên chủ nhiệm và Đoàn thanh niên của Nhà trường.