NHẠC SĨ ĐỖ NHUẬN VỚI BẢN HÙNG CA “GIẢI PHÓNG ĐIỆN BIÊN”
Nhạc phẩm Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ lâu đã trở thành tượng đài bằng âm thanh, một bản hùng ca bất hủ. Nhân kỷ niệm 56 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2010), chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc hoàn cảnh ra đời bài hát này.
Mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia ""Chiến dịch Trần Đình"" (mật danh của chiến dịch Biện Biên Phủ). Chiến dịch rất quyết liệt, kéo dài nên không được phép tập trung đông người để xem biểu diễn. Đoàn phải phân tán thành từng tốp từ 3 đến 5 diễn viên xuống tận chiến hào, vào từng hầm cấp cứu thương binh để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công. Không chỉ là nghệ sĩ, mỗi ca sĩ, nhạc công... đều là chiến sĩ thực thụ. Từ Trưởng đoàn đến diễn viên đều tham gia làm đường, tải đạn, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu với tinh thần ""Tất cả để chiến thắng"".
Cuộc chiến kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng anh chị em văn công đang san lấp hố bom dọc đường, gặp một cán bộ tuyên huấn mặt trận tìm đến. Với giọng nói đầy lạc quan, anh nói với nhạc sĩ Đỗ Nhuận như để mọi người cùng nghe: "Thắng đến nơi rồi. Đỗ Nhuận phải sáng tác một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích đó...".
Đêm hôm ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ôm cây đàn ghi-ta bập bùng tìm giai điệu, tiết tấu và ca từ và rồi bỗng nhiên anh nẩy ra ca từ: ""Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui..."". Và, từ ấy hình ảnh và cảnh quan Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên trong ca từ của Đỗ Nhuận: ""Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé giữa đồng nắm tay xoè hoa"" (vũ điệu dân gian của đồng bào Thái)...
Trong một buổi gặp gỡ với báo giới, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tâm sự: ""Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng xóm đều hân hoan một niềm vui vô tận. Nhưng niền vui của cả dân tộc là vĩ đại, bởi đã giành được chiến thắng vinh quang trước kẻ thù. Trước hào quang toàn thắng, lòng tôi trào đang một niềm vui. Chân gõ nhịp để tìm tiết tấu và ca từ mà như muốn nhảy lên, reo lên: ""Ấy biết bao sướng vui, từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào nao nức mong đón ta trở về..."". Khi say mê là thế, khi thanh thản tỉnh táo, tôi ý thức rằng giai điệu dân ca quan họ Bắc Ninh đã thấm đậm trong tâm hồn tôi tự bao giờ. Giai điệu ấy bắt nguồn từ bài dân ca quan họ Bắc Ninh: ""Ai xui lúa chín"". Trong bài dân ca đó có câu: ""Ấy mấy em nhớ ai, kia là ba bốn nhớ, ấy mấy ba bốn nhớ, chín mười chờ..."". Sở dĩ tôi viết thêm ca từ thứ hai là bởi giá trị lịch sử của nó. Trước khi mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ta chủ trương: ""Đánh nhanh giải quyết nhanh"" trong ba bốn ngày là xong. Sau khi nghiên cứu lại tình hình bố phòng của giặc Pháp, chúng đã xây dựng cộng sự vững chắc, hoả lực mạnh, ta không thể tốc chiến tốc thắng được"".
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba nhạc phẩm: Hành quân xa, Chiến thắng Him Lam và Giải phóng Điện Biên trong không gian chiến tranh đầy quyết liệt và thời gian chưa đầy hai tháng, quả là một kỷ lục hiếm có. Vì vậy, năm 1996 ông đã được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) với những nhạc phẩm xuất sắc như: Nhớ chiến khu, Du kích sống Thao, Việt Nam quê hương tôi...