50 NĂM LÀM THEO LỜI BÁC DẠY
“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”
Ngày 13/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Bác căn dặn: “Các cháu phải đoàn kết, chăm học, nghe lời thầy cô giáo dạy bảo mới xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, phải chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc. Các cháu thuộc nhiều dân tộc, nhiều địa phương khác nhau càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Bác căn dặn các thầy giáo, cô giáo và cán bộ trường: “Phải chăm sóc, giáo dục các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị…”
Vậy là chỉ 3 năm sau khi được thành lập, nhà trường đã được đón Bác về thăm. Sau này, vào các năm 1962 và 1964, Bác cũng lại về thăm trường. Đó là một vinh dự lớn luôn thôi thúc các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh phấn đấu không ngừng vươn lên.
Ngày khai trường vào 19/12/1957, mới có vài lớp học tranh tre, nứa lá với chục thầy giáo, cán bộ, nhân viên, 30 học sinh dân tộc thiểu số gồm người Tày, Nùng, Dao, Mông, Lô Lô, Sán Chí, Bố Y… của 6 tỉnh khu tự trị Việt Bắc. Giờ đây, nhà trường toạ lạc trên diện tích 10 ha đất thuộc xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, quy hoạch khang trang, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. ở đây có khu nhà cao tầng gồm lớp học, thư viện, các phòng học máy vi tính hiện đại, phòng học ngoại ngữ… khu ăn ở nội trú của học sinh, xưởng mộc, xưởng học may, xưởng dệt thổ cẩm, xưởng học sửa chữa điện… Nhà sàn truyền thống của trường, nhà đa năng phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, vườn rau xanh mướt, hệ thống chuồng lợn, ao cá…
50 năm qua, trường đã giáo dục, đào tạo 11.373 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Trong đó, hơn 7.500 học sinh đã vào đại học, cao đẳng, 278 học sinh học nước ngoài, số còn lại vào các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Nhiều học sinh của trường trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương.
Vài năm gần đây, trường đã có 156 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia… Từ năm 2004 nhà trường được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ dạy các học sinh dân tộc thiểu số như: Si La, Lự, Dao, Pà Thẻn, La Hủ, Hà Nhì hoặc ít người có trình độ đại học như dân tộc Dao, Mông nhằm tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội miền núi.
Do chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ giảng dạy, nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên dày dặn kinh nghiệm, có tri thức cao, yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Toàn trường có 192 người với 25% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 45% cử nhân, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chiếm 30% và 70% giáo viên dạy giỏi cấp trường. Cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao, nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại và công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy. Giáo viên và học sinh đều biết sử dụng máy vi tính và khai thác thông tin trên mạng phục vụ cho công tác dạy và học.
Hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, nhà trường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế thi cử, phát động và ký cam kết thực hiện đồng bộ trong giáo viên, học sinh.
20 năm gần đây, trường liên tục được công nhận trường tiên tiến, xuất sắc, đơn vị lao động giỏi cấp tỉnh, trường học không có ma tuý… Đảng bộ nhà trường liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống các trường dân tộc nội trú của cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm được nâng lên, đến nay tốt nghiệp phổ thông trung học đạt 95%, vào đại học, cao đẳng từ 60% đến 90%.
Học sinh được giáo dục giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình, tăng cường đoàn kết dân tộc, trong trường học sinh không mắc các tệ nạn xã hội, không có hiện tượng chia rẽ bè phái hoặc kỳ thị dân tộc, thực hiện tốt pháp luật nhà nước… Thầy và trò đang dấy lên phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và phục vụ tốt theo lời Bác Hồ dạy, thể hiện sinh động chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước.