ĐOÀN CÔNG TÁC BỘ GDĐT VÀ ỦY BAN DÂN TỘC THĂM TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC
Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GDĐT
Sáng 25/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác của hai Bộ đã đến thăm và làm việc với Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Cùng đi có Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Ủy ban Dân tộc.
Báo cáo với đoàn công tác, cô giáo Lục Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cho biết: Trường được thành lập năm 1957, từ đó đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 50.000 học sinh của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kiểm tra bếp ăn của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Thực hiện nhiệm vụ được giao là nuôi dạy học sinh các dân tộc rất ít người từ lớp 9, trong 64 năm qua, đã có hơn 600 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người (Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y...) học tập tại trường và tiếp tục học cao hơn nữa.
Nhà trường hiện có 227 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 2.500 học sinh thuộc hệ phổ thông và hệ dự bị đại học. Trong những năm học qua, trường đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa vào chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn ở trong nhóm hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên.
Là trường duy nhất của cả nước không thuộc khối trường chuyên có đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, hằng năm, trường có 15-20 học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia - đây là thành tích vượt trội của nhà trường, không chỉ so với hệ thống các trường dân tộc nội trú, mà còn sánh với một số trường chuyên của các tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong cuộc làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Riêng năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc có 672 em đạt học sinh giỏi các cấp, trong đó có 2 em xuất sắc dành huy chương Vàng cuộc thi Quốc tế "Phát minh và sáng chế công nghệ mới 2021", 100% học sinh của nhà trường đỗ tốt nghiệp, một em trong số đó trở thành thủ khoa khối xét tuyển đại học năm nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã đạt được trong suốt những năm qua. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập, sinh hoạt, song đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và các em học sinh đã không ngừng nỗ lực vượt khó để dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, hai Bộ trưởng mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai tốt các hoạt động dạy và học theo định hướng đổi mới. Trong đó, tập trung củng cố đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục; thực hiện đầu tư về cơ sở vật chất theo hướng ưu tiên cho những công trình cần thiết như thư viện, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm...; tiếp tục quan tâm giáo dục kỹ năng sống và bảo tồn bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số cho học sinh; chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ sang năm đối với lớp 10...
Học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc trong giờ thể dục giữa giờ
Trước yêu cầu đổi mới của giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục dân tộc, hai Bộ trưởng thống nhất cần thiết phải có những nghiên cứu để tham mưu điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới giáo dục dân tộc, tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số được học tập và phát triển, qua đó tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho cả nước.
Tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đi kiểm tra có sở vật chất của nhà trường bao gồm phòng học, thư viện, bếp ăn, nơi ở của học sinh...