NHỚ LỜI BÁC HỒ DẠY: “XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN”
(Bác Hồ về thăm trường PT VCVB ngày 13/3/1960 - Ảnh tư liệu)
Trong phòng truyền thống của trường PT Vùng cao Việt bắc có một bứcảnh đã đi vào lịch sử không những của nhà trường mà của cả đất nước ta. Đó là hình ảnh Bác Hồ như một người Ông thân thiết với các em học sinh các dân tộc Việt bắc đang quây quần bên Bác vào sáng 13/3/1960.
Thấm thoắt đã 52 năm trôi qua kể từ giờ phút thiêng liêng ấy, hình ảnh của Bác và những lời dạy của Người vẫn như còn ở đâu đây. Dặn dò các em học sinh các dân tộc của trường PT Vùng Cao Việt Bắc, Bác nói: “Các cháu mới xa nhà thì nhớ nhà rồi sẽ quên đi, nhưng phải ngoan, phải chịu khó học tập vì đồng bào các dân tộc ta xưa kia bị áp bức, bị khổ nhiều, không được học tập. Bây giờ các cháu được Đảng cho đi học phải ngoan ngoãn nghe lời thày cô dạy bảo, phải chịu khó học tập để sau này có khả năng xây dựng bản làng, phục vụ các dân tộc. Bác dặn các cháu thuộc nhiều dân tộc ở nhiều địa phương khác nhau lại càng phải đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em trong một nhà. Bác dặn các thày cô giáo và cán bộ trong trường phải chăm sóc giáo dục các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị của các cháu.”
Vâng lời Bác dạy nhiều thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh của nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong suốt chặng đường 50 năm qua, đoàn kết cùng nhau đưa nhà trường tiến lên không ngừng về số lượng và chất lượng, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường DTNT cả nước.
Tiếp bước truyền thống của nhà trường, các thế hệ hôm nay phải tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, sửa chữa và khắc phục các tồn tại, đặc biệt là công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cho cán bộ, học sinh, thực hiện và xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh trong nhà trường,cụ thể là:
1. Trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, cụ thể là học sinh với học sinh phải đúng mực, tôn trọng người lớn tuổi, biết thương yêu nhường nhịn người ít tuổi. Biết chia sẻ với người gặp hoàn cảnh khó khăn, động viên giúp đỡ các bạn khi đau yếu, thật sự coi nhau như anh em trong một gia đình. Xưng hô với mọi người đúng mực.
2. Cùng sống trong một mái nhà có đông người, thuộc nhiều dân tộc, nhiều địa phương với nhiều cá tính và phong tục tập quán khác nhau tránh sao khỏi sự va vấp hàng ngày. Nói như người xưa : “Bát đũa trong rổ còn có khi va chạm” nói chi đến con người trong một xã hội năng động và phát triển. Nó đòi hỏi mỗi người phải biết ứng xử có văn hóa. Có lỗi với người khác dù lớn hay nhỏ đều phải nói lời “Xin lỗi”. Được người khác giúp đỡ mình thì dù việc nhỏ cũng ngỏ lời “Cám ơn”. Đừng bao giờ nghĩ là quyền của mình phải được hưởng thụ nên không phải nói điều gì cả. Nói được “Xin lỗi” hoặc “Cám ơn” không làm cho ta xấu hay yếu hèn đi trái lại càng làm cho giá trị của mình lớn lên. Nếu chưa biết, chưa quen hãy tập nói cho quen để trở thành nếp sống đẹp trong tập thể chúng ta. Nhiều vụ va chạm giữa học sinh trong KTX dẫn đến việc học sinh bị kỷ luật có khi bị đuổi học cũng do chúng ta chưa ứng xử với nhau như ngườicó văn hóa
3. Trong một mái trường đa dân tộc thì bình đẳng dân tộc là chuyên đương nhiên. Bất kể đó là dân tộc ít người (La Hủ, Pà thẻn, Mông …) hay các dân tộc đa số (Kinh, Tày, Nùng, Thái …) không dân tộc nào hèn kém hoặc vĩ đại hơn dân tộc nào. Do vậy không được có thái độ kỳ thị hoặc chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong trường. Câu ca dao xưa đã nhắc chúng ta phải làm tốt điều này:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Dân tộc ta đã từng thắng 3 đế quốc to là Nhật, Pháp và Mỹ chính là do sức mạnh đoàn kết các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam mà người đứng đầu là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
4. Ngôn ngữ trong giao tiếp phải mạch lạc, trong sáng. Không nên nói tiếng dân tộc ít người trong một đám đông có các dân tộc khác, vì tránh để người kháchiểu lầm. Nên bỏ ngay thói quen nói từ đệm tục tĩu ở đầu mỗi câu khi mở miệng, vì cái miệng sinh ra là để nói điều hay, ý đẹp, đừng để nó luôn luôn bị vấy bẩn bởi những thứ khác. Tật này tuy không phổ biến nhưng vẫn tồn tại ở một số bạn kể cảbạn nữ. Chúng ta hãy lên án và kiên quyết loại bỏ việc nói tục, chửi thề chửi bậy. Phải mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình trong cácsinh hoạt tập thể, cố gắng rèn luyện kỹ năng diễn đạt và thuyết trình trước các bạn vì đơn giản là chúng ta đang sống trong một cộng đồng chia sẻ, một cộng đồng tự học và tự rèn.
5. Dân tộc ta đã từng đánh thắng nhiều đế quốc, thu phục nhân tâm cũng là “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” và “ Lấy nhân trả ác thì ác tiêu tan; lấy ác trả ác thì ác chất chồng”. Khi cả giận sẽ mất khôn, do vậy phải biết kiềm chế bản thân trong các hành động trong khi giao tiếp, phải có lòng vị tha cho người mắc lỗi; tuyệt đối không được dùng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh. Có làm được như vậy thì mọi bức xúc sẽ được giải tỏa, con người sống với nhau sẽ thân ái, đoàn kết hơn.
6. Một trong những vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới đó là rác thải, các nước văn minh mọi người đều có ý thức rất cao về việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, chúng ta tuy còn nghèo nhưng hoàn toàn có thể giữ gìn môi trường sống Xanh - Sạch - Đẹp. Chỉ cần có ý thức thì không bao giờ có rác thải vứt lung tung, rác sẽ được đưa vào đúng chỗ. Những thói quen xấu như ăn đâu vứt đấy bất chấp nội quy, quy định phải được chấm dứt. Mọi người phải có thái độ phê phán và ngăn chặn các hành vi xả rác bừa bãi. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Phải góp sức cùng mọi người biến khuôn viên nhà trường sạch như bệnh viện và đẹp như công viên, phải sống thân thiện và bảo vệ môi trường.
Tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm trường lần đầu tiên, mỗi cán bộ giáo viên và học sinh chúng ta hãy góp sức xây dựng thành công trường học thân thiện với nhiều nội dung phong phú như lời Bác dạy năm xưa.