Tiết học STEM với chủ đề: Thiết kế mô hình Lều du lịch
Bài dạy đã tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực trong STEM để học sinh hiểu sâu hơn về việc thiết kế mô hình Lều du lịch.
Về Khoa học, học sinh lựa chọn vật liệu thích hợp như kim loại, gỗ, ống nhựa, tre... để đảm bảo tính chịu lực và độ bền của lều. Các em còn nghiên cứu đặc tính của các loại vải như polyester hay vải chống thấm để đảm bảo Lều có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Về Công nghệ, học sinh không chỉ tiếp cận lý thuyết mà còn thực hành lắp ráp mô hình Lều từ các vật liệu đã chọn.
Về Kỹ thuật, học sinh học cách lập bản vẽ kỹ thuật 2D, 3D, đo đạc và thi công sản phẩm, từ đó giúp các em nắm vững quy trình thiết kế từ cơ bản đến nâng cao.
Về Toán học, bài học yêu cầu các em áp dụng kiến thức hình học không gian để tính toán diện tích, khối lượng vật liệu, đảm bảo tối ưu hóa sản phẩm.
Mô hình Lều du lịch này có thể ứng dụng thực tế trong các hoạt động dã ngoại, du lịch hoặc sử dụng trong các khu cắm trại. Sản phẩm không chỉ bền vững mà còn linh hoạt trong lắp ráp, tháo dỡ, đáp ứng nhu cầu thực tế trong việc di chuyển và sử dụng lâu dài. Các thiết kế Lều du lịch này còn có tiềm năng phát triển thành các mô hình kinh doanh, phục vụ cho nhu cầu lưu trú ngắn ngày tại các khu du lịch sinh thái, resort hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra, mô hình Lều cũng có thể ứng dụng trong các hoạt động cứu trợ thiên tai, hỗ trợ tạm thời cho những người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, động đất hoặc các khu vực gặp thảm họa thiên nhiên ...
Các nhóm học sinh đã tích cực hoàn thành sản phẩm và báo cáo kết quả thiết kế mô hình Lều du lịch của mình. Mỗi nhóm thể hiện những phong cách thiết kế riêng biệt, đồng thời tích hợp yếu tố văn hóa vào sản phẩm:
Nhóm 1: Thiết kế khung lều dạng khối lăng trụ lục giác đều, mang nét đặc trưng của các khu Lều cắm trại. Sản phẩm được trang trí bởi các họa tiết, màu sắc và biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái. Nhóm đã giải thích chi tiết về sự bền vững của khung lều và khả năng chịu lực trong điều kiện môi trường tự nhiên.
Nhóm 1 với mô hình khung lều dạng khối lăng trụ lục giác đều
Nhóm 2: Lều của nhóm 2 được thiết kế với khung dạng khối lăng trụ đứng ngũ giác, mô phỏng hình ngôi nhà truyền thống. Hoa văn trang trí trên Lều thể hiện lịch sử và giá trị văn hóa của người Mông. Nhóm cũng đưa ra những phân tích về tính ổn định của khung lều và khả năng chống chịu gió bão.
Nhóm 2 với mô hình khung lều dạng khối lăng trụ đứng ngũ giác
Nhóm 3: Thiết kế Lều của nhóm theo dạng khối lăng trụ đứng tam giác (lều chữ A) - một kiểu lều thông dụng trong các chuyến du lịch dã ngoại. Sản phẩm của nhóm được trang trí bằng các họa tiết phản ánh văn hóa, tâm linh và lịch sử của dân tộc Dao. Nhóm đã trình bày rõ ưu điểm của Lều chữ A trong việc chống mưa gió và khả năng tháo lắp nhanh chóng.
Nhóm 3 với mô hình khung lều dạng khối tam giác (Lều chữ A)
Sau phần trình bày của từng nhóm, các em học sinh đã cùng nhau thảo luận về ưu điểm, nhược điểm của từng sản phẩm và đề xuất những giải pháp khắc phục hạn chế. Các nhóm cũng nêu bật tính ứng dụng thực tế của các mô hình Lều trong các hoạt động du lịch, cắm trại.
Giờ học diễn ra sôi nổi, học sinh được khuyến khích phát biểu, đặt câu hỏi và chủ động trao đổi ý kiến với nhau. Thông qua bài dạy này, các em đã lĩnh hội được nhiều kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn và làm việc nhóm.
Bài dạy được tổ chức dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thị Bích Ngọc cùng với sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh lớp 12A1. Ngoài ra, buổi học còn có sự tham dự của PGS. TS Trịnh Thị Phương Thảo (Giảng viên Cao cấp - Khoa Toán - Đại học Sư phạm Thái Nguyên), đại diện Ban Giám hiệu và Phòng Đào tạo, các thầy cô thuộc Tổ Toán - Tin, tổ Hóa - Sinh và tổ Lý - Công nghệ.
Sau buổi dạy, các thầy cô giáo đã cùng nhau trao đổi chuyên môn, thảo luận về những phương pháp giảng dạy STEM hiệu quả và vai trò của STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. PGS. TS Trịnh Thị Phương Thảo đã có những chia sẻ hữu ích về cách tích hợp STEM trong môn Toán và các môn học khác, giúp các thầy cô có thêm những kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
Buổi học đã mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho học sinh, giúp các em không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn phát triển kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề - những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống và công việc tương lai.