CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM GIÁO DỤC CHO HỌC SINH TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC NĂM HỌC 2018 - 2019
Tổ Tư vấn
Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường PT Vùng cao Việt Bắc, tổ Tư vấn HSSV kết hợp với hội đồng chủ nhiệm các lớp đã xây dựng kế hoạch cho chương trình hoạt động kỹ năng sống: “Học tập và trải nghiệm cho học sinh, sinh viên” các khối 10,11,12 và Dự bị đại học tại Phim trường Giáo dục Wonderland (Xã Tân Cương - Thành phố Thái Nguyên).
Cuộc sống hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng hoàn thiện giá trị của bản thân. Để học tập và rèn luyện tốt hơn, với bất kỳ học sinh nào, việc học tập để đảm bảo kiến thức phổ thông là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cùng với đó là yêu cầu về kiến thức kỹ năng mềm trong học tập, trong bồi dưỡng nhân cách, trong rèn luyện sức khỏe để không ngừng nâng cao kiến thức kỹ năng trong đời sống cũng như học tập hiệu quả hơn.
Thành công chỉ thực sự đến với những người biết thích nghi để làm chủ hoàn cảnh và có khả năng hòa đồng với hoàn cảnh. Sự thích nghi ấy không có cái gì khác ngoài những kỹ năng sống phù hợp và đúng đắn. Mỗi học sinh trong thời đại ngày nay cần phải thích nghi với điều kiện và mức độ học tập mới, hoàn cảnh sống mới với nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt là các em học sinh trường dân tộc nội trú khi các em phải sớm tự lập, xa vòng tay chăm sóc của gia đình. Gia đình và nhà trường không thể đồng hành cùng học sinh mọi lúc, mọi nơi. Bởi thế, có những lúc, học sinh phải tự mình vận động, tự mình vươn lên, tự mình chiến thắng hoàn cảnh và hoàn thiện bản thân là một điều rất cần thiết. Kỹ năng sống hoàn thiện là nhân tố quyết định làm nên sức mạnh ấy.
Điều trên cho thấy rằng, cốt lõi của một tập thể vững mạnh là sự gắn kết, mỗi người đều cảm thấy mình là thành viên của nhóm, cảm thấy mình có giá trị và quan trọng. Trong thời gian học tập tại trường học hay trong cuộc sống bình thường, khi có một thành viên trong nhóm cảm thấy mình là người ngoài cuộc hoặc không thể hòa mình với các thành viên khác, thì rõ ràng nền tảng của tập thể lớp ấy chưa vững. Phương pháp tốt nhất để bắt đầu xây dựng lại nền móng là thông qua các trò chơi vận động do các MC team building hoặc các thầy cô tổ chức trong các buổi Team building training giúp mọi người giao tiếp, hiểu rõ nhau hơn và hòa mình vào tập thể.
Team building thực chất là một khóa học (thông thường được tổ chức ngoài trời) dựa trên các trò chơi khác nhau để cho học viên (những người tham gia) trải nghiệm các tình huống trước sau dựa trên các câu hỏi của giảng viên (facilitator) để rút ra các bài học thực tiễn trong công việc, nhằm điều chỉnh thái độ và hành vi cá nhân trong khi làm việc chung với nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung của tập thể.
Việc tổ chức “Học tập và trải nghiệm cho học sinh, sinh viên” theo mô hình Team building trong giảng dạy ngoại khóa sẽ giúp học sinh tăng cường các kỹ năng như sau:
1. Rèn luyện thể lực
Rèn luyện thể lực là lợi ích đầu tiên mà một chương trình mang tính vận động cao như Team building mang lại. Với đặc thù là các trò chơi yêu cầu người chơi phải vận động bản thân để vượt qua nhưng cũng không quá khó, sẽ rất phù hợp với đối tượng là học sinh. Các bạn học sinh khi học quá nhiều trên lớp, kết hợp với học thêm thì một chương trình ngoại khóa với các trò chơi vui nhộn giúp giải phóng năng lượng sẽ rất cần thiết.
2. Kỹ năng quản lý thời gian
Các trò chơi Team building cho học sinh đều có thời gian hoàn thành cụ thể và yêu cầu các đội chơi phải thực hiện phần thử thách trong khoảng thời gian đó. Với các bạn học sinh, việc quản lý thời gian, phân chia thời gian cụ thể cho từng đầu việc là rất quan trọng và cần được rèn luyện thường xuyên. Teambuilding là một cách để rèn luyện các bạn theo cách tự nhiên nhất về cách quản lý sắp xếp thời gian học tập và sinh hoạt tại trường dân tộc nội trú, không phải bằng lý thuyết cứng nhắc nên các bạn sẽ dễ tiếp thu và vận dụng được tốt nhất.
3. Kỹ năng vượt khó
Kỹ năng vượt khó được lồng ghép rất khéo léo vào các trò chơi Team building. Mỗi trò chơi dù có dễ đến mấy nhưng vẫn có một tiêu chí nhất định để người chơi vượt qua. Do đó, khi tham gia các trò chơi này, các bạn học sinh sẽ học được cách xử lý những tình huống phát sinh, vượt qua được những thử thách mà không nản lòng, bỏ cuộc. Với độ tuổi học sinh, việc nản trí rất dễ xảy ra bởi các bạn chưa có định hướng nhiều về tương lai nên việc rèn luyện kỹ năng này là rất cần thiết trong việc học tập cũng như trong cuộc sống.
4. Phát huy khả năng sáng tạo
Mỗi trò chơi Team building đều có nhiều cách xử lý khác nhau, việc của các thành viên trong đội là phải tìm ra cách để vượt qua thử thách sao cho nhanh và hiệu quả nhất. Điều đó hỗ trợ rất tốt trong quá trình kích thích não bộ, tăng khả năng sáng tạo cho các bạn học sinh.
5. Kỹ năng làm việc teamwork
Trong một lớp học, làm việc teamwork được nhà trường rất quan tâm bởi nó đem lại hiệu quả rất tốt trong việc hỗ trợ bạn bè trong học tập. Các trò chơi team building sẽ yêu cầu mỗi đội phải gắn kết với nhau, cùng nhau xây dựng nên phong cách làm việc riêng của đội mình, cùng nhau sáng tạo ra những hướng giải quyết công việc khác nhau, cùng phối hợp với nhau để vượt qua thử thách, cùng đồng thuận, gắn kết và hóa giải mọi mâu thuẫn trong nội bộ lớp học. Từ đó giúp tập thể trở thành một khối vững chắc nhất và đoàn kết nhất.
Những lợi ích của việc học tập và trải nghiệm theo hướng Team building:
+ Giao tiếp với nhau dễ dàng và hiệu quả hơn, nhất là đối với các học sinh, sinh viên để kết nối sức mạnh tập thể và tinh thần đồng đội, tạo ra sự đồng thuận từ trên xuống dưới trong lớp mình.
+ Thực tập trở thành team leader thông qua việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, phân công công việc, bố trí, sắp xếp các thành viên và tài nguyên hợp lý để hướng đội đến việc đạt mục tiêu chung của lớp học.
+ Dựa trên sức mạnh tập thể để sáng tạo và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
+ Nhận biết tính cách của các thành viên khác trong đội, điểm mạnh và điểm yếu của từng người để cùng bổ sung và phối hợp với nhau làm việc tốt hơn.
+ Khả năng dự báo, lập kế hoạch, đề phòng rủi ro, xử lý các tình huống bất ngờ…
+ Xây dựng được tinh thần đoàn kết, niềm tin lẫn nhau, tính cạnh tranh lành mạnh giữa các đội với nhau, nhận ra được “bức tranh toàn diện” và cùng hướng đến thành công chung của tập thể lớp.
+ Tạo ra bầu không khí thư giãn, thoải mái, vừa vui vừa học để giảm stress trong công việc hàng ngày.
+ Qua hoạt động học tập trải nhiệm theo tinh thần team building giúp cho thầy trò gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, xóa đi khoảng cách giữa người thầy và học sinh.
Hy vọng rằng, qua các bài học tập trải nghiệm sẽ giúp cho các em học sinh ngày càng năng động hơn, hoạt bát hơn và học tập tốt hơn. Chúc các em luôn thành công!