CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM TRONG TRƯỜNG
PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Mai Văn Đồng
Phó trưởng phòng Đào tạo
Trường dân tộc nội trú là nơi tập trung học tập của con em đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, nơi đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu. Điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn, hẫng hụt về kiến thức do vậy cần có sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và các thầy cô giáo. Công tác chủ nhiệm trong Trường Dân tộc nội trú có vị trí quan trọng, vừa là người tổ chức thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, vừa là người xây dựng kế hoạch hoạt động của lớp, xây dựng tập thể lớp vững mạnh đoàn kết giữa các dân tộc, vừa là người thổi vào tâm hồn các em những kiến thức mới, những ước mơ khát vọng, vươn tới một tương lai tốt đẹp. Mọi cử chỉ, việc làm, phong cách sống, tư tưởng tình cảm của người thầy đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của học sinh sau này.
Rạng ngời niềm vui cô trò (Ảnh minh họa)
Công tác chủ nhiệm đòi hỏi ở người thầy có trình độ chuyên môn giỏi, có phương pháp giáo dục tốt, có tình cảm trong sáng, say mê công việc, yêu nghề, yêu trẻ, thắp sáng ngọn lửa ước mơ cho các em. Biết tổ chức tốt các phong trào thi đua trong mỗi cá nhân và tập thể để tạo động lực phấn đấu vươn lên cho học sinh. Không giáo án, không công thức, không bài giảng mẫu, song mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp đều tìm cho mình một cách làm hợp lí để đạt được mục đích giáo dục đã đề ra. Chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm trong Trường Dân tộc nội trú có vai trò hết sức quan trọng:
- Giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường quản lý điều hành mọi công việc của lớp. Xây dựng cho lớp có kế hoach hoạt động cụ thể, giúp cho các em có nghị lực phấn đấu vươn lên đạt được mục đích ước mơ của mình
- Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi chăm lo giáo dục giúp đỡ các em vươn lên trong cuộc sống, đồng thời là người chăm sóc, bảo vệ học sinh.
- Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa tập thể học sinh, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của học sinh với nhà trường, đồng thời giáo viên chủ nhiệm cũng là cầu nối giữa các môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Với những vai trò quan trọng nêu trên, giáo viên chủ nhiệm lớp cần có phẩm chất, năng lực tốt, tổ chức, điều hành mọi hoạt động của lớp và làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Giáo viên chủ nhiệm, trước hết phải mẫu mực về đạo đức, tác phong, ứng xử, có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, hết lòng vì học sinh, thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
2. Phải nắm vững nhiệm vụ, kế hoạch của nhà trường để chỉ đạo học sinh của lớp mình thực hiện theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Triển khai và thực hiện tốt các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, của Ngành như: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”… Với tư cách là nhà sư phạm, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm truyền đạt tới học sinh tất cả yêu cầu, kế hoạch giáo dục của nhà trường bằng sự thuyết phục, cảm hóa, để mục tiêu giáo dục được học sinh chấp nhận một cách tự giác, tự nguyện. Với kinh nghiệm sư phạm của mình, giáo viên chủ nhiệm phải biến những chủ trương, kế hoạch của nhà trường thành chương trình hành động của mỗi học sinh, làm cho các em tự giác và say mê học tập, rèn luyện.
3. Cần nghiên cứu đặc điểm tâm lí, nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số để có nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp nhiệt tình có trách nhiệm, có uy tín với bạn bè, có khả năng điều hành, làm nòng cốt trong các hoạt động của lớp. Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò cố vấn, quan sát, giúp đỡ, uốn nắn các hoạt động của học sinh.
4. Giáo viên chủ nhiệm phải biết khêu gợi tiềm năng sáng tạo của các em trong việc đề xuất mọi hoạt động phù hợp với yêu cầu của lớp, của trường, từng tháng, từng học kỳ và cả năm học.
5. Phải giáo dục học sinh toàn diện: Từ tư tưởng, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống… đến truyền đạt kiến thức cho các em. Trong đó, giáo dục tư tưởng là quan trọng vì các em có nhận thức đúng về trách nhiệm học tập, rèn luyện mới tự giác, có khả năng vượt khó, mang lại hiệu quả trong học tập và rèn luyện. Công việc này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải làm thường xuyên, liên tục vì ở lứa tuổi các em suy nghĩ chưa chín chắn, thiếu kinh nghiệm, rất dễ bị lôi kéo bởi những cám dỗ đời thường. Tuy nhiên ở lứa tuổi của các em đang muốn khẳng định mình, giàu ước mơ, hoài bão, giáo viên chủ nhiệm khéo động viên, có nghệ thuật giáo dục rất dễ kích thích tư duy sáng tạo, phát triển tiềm năng trí tuệ vốn có của các em.
6. Phải chăm sóc học sinh như người cha, người mẹ thứ hai của các em. Các em đến trường hầu hết ở độ tuổi 15, 16, độ tuổi đang rất cần vòng tay nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ mà cuộc sống tập thể nội trú là một gia đình lớn, có rất nhiều vướng mắc cần giải quyết. Chỉ bằng tấm lòng, tình thương của cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm mới vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn đó, còn học sinh luôn được chở che, được chăm sóc đầy đủ và yên tâm học tập.
7. Kết hợp với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài trường để cùng giáo dục học sinh, đây là nguyên tắc trong giáo dục nhằm thực hiện tốt chức năng phối hợp, khép kín quá trình giáo dục về không gian, thời gian tác động đến học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.
8. Liên hệ mật thiết với gia đình để cùng giáo dục học sinh. Gia đình nơi các em sinh ra, lớn lên và đã được sự giáo dục, giáo viên cần liên hệ với gia đình để có thêm thông tin chính xác về học sinh, kết hợp để cùng giáo dục học sinh, thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đến gia đình định kỳ hoặc đột xuất.
9. Định hướng cho học sinh chọn nghề trong tương lai. Do điều kiện ở vùng khó khăn, các em và gia đình thiếu thông tin cần thiết về nghề nghiệp. Giáo viên chủ nhiệm là người biết rõ khả năng của các em, giáo viên chủ nhiệm cần tư vấn để các em chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội.
10. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm nắm vững tình hình của lớp về mọi mặt, báo cáo cho Ban giám hiệu biết theo định kỳ hoặc đột xuất những vấn đề cần thiết để nhà trường có hướng giải quyết kịp thời. Chịu trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng giáo dục của lớp chủ nhiệm.
Để làm tốt công tác chủ nhiệm, mỗi giáo viên cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Tổ chức tốt phong trào thi đua giữa các nhóm, các tổ, giữa lớp này với lớp khác, tạo động lực cho mỗi cá nhân và tập thể phấn đấu vươn lên không ngừng. Khen thưởng phải rõ ràng, minh bạch, khen chê đúng lúc, đúng nơi giúp các em nhận thức được những mặt mạnh cần được phát huy, những điểm yếu cần khắc phục để rèn luyện tốt hơn.
Công tác chủ nhiệm trong Trường Dân tộc nội trú thật quan trọng. Để làm tốt công tác chủ nhiệm không đơn giản và dễ dàng, nhưng với tinh thần làm việc: “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm đã vượt lên chính mình bằng tấm lòng nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ luôn phấn đấu không ngừng. Giáo viên chủ nhiệm thực sự là người thắp sáng ước mơ cho các em bay cao, bay xa tới những chân trời mới, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người cho đất nước, tô thắm trang sử truyền thống vẻ vang của dân tộc.