GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC
Tổ Tư Vấn HSSV
Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, không ít bộ phận học sinh thiếu tính tự tin, sống cô lập, sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân, vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống xuống cấp, nạo phá thai, xâm phạm tình dục, đắm chìm trong thế giới ảo của Internet… gây bức xúc cho nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu hụt về kỹ năng sống. Do vậy, các trường phổ thông cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, với bản chất là hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người xung quanh, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống phức tạp, muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống.
Đối với đặc thù riêng biệt của trường Dân tộc nội trú, khi các em học sinh đa phần là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nên các em thường nhút nhát và thiếu tự tin hơn các bạn cùng trang lứa. Học sinh đến từ các bản làng xa xôi, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, môi trường sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các phương tiện truyền thông về văn hóa, xã hội còn chưa phổ biến. Đó là những vấn đề thực tế mà các em học sinh ở các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng kinh tế chưa phát triển đang gặp phải. Hơn nữa, các em học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số nên các em hiền lành, ngoan ngoãn, đa số lại ít nói, ngại tiếp xúc và chậm xử lý những tình huống xảy ra trong cuộc sống cũng như trong học tập.
Chính vì vậy, hình thành kỹ năng sống (KNS) cho học sinh trong lứa tuổi thanh, thiếu niên trong trường DTNT nói riêng và các trường THPT đang là vấn đề được cha mẹ, thầy cô và cả xã hội quan tâm. KNS cho học sinh hiểu theo cách đơn giản, gần gũi nhất thì đó là việc trang bị cho các em những kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, làm việc… Những kỹ năng “mềm” này càng trở nên quan trọng đối với học sinh THPT tại các trường DTNT, nó sẽ giúp các em dễ thích nghi hòa nhập với các tình huống của cuộc sống sau này.
Theo Tổ chức UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization), KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là:
- Học để biết (Learning to know)
- Học làm người (Learning to be)
- Học để cùng chung sống với người khác (Learning to live together)
- Học để làm (Learning to do)
Trong đó, học để cùng chung sống được coi là một trụ cột quan trọng, then chốt của giáo dục hiện đại, giúp con người có được thái độ hoà bình, khoan dung, hiểu biết và tôn trọng lịch sử, truyền thống và những giá trị văn hoá và tinh thần; bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên… Chính vì vậy, ngay từ khi bước chân vào trường PT Vùng cao Việt Bắc, các em học sinh đã được tổ Tư vấn học sinh sinh viên tổ chức chương trình diễn đàn “Hòa nhập với môi trường nội trú” nhằm trang bị cho các em các kỹ năng cơ bản khi sống cùng các bạn trong trường.
Cuộc sống hiện đại đã thúc đẩy mọi hoạt động của con người trở nên gấp gáp hơn, đặc biệt khi các em học tập và rèn luyện trong môi trường khép kín học tập trong hối hả, nghỉ ngơi trong rộn ràng, thần kinh luôn căng thẳng và đặc biệt chứa đựng nhiều yếu tố khôn lường. Để hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần tích cực cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn, con người nói chung và học sinh DTNT nói riêng không thể không quan tâm đến việc rèn luyện kĩ năng sống nhằm thích ứng với mọi biến động phức tạp của hoàn cảnh.
Trong trường phổ thông DTNT cần giáo dục cho học sinh một số KNS cơ bản như sau:
- Kỹ năng sống về sức khoẻ: Chế độ dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật và tai nạn, sức khoẻ sinh sản, tác hại của chất gây nghiện, HIV/AIDS, thư giãn, giải tỏa stress…
- Kỹ năng sống về môi trường: Phòng tránh thiên tai, chăm sóc và bảo vệ môi trường sống trong sạch lành mạnh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…
- Kỹ năng sống về bản thân: Kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin, xây dựng nhân cách, xác định giá trị cuộc sống luôn tươi vui (tôn trọng, hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, chân thật, nhân đạo, tình thương, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, tự do, đoàn kết)…
- Kỹ năng sống về nghề nghiệp: Giao tiếp, so sánh, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, quản lý thời gian, làm việc nhóm, diễn đạt, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, soạn thảo văn bản, quản trị công việc…
Mục tiêu giáo dục KNS cho học sinh ở trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã được tổ Tư vấn đề ra kế hoạch như sau:
- Trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực.
- Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
KNS không phải tự nhiên có được mà phải được hình thành trong quá trình học tập, lĩnh hội và rèn luyện trong suốt cả cuộc đời. Quá trình hình thành KNS diễn ra cả trong và ngoài hệ thống giáo dục. Giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc (gia đình, nhà trường và xã hội), chính vì vậy tổ Tư vấn học sinh sinh viên luôn tìm mọi cách để tiếp cận với học sinh đưa KNS tới từng học sinh qua các cách thức sau đây:
- Có kế hoạch tổ chức các diễn đàn KNS hàng tháng, hàng tuần cho các khối học sinh và có từng bài diễn giảng phù hợp với từng đối tượng học sinh.
- Tích cực tuyên truyền để học sinh biết đến và tiếp cận với kỹ năng sống.
- Tích hợp với nội dung các bài học kỹ năng ở tất cả các môn học. Tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những KNS cơ bản. Qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực.
- Thực hiện trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ Tư vấn luôn sẵn sàng nhiệt tình đến từng lớp, soạn từng bài giảng kỹ năng phù hợp cho từng lớp để lên lớp cho học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc... để các em có tư duy linh hoạt, phong thái tự tin, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng.
- Các bài học kỹ năng sống luôn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, các buổi sinh hoạt lớp cho học sinh.
Tổ Tư vấn học sinh sinh viên nhà trường được thành lập từ năm 2011 cho đến nay đã liên tiếp bổ sung, đổi mới các chương trình diễn đàn kỹ năng sống cho các em học sinh. Các diễn đàn kỹ năng sống luôn được chỉnh sửa sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh là dân tộc thiếu số từng lớp, từng khối, các bài giảng luôn đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của các em học sinh đặc biệt khi các em có vướng mắc về tâm lý và suy nghĩ sai lệch.
Các bài giảng luôn được cụ thể hóa bằng những bài tập thực hành vui chơi dễ nhớ, dễ học như trò chơi khởi động, trò chơi ba cây, trò chơi dây chun và các trò chơi tập thể khác … Các bài học kỹ năng cơ bản được giới thiệu và diễn giảng ở các lớp có nhu cầu như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng học tập tốt, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hòa nhập cuộc sống…. tất cả đều giúp cho các em học sinh có đủ kiến thức về kỹ năng sống và đưa kỹ năng vào thực tế đời sống, nhằm trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng để các em phát triển hoàn thiện hơn, tự tin hơn bước vào cuộc sống.
Dưới đây là những hình ảnh hoạt động của tổ Tư vấn học sinh sinh viên: