Với chủ đề là về lịch sử và văn hóa của đất nước, nhà trường đã chọn Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Quân khu I và Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam làm điểm đến cho chuyến đi thực tế đầu tiên trong năm học này.
Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Quân khu I là nơi sưu tầm và trưng bày các hiện vật trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mĩ để bảo vệ độc lập và chủ quyền của Đất nước. Chuyến tham quan ở bảo tàng Lực lượng Vũ trang kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đã giúp chúng em ôn lại rất nhiều những sự kiện lịch sử hào hùng của đất nước, tưởng nhớ đến bao vị anh hùng liệt sĩ anh dũng hi sinh quên mình vì Tổ quốc.
Ở Bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật là bằng chứng của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình cứu nước. Khi tham quan bảo tàng, chúng em được biết bảo tàng hiện đang lưu giữ 9700 hiện vật trong đó có 2500 hiện vật tiêu biểu được trưng bày. Đây là những di sản có giá trị lớn, là chứng tích của một thời chiến tranh oai hùng, bất khuất của các lực lượng vũ trang Quân khu 1 cũng như của đồng bào, chiến sỹ các dân tộc Việt Bắc. Tại giữa khuôn viên của bảo tàng là tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 2.5m, nặng 1.5 tấn do sư cụ Đàm Hinh - một hiền đạo chân tu hiến tặng. Từ đây, chúng em tiếp tục được tham quan các hiện vật lịch sử, công trình nghệ thuật phản ánh những chiến công tiêu biểu của quân và dân Việt Bắc trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Các hiện vật ngoài trời là những hiện vật thể khối lớn như: Khẩu sơn pháo 75mm của Trung đoàn 675 bắn viên đạn đầu tiên vào Đồn To Đông Khê mở màn chiến dịch Biên Giới 1950; Pháo phòng không 100mm của đoàn Tân Trào (Lữ đoàn 210) đã cùng quân và dân Bắc Thái bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 trên bầu trời Miền Bắc; Máy bay MIG 21 số hiệu 4320 do anh hùng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy Viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã lái cùng đồng đội bắn cháy 8 máy bay Mỹ, riêng đồng chí bắn rơi hai chiếc.
Tiếp đến là không gian trưng bày trong bảo tàng, gồm 2 tầng, trưng bày các chủ đề chính là: Việt Bắc - vị trí chiến lược - đất nước, con người và truyền thống; Việt Bắc - cái nôi của quê hương cách mạng (1930 - 1945); Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954); Quân khu 1 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975) và Quân khu 1 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1976 đến nay).
Tại đây, trưng bày các hiện vật thô sơ tự tạo từ mũ lá, áo tơi, bát tre, gươm dao, giáo mác, chông mìn, cạm bẫy, súng kíp Hỏa Mai, súng ba-zô-ka đến súng trường các loại của quân và dân Việt Bắc đã góp phần làm nên những chiến công chói lọi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra còn có hàng nghìn hiện vật gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu và những kỉ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các anh hùng liệt sĩ, những con người ưu tú của quê hương Việt Bắc đã anh dũng chiến đấu trên khắp nẻo đường của Tổ Quốc.
Đặc biệt, Bảo tàng Quân khu 1 có sa bàn điện tử hiện đại về chiến dịch Biên giới - Thu Đông 1950, nội dung kết hợp với không gian thẩm mĩ, âm thanh, ánh sáng thể hiện diễn biến chiến dịch một cánh trung thực, hấp dẫn. Tất cả như “một cuốn sử sống” tái hiện sinh động lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân Việt Bắc. Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc - Quân khu 1 xứng đáng là 1 điểm văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống của Thái Nguyên nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung.
Sau khi tham quan toàn bộ Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc- Quân khu 1, tập thể lớp chúng em được các thầy cô đưa tới Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam để chiêm ngưỡng về vẻ đẹp từ thời xưa cho đến ngày nay của tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam nằm ở số 1 Đội Cấn, thành phố Thái Nguyên, được thành lập năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Năm 1990 đổi tên thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và trở thành 1 trong 5 Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển với hàng trăm cuộc nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện đang quản lý gần 30.000 tài liệu, hiện vật có giá trị, là cơ sở để hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà cũng như ngoài trời.
Qua cổng chính chúng em sải bước qua các bậc đá tiến thẳng vào sảnh A long trọng của Bảo tàng. Tại đây chúng em được thuyết minh viên của Bảo tàng giới thiệu những nét khái quát về văn hoá Việt Nam, được ngắm nhìn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người ôm ba em bé, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Bức tượng thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Bác với các cháu thiếu nhi ba miền, đồng thời thể hiện chính sách thống nhất, đa dạng và đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Sau tượng Bác Hồ là bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ mô phỏng các lễ hội tiêu biểu truyền thống các tộc người từ Bắc vào Nam: Múa khèn trong phiên chợ vùng cao, múa sư tử trong Hội Xuân vùng thung lũng, lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm, lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên và Hội đua ghe ngo của đồng bào Nam Bộ. Rời sảnh A, chúng em được lần lượt tham quan hệ thống 5 phòng trưng bày giới thiệu, thể hiện văn hóa tộc người, địa bàn cư trú, hoạt động kinh tế, văn hóa ẩm thực, trang phục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa phi vật thể tộc người (các tập tục chu kỳ đời người, âm nhạc, văn học nghệ thuật dân gian…)
Phòng số 1: Trưng bày và giới thiệu về văn hoá các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt). Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao;
Phòng số 2: Trưng bày và giới thiệu các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y). Đồng bào sống chủ yếu ở nhà sàn, trồng lúa trên các thung lũng, ven sông suối, với hệ thống dẫn nước bằng mương, phai, lái, lín, cọn nước. Các nghề thủ công rèn, dệt vải khá phát triển với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Đặc biệt họ có đời sống tinh thần phong phú với nhiều điệu xoè và bài hát then độc đáo;
Phòng số 3: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La). Đồng bào giỏi canh tác trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn…;
Phòng số 4: Trưng bày giới thiệu văn hoá 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, Hrê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, Xtiêng). Đồng bào cư trú rải rác ở khu vực Tây Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế chủ yếu canh tác nương rẫy, những nương rẫy có độ cao tương đối lớn, đồng canh tác theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Kiến trúc nhà rông Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn - Khơ Me;
Phòng số 5: Trưng bày và giới thiệu văn hoá các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu). Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo cư trú tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất ven biển Miền Trung; Văn hoá Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ. Các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Hán cư trú trên cả ba vùng Bắc, Trung, Nam; Văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ. Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5 năm 2010, bao gồm 6 vùng văn hóa: Vùng Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du - Bắc Bộ, Miền Trung - Ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên, và Đồng Bằng Nam Bộ. Mỗi vùng văn hoá đều có không gian tổ chức lễ hội, có cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, mang tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam.
Tại đây, chúng em dễ dàng tận mắt nhìn thấy nhiều dụng cụ vốn rất quen thuộc từ xưa của dân tộc như cái cối xay lúa đan bằng nan tre, cái cày bằng cây thô sơ, những mái nhà lợp tranh, vách đất… Có thể nói, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.
Đến tham quan Bảo tàng chúng em không chỉ được chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước mà còn được trải nghiệm các hoạt động để khám phá những kiến thức về văn hóa dân tộc, hiểu thêm những câu chuyện hiện vật đang trưng bày trong Bảo tàng khiến nó trở nên sống động và ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Qua chuyến đi thực tế tới hai bảo tàng của TP Thái Nguyên, tập thể lớp chúng em đã nghiệm ra rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Biết được những chiến công, kỳ tích, những vị anh hùng hi sinh anh dũng. Ôn lại được bao kiến thức lịch sử, tìm hiểu được rất nhiều điều mới lạ từ Bảo tàng Văn hóa câc Dân tộc Việt Nam. Tập thể lớp chúng em cảm thấy những chuyến đi thực tế mà nhà trường tổ chức như vậy rất bổ ích và thú vị. Chúng em mong rằng nhà trường sẽ tổ chức nhiều chuyến đi như thế này hơn nữa để chúng em được “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.