KINH NGHIỆM ÔN THI TỐT NGHIỆP MÔN VĂN
Kì thi tốt nghiệp cấc cấp, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi học sinh. Bởi giấy chứng nhận tốt nghiệp chính là tấm thẻ cho học sinh bước vào đời.
Ý thức được tầm quan trọng đó, giáo viên và học sinh cần phải có kế hoạch, phương pháp cụ thể cho việc dạy và học nhằm đảm bảo chất lượng cho mỗi giờ ôn tốt nghiệp trên lớp. Sau đây là một số kinh nghiệm nhỏ giúp cho việc ôn thi tốt nghiệp của giáo viên và học sinh đạ hiệu quả cao.
Trước hết, cần nắm chắc chắn cấu trúc, thang điểm đề thi tốt nghiệp môn văn do Bộ GD- ĐT quy định. Đề thi môn Văn gồm 4 câu hỏi, chia làm 2 phần.
Phần I là phần bắt buộc phải làm, có 2 câu:
Câu 1 (2 điểm):dạng tái hiện kiến thức như nêu hoàn cảnh ra đời, nêu những hiểu biết cơ bản về tác giả, giải thích nhan đề tác phẩm, nêu tình huống truyện, hoặc nêu ý nghĩa của một số chi tiết nghệ thuật tiểu hiểu ...
Câu 2 (3 điểm): yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng trong đời sống, một tư tưởng đạo lý hoặc một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
Phần II (5 điểm), học sinh chọn làm một trong hai câu 3a hoặc 3b với kiến thức nghị luận văn học.
Thứ hai, để nắm được lượng kiến thức tương ứng với cấu trúc đề thi cho từng câu hỏi, giáo viên cần hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức các phần theo từng đặc điểm giai đoạn lịch sử, phân phối chương trình hoặc theo thể loại như thơ, truyện ngắn, văn chính luận, tùy bút, kịch, văn học nước ngoài... Sau khi đã hệ thống hóa kiến thức, học sinh cần nắm kiến thức cụ thể của từng bài bằng hệ thống các câu hỏi tình huống do giáo viên đưa ra ở cả hai dạng lý thuyết (tái hiện) và thực hành (vận dụng). (Chú ý, giáo viên cần đưa ra các dạng đề có thể đối với mỗi tác phẩm vào cuối mỗi tiết, để học sinh có thể chuẩn bị trước ở nhà, sau đó tiết sau, yêu cầu học sinh nêu phương án trả lời ở trên lớp.)
Ví dụ: Khi ôn đoạn trích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, có thể gặp câu hỏi ra ở phần lý thuyết 2 điểm, như: Nêu hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác, kết cấu bài thơ...; phần câu nghị luận 5 điểm có thể gặp như phân tích bức tranh bốn mùa trong nỗi nhớ của người về xuôi hoặc phân tích khí thế hùng mạnh của những đoàn quân ta ở Việt Bắc trong đoạn thơ cuối... Tức là làm sao chúng ta phải định hướng được câu hỏi dạng lý thuyết và câu hỏi dạng phân tích thực hành cụ thể cho từng tác phẩm với một cái nhìn toàn diện.
Thứ ba, sau khi học sinh đã xây dựng đề cương đáp án, giáo viên cần yêu cầu học sinh cụ thể hóa bằng bài viết hoàn chỉnh.
Thứ 4, giáo viên sắp xếp thời gian hợp lý để luyện đề thi theo từng phần cho phù hợp.
Thứ 5,riêng câu nghị luận xã hội (3 điểm), ngoài kiến thức ngữ văn, học sinh cần tích lũy một lượng kiến thức xã hội nhất định. Câu hỏi này thường được giải quyết theo ba hướng: thực trạng, nguyên nhân, giải pháp;giải thích, phân tích, bình luận hoặc chỉ ra vấn đề xã hội trong tác phẩm, trong đời sống, đáng giá, bình luận. Dù làm theo kiểu nào thì bài viết cũng phải có luận điểm, khoa học rõ ràng mới thuyết phục.
Giáo viên cần lưu ý cho học sinh, khi đã nắm được những điều cơ bản, phải học theo từng phần trong chương trình. Tránh tình trạng học phần này chưa xong lại chạy sang phần kia, vì như thế sẽ rối kiến thức. Học phần nào chắc phần đó, không học lan man giữa các yêu cầu trong bài, giữa các phần trong chương trình.
Như vậy, để ôn thi tốt nghiệp môn văn tốt, chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện về chương trình học, nắm vững kiến thức, cấu trúc đề thi và những câu hỏi, thang điểm trong đề thi tương ứng với lượng kiến thức. Khi đó, chúng ta mới nhớ lâu và có cách giải quyết để thi đạt điểm tốt nhất.