MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI MÔN SINH HỌC CHO HỌC SINH DÂN TỘC NỘI TRÚ Ở TRƯỜNG PT VÙNG CAO VIỆT BẮC
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thế kỷ XXI là thế kỷ của “tri thức”, thế kỷ của “văn minh trí tuệ”. Tuy nhiên, để xóa dần khoảng cách về tri thức giữa các vùng miền thì các em học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa những vùng đặc biệt khó khăn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều. Và tất nhiên một điều không thể thiếu đó là yếu tố người thầy và cơ sở vật chất. Trong những năm gần đây quán triệt quan điểm của Đảng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” toàn ngành giáo dục đã có sự đổi mới toàn diện về phương pháp giảng dạy, đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá. Trong các hoạt động dạy và học ở trường THPT nói chung và trường PT Vùng Cao Việt Bắc nói riêng có hoạt động ôn luyện thi học sinh giỏi các cấp. Đó thực sự là thách thức đặt ra với thầy và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc bởi với mộtđối tượng học sinh không qua tuyển chọn, từ vùng sâu, vùng xa về học không theo chương trình chuyên mà chỉ đơn thuần học theo phân phối chương trình của Bộ GD&$ĐT theo sách giáo khoa phân ban không tăng giờ nhưng khi tham gia thi học sinh giỏiquốc gia thì thi chung bảng A. Như vậy để có được một số lượng không nhỏ các em học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp là sựnỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh.
II. THỰC TRẠNG
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, nhiều kiến thức trừu tượng, nhiều hiện tượng thực tế trong tự nhiên cần được nghiên cứu, khám phá nhằm xóa đi quan điểm duy tâm “Chúa trời sinh ra muôn loài”. Để giúp các em học sinh có được một tư duy lôgic về sự đa dạng phong phú của sinh giới, sự thích nghi một cách hợp lý của giới tự nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu Sinh học trên cơ sở của các bộ môn khoa học cơ bản: Toán học, vật lý học, hóa học, tự nhiên học, thổ nhưỡng học…Vì vậy trong Sinh học có toán, có lý, có hóa…Một nhà khoa học đã nói “ Nếu đi sâu vào sự sống bạn sẽ gặp nhà hóa học ở ngưỡng cửa”. Chính điều này đã tạo ra tính đặc thù cho bộ môn Sinh học.
Học sinh miền núi nhìn chung tư duy về môn khoa học tự nhiên còn nhiều hạn chế. Nhiều học sinh đã cảm thấy khó khăn khi học, tìm hiểu và ôn tập bộ môn. Đa phần các em học sinh cho rằng học Sinh học rất trừu tượng, nhiều kiến thức lý thuyết, nhiều bài tập khó, kiến thức nhiều mảng đan xen với các bộ môn khác dễ nhầm lẫn.Số tiết học chính khóa không nhiều, từ 1-2 tiết /tuần, bài học thường dài, vì vậy nhiều em học sinh có tâm lý coi đây là môn học phụ thiếu quan tâm học tập. Vì vậy việc lưa chọn học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi gặp không ít khó khăn.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
1. Tạo hứng thú với bộ môn chuẩn bị lực lượng học sinh tự nguyện tham gia ôn thihọc sinh giỏi
Mục tiêu đầu tiên tổ bộ môn chúng tôi đặt ra: Làm thế nào để tạo hứng thú cho học sinh với bộ môn Sinh học của mình ngay từ khi các em vào lớp 10. Về yếu tố chủ quan chúng tôi có một đội ngũ thầy cô giáo vững vàng về kiến thức chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, tận tâm với các em học sinh. Môn Sinh học cũng như các bộ môn khác luôn được Đảng ủy Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tốt nhất về bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao năng lực chuyên sâu, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tinh thần. Không phụ lòng tin của nhà trường, mỗi thầy cô giáo luôn chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng trước khi lên lớp, luôn gắn kiến thức khoa học với thực tiễn cuộc sống và thực tiễn các địa phương. Bài giảng luôn kích thích tư duy sáng tạo của các em. Trong mỗi tiết giảng luôn lồng ghép những câu hỏi mang tính chất logic chuyên sâu, khai thác mở rộng kiến thức hợp lý, bổ sung nội dung bài tập đã từng thi học sinh giỏi các cấp nhằm giúp các em cảm thấy tự tin khi đăng kí tham gia ôn luyện đội tuyển. Từ việc tạo cho các em tình yêu đối với bộ môn người giáo viên mới có thể vận động được các em học sinh yêu thích bộ môn Sinh học tự nguyện đăng kí tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi.
2. Phát huy thế mạnh của giáo viên
Với đặc điểm môn Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, có nhiều mảng kiến thức đan xen và lồng ghép vào nhau, vì vậy để phát huy tối đa chất xám của giáo viên, tổ bộ môn đã phát huy thế mạnh của từng thầy cô để phân mảng kiến thức khi ôn tập ở cấp trường và cấp tỉnh. Khi ôn học sinh giỏi quốc gia các thầy cô được phát huy sức mạnh tập thể, thường xuyên trao đổi và có kế hoạch để tích hợp giữa các phần kiến thức và có kế hoạch kiểm tra, thi thử, chấm bài, sửa bài cho học sinh của toàn bộ kiến thức đã ôn tập.
3. Ôn luyện kiến thức cho học sinh
Ôn thi học sinh giỏi là kiến thức tổng hợp từ các kiến thức đã được thầy cô trang bị trong sách giáo khoa, trên giờ học chính khóa theo từng chương, từng bài. Kiến thức dàn trải cả ba năm 10,11,12 mang tính chất tổng hợp và khái quát hóa. Tuy nhiên, đòi hỏi của đề thi học sinh giỏi không chỉ đơn giản là trình bày kiến thức theo kiểu học thuộc bài giảng của thầy cô mà cần hiểu đúng, hiểu sâu kiến thức sách giáo khoa, phân tích kiến thứcmột cách thấu đáo, tư duy logic và có sự so sánh giữa các phần kiến thức, ngoài ra còn đòi hỏi tư duy tổng hợp những kiến thức mở rộng sách giáo khoa. Để giúp học sinh tự tin hơn trong việc giải các đề thi học sinh giỏi chúng tôi đã cụ thể hóa các phương pháp như sau:
a. Hướng dẫn các em học sinh cách sưu tầm tài liệu
Biết cách đọc và sưu tầm tài liệu, thu thập thông tin là một khâu rất quan trọng đối với các em học sinh tham gia ôn học sinh giỏi, tuy nhiên việc khó hơn là thầy cô phải đọc nhiều hơn các em mới có thể tư vấn cho các em dùng tài liệu nào. Hiện nay công nghệ thông tin rất cập nhật trên Internet nhưng mỗi thầy cô tham gia ôn luyện học sinh giỏi dù cấp trường hay cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia đều phải biết cách chắt lọc thông tin một cách thông minh nhất. Hướng dẫn cho các em biết cách tìm tài liệu, phù hợp với phần học của mình. Giáo viên chính là người sưu tầm tài liệu, các đề thi giúp các em có một bộ tài liệu hệ thống.
- Hướng dẫn học sinh cách học và cách ghi chép, cách trả lời các câu hỏi tư duy theo vấn đề lô gic, tích hợp với kiến thức tiến hóa.
- Hướng dẫn học sinh biết học nhóm với nhau, khi trao đổi một vấn đề gì đó các em sẽ có một câu trả lời đa chiều, cách phân tích sẽ sâu hơn.
- Trực tiếp cùng các em phân tích các tài liệu có liên quan
b. Giúp học sinh tổng hợp hóa kiến thức
Sinh học ở cấp trung học cơ sở được trang bị một cách hệ thống với các nhóm sinh vật theo lối bổ dọc. Ở cấp THPT kiến thức được hệ thống dưới dạng khái quát hóa và hiện đại hóa theo lối đồng tâm mở rộng với từng cấp độ:Phân tử => Tế bào => quần thể => Quần xã => hệ sinh thái. Mỗi cấp độ được xây dựng theo nguyên tắc: cấu trúc phù hợp với chức năng, lý luận kết hợp với thực tiễn, và hướng vận dụng quy luật vào thực tiễn sản xuất và đời sống . Ở mỗi chủ đề kiến thức giáo viên lại phải đảm bảo quan điểm tích hợp về nội dung các kiến thức sinh thái và quan điểm tiến hóa, … theo cấu trúc hệ thống của sinh giới. Chính vì vậy mà việc hệ thống hóa kiến thức là việc làm rất quan trọng khi giáo viên ôn tập cho các em và giúp các em ôn tập. Có nhiều cách hệ thống hóa kiến thức:
· !important; Hệ thống kiến thức bằng phương pháp Grap hóa
· !important; Hệ thống kiến thức bằng bảng so sánh
· !important; Hệ thống kiến thức theo chủ đề
· !important; Hệ thống kiến thức bằng bài tập nhận thức
· !important; Hệ thống kiến thức thông qua việc phân tích kênh hình.
c. Kiểm tra đánh giá
Sau khi thầy cô đã giúp các em học sinh hệ thống tổng quát toàn bộ các kiến thức đã học thì bước thứ hai có thể coi là rất quan trọng: Kiểm tra đánh giá khả năng nhận thức của học sinh. Thầy cô giáo ôn luyện cần lựa chọn đề thi từ dễ đến khó theo mức tăng dần của nhận thức, trực tiếp sửa bài làm của các em.
- Kiểm tra từng phần với câu hỏi có mức độ khó tăng dần.
- Kiểm tra tổng thể dạng một đề thi cấp trường, cấp tỉnh hoặc thi theo đề đã thi quốc gia.
- Chấm bài tay đôi với học sinh, sửa cách viết bài, cách phân tích câu hỏi, cách lập luận cho từng vấn đề.
4. Giải pháp trước mắt
- Với đội ngũ thầy cô giáo: Tăng cường trau dồi kiến thức chuyên sâu, tự học, tự rèn.
- Tăng cường thời gian bồi dưỡng và trang bị kiến thức một cách toàn diện cho các em học sinh.
- Tăng cường thi thử, chấm bài và truy bài cùng với các em.
- Xây dựng niềm tin cho thầy và trò: Kết quả thu được của đội tuyển năm trước sẽ tạo niềm tin cho các em học sinh khoá sau, tạo niềm tin yêu bộ môn cho các em học sinh, đồng thời đó cũng chính là động lực thúc đẩy các thầy cô giáo cố gắng nhiều hơn nữa để có được kết quả tốt nhất.
IV. KẾT QUẢ
- Thi học sinh giỏi cấp trường: trước khi thi để đảm bảo chọn được đúng học sinh có tố chất nhóm giáo viên sinh chúng tôi luôn thống nhất về nội dung, ra đề mang tính chất chọn lọc học sinh tư duy, không học tủ, không thiên vị. Vì vậy kết quả thi học sinh giỏi cấp trường luôn phản ánh đúng kết quả thi cấp tỉnh. Trong một số năm gần đây học sinh giỏi môn sinh cấp tỉnh chúng tôi luôn đạt từ 80 – 100% cho cả 3 khối 10,11,12.
- Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia: Những năm trước đây đội học sinh giỏi quốc gia do đồng chí Đinh Thị Kim Phương trực tiếp ôn luyện và thu được nhiều kết quả rực rỡ. Kế thừa thành tích đó, trong năm năm gần đây tổ bộ môn sinh được giao nhiệm vụ và đã duy trì được học sinh giỏi môn sinh quốc gia có giải. Tuy nhiên do còn nhiều hạn chế nên kết quả thi quốc gia của môn sinh thực sự chưa cao vì vậy nhóm GV sinh luôn xác định cần cố gắng nhiều hơn nữa.
V. KẾT LUẬN
Để có được kết quả nhất định cho học sinh khi tham gia ôn luyện thi học sinh giỏi các cấp giáo viên cần có những giải pháp hữu hiệu kể cả vềnội dung ôntập, phương pháp ôn tập cũng như hình thức kiểm tra. Làm sao để cả thầy và trò sau khi ôn tập vững tin bước vào phòng thi mà không có tư tưởng học tủ, ôn tủ. Cần tạo một nền tảng kiến thức và tâm lý bình tĩnh khi đã có trong mình vốn kiến thức khá chắc chắn. Việc ôn tập không nên tạo ra một trạng thái gò ép mà thật sự thoái mái với vốn kiến thức được gợi mở dần dần. Cách tiếp cận nội dung làm sao để học sinh không cảm thấy bị áp lực.
Thực hiện được những phần việc quan trọng như vậy chính là giáo viên đã tạo ra cho học sinh động cơ và mục đích học tập đúng đắn, từ đó nhằm xây dựng một nền tảng kiến thức, tâm lý bình tĩnh. Chuẩn bị kiến thức và chuẩn bị phương pháp làm bài thi, đó là những gì mà chúng tôi đã chuẩn bị cho học sinh của mình. Tuy nhiên việc thành công hay không trong quá trình ôn luyện học sinh giỏi không chỉ phụ thuộc vào thầy cô giáo mà phần lớn lại phụ thuộc vào mức độ quyết tâm của các em học sinh và tư chất của từng em học sinh khi ôn thi.
Với tổ bộ môn sinh chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức, phát huy nội lực và cả sự trợ giúp từ phía các thầy cô có kinh nghiệm ôn luyện, tăng thời gian ôn luyện nhiều hơn so với thời gian mà nhà trường bố trí, giáo viên cũng đã tập trung cao độ tuy nhiên kết quả thi học sinh giỏi quốc gia vẫn cón khá khiêm tốn. Qua diễn đàn này chúng tôi hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các bạn đồng nghiệp để chúng tôi tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn.
VI. KIẾN NGHỊ
- Phòng đào tạo cần bố trí thời gian hợp lý để giáo viên ôn học sinh giỏi có thời gian soạn bài, sưu tầm tài liệu (một bài soạn ôn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia cần có nhiều công sức đầu tư).
- Rất mong các thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo bộ môn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia trong thời gian mà các em chuẩn bị bước vào kỳ thi.