MỘT SỐ KINH NGHIỆM LÀM CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM
Ths. Bùi Thị Thu Thủy - Bí thư Đoàn trường
Là một GV đã được tham gia công tác chủ nhiệm ở trường PT Vùng cao Việt Bắc 12 năm, tôi đã được phân công với 7 khóa chủ nhiệm trong đó: có 2 lớp chọn A1- K40 lớp học sinh chính thức chuyên ban khoa học tự nhiên với 50 học sinh trong đó có 30 học sinh nam; A6 - K44 lớp chọn học gửi với 44 học sinh và có 2/3 là học sinh nữ và 3 lớp thường tôi đón giữa chừng: 11, 12B - K37 chuyên ban khoa học tự nhiên kỹ thuật; 12A7- K41; 12A5 -K47; 2 lớp dự bị B - K2 và B - K3 có 48 học sinh.
Trong cuốn tập san về công tác chủ nhiệm này tôi xin chia sẻ với các đồng chí GV mới và các đồng chí GV trẻ một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm:
1- Một số công việc cần làm khi tiếp nhận học sinh.
1. 1. Đón học sinh mới vào lớp 9, 10, DBĐH
Với các đồng chí đã làm công tác chủ nhiệm thì có lẽ đây là những công việc khá đơn giản, nhưng những đồng chí chưa làm chủ nhiệm thì cần tiến hành một số công việc như sau:
* Ổn định ngay tập thể lớp của mình được phân công. Buổi họp lớp đầu tiên người GVCN cần đến trước giờ hẹn với HS chừng 10 - 15 phút, điều đó sẽ giúp các đồng chí quan sát được thái độ và hành động của các em học sinh mới của mình. Và trước khi bước vào họp lớp đồng chí nên cho một vài em vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế ngay ngắn điều đó sẽ nhắc nhở các em rằng GVCN của mình là một người nghiêm túc và ngăn nắp.
* Phổ biến nội quy và điều tra lý lịch học sinh.
+ Các đồng chí nên phát cho các em một bản nội quy tối thiểu do đồng chí tự soạn về một số quy định cần thực hiện của học sinh mới khi nhập trường:
- Cách chào hỏi thầy, cô, các cô chú cán bộ công nhân viên trong nhà trường.
- Nội quy về giờ học, cách ăn mặc, ứng xử. Nội quy về phòng ở, ký túc xá, nhà ăn...( nên vắn tắt, dễ nhớ)
+ Điều tra lý lịch học sinh: Đây là một việc làm cần thiết, các đồng chí nên phát cho các em một bản sơ yếu lý lịch đã đánh sẵn các tiêu đề theo yêu cấu của từng đồng chí: trong đó theo tôi nên có phần khai về hoàn cảnh gia đình: bố, mẹ các anh chị em ruột, nghề nghiệp...Có thể khai thác các em về năng khiếu, sở trường, môn học yêu thích và các thành tích đã đạt được trong 4 năm cấp II. Điểm thi tốt nghiệp, học lực, hạnh kiểm. Và các đồng chí có thể đóng thành quyển để theo dõi , mỗi em nên có từ 1-2 trang để các đồng chí có thể bổ sung các diễn biến của mỗi em trong những thời gian tiếp theo. Qua quyển hồ sơ học sinh này các đồng chí có thể tìm được điểm mạnh yếu của lớp mình, từ đó có những dự kiến cho việc hình thành cơ cấu cán bộ lớp.
+ Lên ngay danh sách lớp theo a,b,c. sơ đồ lớp để GV bộ môn theo dõi giúp.
+ Chọn một em nào đó có vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát làm lớp phó đời sống- GVCN cần hướng dẫn em lớp phó đó những việc phải làm: Báo cơm, cắt cơm...mua đồ cho lớp....
+ Lập danh sách phòng ở, cử ngay phòng trưởng (em có thái độ nghiêm túc nhất trong phòng).
1. 2 Với các đồng chí làm nhiệm vụ đón lớp 11, 12 ( thực ra với bất cứ đồng chí GV nào thì đón lớp giữa chừng thường vất vả hơn rất nhiều so với các đồng chí nhận chủ nhiệm ngay từ đầu)
- Với những lớp 11,12 các em đã quen với môi trường nội trú, quen với cách thức làm việc của thầy cô giáo chủ nhiệm cũ, vì vậy khi nhận lớp việc quan trọng hơn cả là điều tra tình hình cụ thể của học sinh lớp đó qua tiếp xúc trực tiếp với các em ở từng phòng ở, nhà ăn. Nghe và hỏi chuyện các em về tình hình của tất cả các em đã làm cán bộ lớp, các em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt qua bàn giao của GVCN cũ các đồng chí đã nắm bắt được những học sinh có thể coi là cá biệt trong lớp đó, cần có những thời gian tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng đó (cá biệt về hạnh kiểm, cá biệt về học lực, cá biệt về hoàn cảnh) thật thân tình, cởi mở và lắng nghe các em đó nói lên suy nghĩ của mình, tránh nhắc với các em các từ như học sinh cá biệt, kỷ luật. (Nhưng tránh việc hỏi thăm về GVCN cũ, không đánh giá, cũng không nhận xét mà nên tôn trọng những quy định của GVCN tiền nhiệm, như vậy sẽ tránh được việc so sánh trong học sinh và đồng chí dễ làm việc hơn)
- Thu thập lại các cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ lớp cũ để từ đó có cách điều chỉnh theo cách làm mới của mình.
- Thu thập thông tin về tập thể lớp, khả năng nhận thức của học sinh thông qua giáo viên bộ môn, phòng công tác chính trị và quản lý học sinh....
2- Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tự quản.
Các đồng chí đều biết rằng đội ngũ cán bộ lớp bao gồm: Lớp trưởng, 4 lớp phó: Lớp phó học tập, lớp phó đới sống, lớp phó văn thể, lớp phó lao động. Hàng ngũ tổ trưởng, cán sự bộ môn.
Cán bộ đoàn gồm: Bí thư, phó bí thư, ủy viên. Trong đó có 1 thanh niên kiểm tra, và thanh niên tự quản.
Tuy nhiên để chọn đúng đội ngũ cán bộ lớp và đội ngũ cán bộ Đoàn để giúp cho các đồng chí duy trì nề nếp của lớp và phát huy phong trào của CĐ không đơn giản:
- Thứ nhất nên kết hợp giữa cán bộ lớp và cán bộ Đoàn như vậy giữa công việc của lớp và phong trào sẽ là một khối thống nhất : Ví dụ Lớp trưởng là phó bí thư hay ủy viên BCH CĐ hoặc lớp phó học tập là bí thư hay phó bí thư...
- Thứ hai khi chọn lớp trưởng GVCN nên quan sát, theo dõi và thử việc trước những em mình định lựa chọn một cách bí mật: Độ trung thực, nghiêm túc, uy tín với bạn bè trong lớp và cả sự năng động nữa. Đặc biệt phải thử khả năng tiếp thu của học sinh đó trước một vấn đề mà đồng chí đưa ra khi tiếp xúc. Bởi lớp trưởng chính là linh hồn của một lớp, nếu chọn đúng lớp trưởng các đồng chí sẽ nhàn hơn.
- Các cán bộ lớp còn lại thì có thể chọn theo khả năng; Ví dụ em học giỏi nhưng phải biết giúp đỡ bạn bè mới có thể là lớp phó học tập. Em học tốt một môn nào đó nhưng phải có khả năng nói trước cả lớp thì mới có thể làm cán sự bộ môn. Em có năng khiếu văn nghệ nhưng phải nhiệt tình mới nên để làm lớp phó văn thể...Đặc biệt lớp phó đời sống phải nhanh nhẹn, hoạt bát có tư duy tính toán tốt, có tinh thần giú đỡ và quan tâm tới bạn bè.... Tổ trưởng cần chọn những em học sinh nghiêm túc nhất trong tổ đó.
Thực ra chọn lựa đội ngũ cán bộ lớp tốt là yếu tố cần còn điều kiện đủ phải là GVCN hướng dẫn cách làm cho đội ngũ cán sự đó như thế nào:
- Việc đầu tiên là GVCN cần trang bị cho các em cán bộ lớp công cụ để làm việc: Sổ theo dõi (sổ theo dõi nên chia cọc, kẻ bảng, đánh tên học sinh theo tổ để các em cán bộ lớp tiện theo dõi và tiết kiệm thời gian,. . ), Bảng tin thi đua (có khen chê kịp thời với từng tổ, cá nhân), bảng theo dõi nề nếp.... Bảng phân công nhiệm vụ trực nhật, trực vệ sinh công cộng...(ở đây những lớp nào có phong trào thi đua ngay từ đầu thì lớp đó sẽ có nền nếp tốt. Theo tôi hiện nay còn nhiều lớp làm bảng tin thi đua theo kiểu đối phó để kiểm tra chứ không có tác dụng trong công tác thi đua bởi chính lớp đó chưa hề có phong trào thi đua. Ví dụ như tuần này lớp xếp thứ mấy? Lên hay xuống? Tổ nào nhất, nhì tổ nào được khen, phê bình. Học sinh nào có cố gắng vươn lên được đưa lên bảng tin sẽ có động lực giúp các em cố gắng. Và tạo cho tập thể có thói quen quan sát tên của các bạn trên bảng tin. Nhưng trong thực tế khi kiểm tra chúng tôi nhận thấy có lớp từ đầu năm đến giờ vẫn là bảng tin của khóa trước ra trường để lại.
- Thứ hai GVCN cần có một bảng phân công nhiệm vụ chi tiết đối với mỗi cán bộ lớp và cán bộ Đoàn. Phát cho mỗi cán bộ lớp một bản, dán vào sổ trực nhật và dán công khai lên bảng tin của lớp để các em tự giám sát lẫn nhau.
- GVCN kết hợp với đội ngũ cán bộ lớp, Đoàn dựa trên cơ sở nội quy của nhà trường xây dựng một bản nội quy riêng của lớp. Đồng thời GVCN cho học sinh học cách tự đánh giá rèn luyện của mình từng tuần và tháng.
- GVCN cần kiểm tra số theo dõi của các cán bộ lớp để khớp các số liệu như vậy sẽ kiểm tra được tính hiệu qủa của đội ngũ cán bộ lớp: Ví dụ lớp chia làm 3 tổ: tổ trưởng tổ 1 theo dõi tổ 2, tổ trưởng tổ 2 theo dõi tổ 3, tổ 3 theo dõi tổ 1. Mỗi tổ cử một cán bộ lớp là lớp phó, cán bộ Đoàn theo dõi chính tổ mình. Khi tính điểm thi đua giữa các tổ sẽ có 4 thông số: Tổ trưởng được phan công theo dõi, lớp phó hoặc cán bộ đoàn tự theo dõi, bàn trực nhật ghi nhật ký lớp và những ghi chép của lớp trưởng.
- GVCN cần thu thập chính xác các thông số về lớp mình,( ban quản lý học sinh, bảng tin đoàn trường, bản tin của lớp trực tuần, y xá) để có những uốn nắn kịp thời không phải chờ đến cuối tuần mới sử lý thì khi đó nhiều thông tin đã quá cũ rồi.
- GVCN cần có những thông tin chính xác từ đội ngũ cán bộ lớp để từ đó có biện pháp giúp đỡ với từng đối tượng cụ thể.
- Mỗi GCCN cần phối hợp chặt chẽ với GVBM lớp mình để nắm bắt thông tin, phối hợp giáo dục học sinh
3- Tổ chức một buổi sinh hoạt lớp.
Chuẩn bị: Tổ chức họp cán bộ lớp vào tối thứ 6 - Ghi biên bản chi tiết. Theo tôi không phải tuần nào tối thứ 6 GVCN cũng phải họp với cán bộ lớp mà chỉ cần 1 tháng họp một lần, còn 3 tuần để các em tự họp. Nhưng vấn đề là các đồng chí phải hướng dẫn cho các em làm gì trong buổi sinh hoạt cán bộ lớp: Cụ thể đó là các tổ báo cáo tình hình tổ mình theo dõi, khớp thông tin với các theo dõi khác xem độ sai lệch như thế nào. từ đó quyết định việc đánh giá hạnh kiểm của các tổ viên. Và lên điểm thi đua của từng tổ để xếp loại. Những kiến nghị của từng tổ. Lên kế hoạch cho tuần tới cụ thể: ai trực nhật, trực vào ngày nào, Tổ nào VSCC. Những tồn tại, những ưu điểm cần phát huy. Trong tuần biểu dương ai. Đề nghị GVCN và tập thể thưởng cho cá nhân nào(Cá nhân nên thưởng theo tuần), tổ nào (tổ nên thưởng theo tháng).
Sinh hoạt lớp:
+ Nhận xét của lớp trưởng về tình hình thực hiện nề nếp của toàn lớp trong tuần (3 phút).
+ Những ý kiến đề nghị của các cán bộ lớp (lớp phó, tổ trưởng, cán sự bộ môn nếu có) (3-5 phút).
+ Lớp trưởng thông báo kết quả xét rèn luyện của tập thể cán bộ lớp của từng tổ. Khen thưởng và phê bình. (dán thông báo lên bảng tin - dán sao thi đua...) ( 3 - 5phút) (Trao thưởng nếu có).
+ Bí thư Đoàn triển khai hoạt động phong trào của CĐ trong tuần tới, những vấn đề cần rút kinh nghiệm (3-5 phút).
+ Lớp phó lao động thông báo về hoạt động lao động, trực nhật và VSCC của từng cá nhân, tổ trong tuần sau. Đồng thời dán thông báo đó lên bảng tin (3 phút).
+Tiếp theo là triển khai hoạt đông của GVCN. ( ngắn gọn, đủ nội dung) nên động viên những cá nhân có cố gắng trong tuần.
- Thời gian còn lại có thể tổ chức vui văn nghệ...hoặc trao đổi một vấn đề gì đó mà tập thể các em đang quan tâm.
Theo tôi một tiết sinh hoạt cũng không nên quá căng thẳng, bởi lẽ cả tuần học của các em đã rất mệt mỏi rồi. Cần tạo cho các em một tiết sinh hoạt lý thú nhưng bổ ích.
GVCN nên đóng vai trò là người cầm trịch trong các hoạt động học tập, vui chơi của các em, động viên, khuyến khích các em tham gia các hoạt động. GVCN nên tạo cho các có động lực học tập. Kích thích động cơ và thái độ học tập nghiêm túc của các em. Luôn gần gũi với các em hòa đồng nhưng không hòa tan có nghĩa không hùa theo những câu nói vô nghĩa của các em, không nhận xét cán bộ công nhân viên, CBGV trước mặt các em. Chấn chỉnh các em khi các em có những nhận xét thiếu xây dựng. Luôn tạo cho các em có những nhìn nhận khách quan và thiện cảm.
Nhưng GVCN cũng cần có thái độ cương quyết trước những vi phạm của các em. Khi đồng chí GVCN nói một vấn đề gì đó thì bắt buộc phải thực hiện để các em luôn có suy nghĩ rằng thầy, cô rất nghiêm khắc. Nhưng ngược lại cũng cần mềm dẻo với từng tình huống cụ thể, nên nghe thông tin từ nhiều phía. Và nên gặp riêng các em khi chưa rõ một vấn đề gì đó. Nhất là đối với các vi phạm của cán bộ lớp cần hết sức tế nhị sao cho vừa giữ được uy tín cho em đó làm việc vừa nghiêm minh trong xử lý. Với các em có hoàn cảnh khó khăn thì GVCN rất cần gần gũi để động viên và tạo cho em đó cảm giác được cô và tập thể quan tâm. Có thể có những hành động thiết thực như tặng em đó một chiếc áo, hay gửi về cho bố hoặc mẹ em đó một chút quà thăm hỏi khi biết họ đang ốm đau...Hoặc tặng hs một quyển sổ, cây bút khi em đó đạt thành tích cao. . hoặc có những đóng góp nhất định nào đó cho phong trào của lớp....
4. Tổ chức các hoạt động tập thể
- GVCN cần là người định hướng cho các em, duyệt các bản kế hoạch của các em, tham mưu với các em trước mỗi hoạt động như vậy sẽ tạo cho các em có thói quen làm việc có kế hoạch và tôn trọng ý kiến của GVCN. Và cũng nên có chỉ tiêu đặt ra: Ví dụ tham gia và có giải ba, giải khuyến khích chẳng hạn...treo giải thưởng để các em cố gắng.
- Sau mỗi hoạt động tập thể GVCN nên chủ động rút kinh nghiệm: khen (trao thưởng kịp thời nếu các hoạt động của các em có kết quả đạt được chỉ tiêu đề ra) và góp ý những gì các em chưa thành công, nhưng luôn động viên khuyến khích các em để các em có cảm giác là mình đã làm được một việc có ích. Từ đó tạo dựng cho mỗi thành viên trong tập thể tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và cả ý chí thi đua nữa.
- GVCN không nên quá tạo áp lực cho các em mà nên động viên để các em phát huy tính sáng tạo của mình. Tuy nhiên trước mỗi hoạt động tập thể người GVCN cần là một nhạc trưởng. Như vậy hoạt động của tập thể học sinh sẽ thu hút được tất cả các em tham gia. Đặc biệt cần chú ý những đối tượng học sinh cá biệt về hạnh kiểm nhưng có thể lại rất hoạt bát và nhanh nhẹn trong các hoạt động tập thể. Lúc này GVCN cần lấy độc trị độc bằng phương pháp bàn bạc với học sinh đó nên tổ chức hoạt động này như nào? Trao cho em đó làm đội trưởng chẳng hạn và tất nhiên là đồng chí đã kích thích đúng sở trường của HS đó chắc chắn hiệu quả sẽ cao. Những lời động viên kịp thời của các đồng chí sẽ giúp cho các em cảm giác là mình đã làm được một việc có ích...
4. 1 Tổ chức sinh hoạt nữ hàng tháng
Nếu GVCN là nam thì nên kết hợp với một Gv bộ môn của lớp: Cụ thể tiến hành một số hoạt động như sau:
+ GVCN nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi thăm dò để phát cho các em viết trong khoảng 5-10 phút. Sau đó tùy từng trường hợp cụ thể để giải đáp các thắc mắc của học sinh.
+ Nêu tình huống của tấp thể nữ mà GVCN năm bắt được dưới dạng một chủ đề, gợi ý với các em nếu gặp tình huống đó thì nên sử lý như thế nào? Từ giải pháp của các em GVCN đi gần vào vấn đề đáng quan tâm nhất nhưng vẫn tránh nói trực tiếp tên học sinh nếu đó là tình huống cần giữ bí mật: Ví dụ trường hợp ăn cắp vặt, trường hợp yêu đương thái quá...
+ Bằng câu chuyện thân mật để GVCN giáo dục về giới và một số vấn đề tế nhị mà các em cảm thấy khó sử, cần chia sẻ như bệnh khó nói, hoặc những tình huống mà các em khong biết san sẻ cùng ai, nên tạo hướng mở để sau buổi nói chuyện ấy học sinh tin vào cô giáo có thể thổ lộ tâm tư thầm kín với cô như với mẹ của các em.
4. 2 Tổ chức sinh hoạt của học sinh trong ký túc xá
Có lẽ đây là việc của các em nhưng tôi thì nghĩ rằng mình đứng vai trò là người cha người mẹ, người chị, người anh, vì vậy nếu mình có sự quản lý thì cuộc sống của các em sẽ đi vào nề nếp.
+ Ngay từ buổi đầu thăm ký túc xá GVCN cần chú ý ngay đến nếp ăn ở của HS, ( HS sẽ nhìn thái độ của GVCN mà có những ứng sử về sau, nếu nó có cảm giác rằng cô, thầy rất nghiêm túc trong việc nhìn thấy phòng ở bẩn hoặc bừa bãi thì các em luôn tâm niêm rằng nếu không dọn dẹp cô, thầy vào kiểm tra thì phòng mình sẽ làm thầy cô buồn. ) sau đó có thể trực tiếp trao đổi cởi mở với các em trong phòng ở một cách thân thiện: vấn đề vệ sinh phòng ở nên phân công trực phòng như thế nào, hướng dẫn các em sử dụng điện, quạt, nước toalet, tiết kiệm điện nước ra sao. Chăn màn, giường chiếu nên thay đổi như thế nào cho gọn gàng. Sau đó GVCN phải có động tác kiểm tra từ từ: lúc đầu kiểm tra tuần 1-2 lần không báo trước. Nếu em nào vi phạm gọi riêng ra nhắc nhở, có thể giúp em đó sửa sai ngay. Nếu tái phạm thì họp phòng để cả phòng có ý kiến. Như vậy tinh thần tập thể sẽ đấu tranh với em đó trước khi đưa ra tập thểlớp.
+ GVCN cần đề ra chỉ tiêu thi đua cho phòng đó nhằm động viên khích lệ các em. Thăm phòng ở HS là một trong những biện pháp khai thác hoàn cảnh học sinh dễ dàng mà té nhị nhất, cũng có thể từ đó tạo điều kiện gần gũi với một số em cá biệt để đánh trúng vào tâm lý của em đó, từ đó dùng biện pháp thuyết phục dần dần...
+ GVCN có thể làm động tác ghép cặp HS trong phòng với những đối tượng cá biệt để tạo dựng đôi bạn. Tất nhiên phải lái theo mình. Như vậy GVCN sẽ hạn chế dần các nhân tố cá biệt.
Là một giáo viên ở trường PT Vùng cao Việt Bắc tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của các thầy cô, các anh chị đồng nghiệp. Những góp ý chỉ bảo chân tình của các thế hệ đi trước đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình giảng dạy cũng như làm công tác chủ nhiệm. Những chia sẻ của tôi trên đây chính là những cóp nhặt kinh nghiệm quý báu mà tôi đã học được qua thời gian công tác. Rất mong được sự góp ý của các đồng chí để tôi hoàn thiện hơn trong công tác chủ nhiệm của mình ở những khóa tiếp theo.