GVCN là người lên kế hoạch, tổ chức cho lớp mình thực hiện. Việc thành công hay thất bại của một tập thể lớp hoàn toàn phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của GVCN. Để hoàn thành sứ mệnh vô cùng lớn lao đó GVCN cần làm được một số nhiệm vụ sau:
1- Nghiên cứu nắm vững tình hình của lớp:
Công việc đầu tiên của GVCN khi nhận lớp là phải nghiên cứu tình hình đặc điểm chung của lớp và của từng học sinh. Kết quả nghiên cứu này sẽ là căn cứ để xây dựng mục tiêu, chương trình kế hoạch năm học từ đó xác định nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm của lớp. Những công việc cần làm là:
+ Nghiên cứu học sinh:
- Số lượng, chất lượng học tập chung của cả lớp thông qua hồ sơ;
- Đặc điểm vùng miền của học sinh ở các tỉnh;
- Đặc điểm tâm lý của từng học sinh, sơ bộ phân loại các em theo:
. Bốn nhóm khí chất
. Năng lực học tập dựa trên hồ sơ kết hợp với đánh giá sơ bộ ban đầu của giáo viên bộ môn;
. Năng lực lãnh đạo qua hồ sơ và cảm nhận ban đầu của GVCN qua tiếp xúc với học sinh và uy tín với bạn bè;
. Năng lực hoạt động bế nổi: năng khiếu TDTT, VN, hoạt động đoàn thể…
+ Nghiên cứu hoàn cảnh gia đình học sinh:
Trình độ học vấn, nghề ngiệp của cha mẹ, số con, sự trưởng thành của các con, hoàn cảnh và các mối quan hệ trong gia đình, mức sống, phương pháp giáo dục của gia đình và những đặc điểm khác.
+ Thông qua phiếu điều tra, qua bạn bè, qua trao đổi với cha mẹ học sinh…
+ Nghiên cứu tình hình chung của lớp và tình hình chung của nhóm học sinh từng phòng: tinh thần đoàn kết, sự năng đông sáng tạo trong cuộc sống…
Để làm tốt điều này, GVCN phải thật sự gần gũi với học sinh, dành nhiều thời gian cho các em, quan tâm đến các em cả thời gian trên lớp, thời gian ở KTX và các hoạt động lao động, sinh hoạt tập thể ngoài giờ.…Đồng thời GVCN cũng phải giao việc cho học sinh để kiểm tra kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu đặc biệt là những học sinh định chọn làm cán sự lớp.
2- Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp:
a. Vai trò của đội ngũ cán bộ lớp.
Một tập thể lớp muốn gặt hái được những thành công trong học tập, rèn luyện đạo đức và sinh hoạt thì tập thể đó phải có đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ đoàn, cán sự bộ môn thật sự gương mẫu, có năng lực trong công tác, có đủ đức, đủ tài để thu phục và lãnh đạo các bạn trong lớp nên công việc đầu tiên của người giáo viên chủ nhiệm cần làm và phải làm bằng được đối với lớp của mình đó là phải lựa chọn và bồi dưỡng cho bằng được đội ngũ cán sự lớp. Đặc biệt với mô hình học nội trú, GVCN quản lý lớp 24/24 giờ thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ lớp càng giữ vai trò quan trọng vì:
- Đây là lực lượng nòng cốt trong tập thể lớp, là trợ thủ đắc lực giúp GVCN xây dựng và triển khai các công việc của nhà trường phù hợp với thực tế của lớp.
- Là lực lượng tiên phong trong các hoạt động lớp, đoàn từ đó tổ chức, hướng dẫn các bạn cùng làm theo.
- Là lực lượng giúp GVCN nắm bắt các nguồn thông tin từ phía lớp nhanh nhất để có thể xử lý kịp thời phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các em.
- Là lực lượng có thể điều hành các công việc của lớp dưới sự hướng dẫn của GVCN.
b. Công tác chuẩn bị để xây dựng đội ngũ cán sự lớp
Ø Khảo sát đối tượng: GVCN khảo sát đối tượng học sinh, tìm hiểu học sinh ở nhiều góc độ:
+ Sơ yếu lý lịch (học sinh tự khai theo hướng dẫn);
+ Tính cách;
+ Khí chất;
+ Giao tiếp bạn bè;
+ Năng lực lãnh đạo;
+ Uy tín với bạn bè.
Việc khảo sát có thể tiến hành bằng nhiều hình thức: Học sinh tự khai theo yêu cầu của giáo viên, giáo viên quan sát trực tiếp, làm phiếu thăm dò dư luận, hồ sơ học sinh…. Bước khảo sát ban đầu này giúp giáo viên phân loại được học sinh trong lớp, phát hiện được những học sinh có những tố chất làm cán bộ lớp.
Ø Thăm dò năng lực và uy tín của những học sinh định chọn.
- GV giao việc cho những học sinh được lựa chọn, phù hợp với năng lực, sở trường của từng em theo đánh giá sơ bộ ban đầu, sau đó đánh giá hiệu quả công việc các em làm được qua:
+ Kết quả công việc;
+ Độ trung thực;
+ Sự nhiệt tình, tính năng động, sáng tạo, ảnh hưởng với bạn bè;
+ Khả năng tiếp thu của những học sinh đó trước một vấn đề mà GVCN đưa ra.
Sau một thời gian nhất định các em đã được học tập sinh hoạt cùng nhau, đã thể hiện mình và quan sát các bạn khác, GVCN có thể thăm dò tín nhiệm của các học sinh được lựa chọn thông qua tìm hiểu dư luận, đánh giá chủ quan của giáo viên, phiếu thăm dò khách quan.
Công việc khảo sát, thăm dò năng lực và uy tín này phải được tiến hành trước đại hội lớp. Sau khi đã có danh sách những học sinh có năng lực và có uy tín, GVCN cần tạo điều kiện cho các em được thể hiện mình trước tập thể đồng thời GVCN phân tích cho tập thể lớp, chi đoàn về việc bầu cử cán bộ trong đó đặc biệt quan trọng là phải chọn được những người có đức, có tài có thể đảm nhận được công việc của lớp, của chi đoàn, tránh việc bầu tuỳ hứng, vô trách nhiệm, cảm tính hoặc chia bè kéo cánh.
c. Công tác chọn cán bộ lớp.
- Cần có sự kết hợp giữa cán bộ lớp và cán bộ đoàn, như vậy công việc của lớp và của đoàn sẽ là một khối thống nhất. VD: Lớp trưởng có thể là Phó bí thư hoặc uỷ viên BCH, còn Bí thư có thể là lớp phó học tập hoặc cán bộ văn thể.
- Trong đội ngũ cán sự thì quan trọng nhất là lớp trưởng - Bí thư và lớp phó đời sống. Lớp trưởng và Bí thư là linh hồn cho mọi hoạt động của lớp, còn lớp phó đời sống là người ổn định đời sống vật chất, giúp các bạn yên tâm về cơm, áo, gạo, tiền để toàn tâm, toàn ý cho học tập và các hoạt động khác. Chính vì vậy lớp trưởng và Bí thư phải là các em có năng lực toàn diện, đặc biệt là phải có độ trung thực, nghiêm túc, uy tín với bạn bè trong lớp và sự năng động, sáng tạo trong công tác. Còn với lớp phó đời sống thì rất cần phẩm chất: Trung thực, nhanh nhẹn, cẩn thận, có tư duy tính toán tốt.
- Với cán sự bộ môn thì GVCN phải dựa vào giáo viên bộ môn để chọn được những học sinh vừa có năng lực tư duy tốt, vừa có khả năng diễn thuyết để có thể giúp các bạn trong học tập. Tuỳ thực tế của lớp mà cán sự cho mỗi môn học có thể là một em hoặc một nhóm em.
- Các cán bộ còn lại thì tuỳ vào công việc, chọn các em có khả năng tốt về công việc đó: Cán bộ lao động phải khoẻ mạnh, có trách nhiệm, cán bộ văn thể phải có khiếu, nhiệt tình…
- Khi xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, GVCN cần thận trọng, tránh việc phải thay cán bộ giữa năm học gây ảnh hưởng đến ổn định của lớp và tư tưởng của chính học sinh bị thay.
d. Công tác bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ lớp.
Lựa chọn được đội ngũ cán bộ lớp theo dự kiến của giáo viên chỉ là yếu tố cần còn điều kiện đủ để cho đội ngũ cán bộ lớp hoạt động tốt đó là sự hướng dẫn cách làm việc cho đội ngũ cán bộ đó như thế nào:
- Việc đầu tiên GVCN cần có một bảng phân công nhiệm vụ chi tiết với mỗi cán bộ lớp và cán bộ đoàn. Phát cho mỗi cán bộ lớp một bản, dán vào sổ trực nhật và dán công khai lên bảng tin của lớp để các em trong lớp cùng biết mà thực hiện và giám sát lẫn nhau. Khi phân công nhiệm vụ phải chi tiết, rõ ràng, tránh chồng chéo.
- GVCN cần bồi dưỡng cho cán sự lớp ý thức trách nhiệm cao đối với lớp, ý thức phục vụ tập thể lớp, biết phê bình và tự phê bình, bồi dưỡng cho các em phương pháp quản lý lớp.
- GVCN cần trang bị cho các cán bộ lớp công cụ để làm việc: Sổ theo dõi (hướng dẫn các em kẻ bảng, chia cột, đánh tên học sinh theo tổ, nhóm… để tiện theo dõi và tiết kiệm thời gian), bảng theo dõi nề nếp, bảng phân công nhiệm vụ trực nhật lớp, trực nhật vệ sinh môi trường, bảng theo dõi thi đua (xếp loại hàng tuần của lớp, tổ, bàn, cá nhân), bảng ghi tên khen thưởng và phê bình cá nhân, tập thể trong tuần…Việc cập nhật các thông tin như vậy sẽ giúp mọi thành viên trong lớp đều xác định đựơc mình đang ở vị trí nào, cần cố gắng mặt gì để vươn lên.
- Tạo hành lang pháp lý cho đội ngũ cán bộ làm việc: Trên cơ sở nội quy của nhà trường, GVCN cùng với cán bộ lớp xây dựng một bản nội quy riêng của lớp có thông qua tập thể lớp để mọi thành viên trong lớp đều được tham gia xây dựng đảm bảo tính dân chủ từ đó tác động vào tinh thần tự giác của học sinh, tinh thần tôn trọng kỷ luật tập thể mà chính các em đề ra. Bản nội quy này chính là hành lang pháp lý cho cán bộ lớp làm việc một cách khách quan, công bằng. Khi xây dựng nội quy của lớp cần có các tiêu chí rõ ràng, mỗi tiêu chí đó đều được quy thành điểm cụ thể. Trong đó đặc biệt chú ý đến điểm thưởng và điểm phạt. Từ đó căn cứ vào tổng điểm đạt được của mỗi cá nhân trong tuần để tiến hành xếp loại học sinh: Cá nhân tự đánh giá và cán bộ lớp đánh giá theo các mức: tốt, khá, trung bình, yếu, kém. Trong bản nội quy cần có sự mềm hoá với những đối tượng đặc biệt, nhằm tạo cơ hội cho những học sinh còn yếu kém (văn hoá, ý thức), có thể vươn lên, khơi dậy trong các em niềm tin, lòng tự trọng và tinh thần tự giác trong học tập và rèn luyện
e. Công tác kiểm tra đánh giá của GVCN.
- Thông qua các phòng ban chức năng (quản lý học sinh, lớp trực tuần, giáo viên trực, thanh niên xung kích, y xá,…), kết hợp với kiểm tra đột xuất, lấy phiếu thăm dò từ học sinh, GVCN nắm bắt các thông tin về lớp mình một cách kịp thời để xử lý, đồng thời kiểm tra độ chính xác các thông tin của lớp từ phía cán bộ lớp, những thông tin không chính xác từ phía cán bộ lớp đều phải nhắc nhở và chỉnh lý. Khi đã có thông tin thì GVCN phải tìm mọi cách xử lý thông ngay thì hiệu quả giáo dục mới cao.
- GVCN cần kiểm tra sổ theo dõi của các cán bộ lớp thường xuyên để khớp các số liệu, thu thập thông tin đồng thời cũng đánh giá được hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ lớp. Khi phân công theo dõi GVCN cần chú ý: Phân công tự theo dõi, theo dõi chéo giữa các tổ, theo dõi của lớp trưởng, bí thư và nhật ký lớp, như vậy bất cứ một cá nhân, một tổ nào cũng đều có ít nhất là 5 thông số sẽ đảm bảo độ chính xác của thông tin.
- Vào tối thứ 6 hàng tuần GVCN cần họp đội ngũ cán bộ lớp, lắng nghe sự phản ánh từ phía các em đồng thời GVCN tổng kết các hoạt động của đội ngũ cán bộ trong tuần, có khen - chê và hướng dẫn cho các em cách khắc phục những tồn tại, đồng thời chuẩn bị nội dung cho buổi sinh hoạt vào hôm thứ 7. Nội dung các buổi sinh hoạt phải phong phú, tránh nhàm chán, tránh nặng về kiểm điểm mà chú trọng đến “chơi mà học, học mà chơi” thông qua các tiết sinh hoạt giáo dục đạo dức cho các em.
3- Xây dựng phong trào tự quản:
a. Xây dựng ý thức tự giác trong học tập - rèn luyện.
Để xây dựng nề nếp tự quản trong học tập, sinh hoạt thì cùng với việc chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài người GVCN còn phải giúp các em xác định đúng đắn về mục đích của việc học tập, từ đó giúp các em hiểu được các công việc các em phải làm, biến các công việc từ chỗ bắt phải làm trở thành các công việc các em muốn được làm và cố gắng làm bằng được.
b. Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt.
Trong đội ngũ cán bộ lớp GVCN phải tìm được một cán bộ có uy tín nhất với bạn bè (cả học tập và hoạt động phong trào). Tốt nhất là lớp trưởng hoặc bí thư, em cán bộ này chính là người quản lý, điều hành các hoạt động của lớp khi không có GVCN ở đó. Ngoài đội ngũ cán bộ lớp, GVCN cần xây dựng hệ thống những HS thân tín, đội ngũ này sẽ cung cấp cho GVCN những thông tin mà cán bộ lớp có thể không báo cáo cô giáo, tuy nhiên GVCN phải tuyệt đối giữ bí mật đội ngũ này trước lớp.
Trong các giờ học buổi chiều và buổi tối, cán bộ lớp cần đưa ra được lịch học một cách khoa học (giờ tự học, giờ trao đổi bài, bố trí môn học phù hợp với thời gian chiều, tối). GVCN kết hợp với giáo viên bộ môn hướng dẫn cán sự bộ môn biết cách tháo gỡ những vướng mắc trong học tập của các bạn để các bạn tin vào cán sự lớp nhưng lại không ỉ lại cho cán sự.
Để duy trì ổn định trong giờ tự học, ngoài lực lượng nòng cốt là cán bộ lớp, GVCN cần kết hợp giáo viên trực khu vực lớp mình, giáo viên trực tuần, những học sinh tin cậy (không hẳn là cán bộ lớp) để nắm bắt thông tin trong lớp và xử lý kịp thời những học sinh gây rối trong giờ tự học, việc làm này luôn đưa đến hiệu quả rất cao vì học sinh hiểu rằng mặc dù GVCN không cần xuất hiện ở lớp nhưng vẫn có thể biết mọi chuyển xảy ra trong lớp vì thế các em luôn phải có ý thức giữ gìn, thực hiện quy định đã đề ra ở mọi nơi, mọi lúc mà không loay hoay với việc tìm quy luật GVCN xuất hiện ở lớp để đối phó.
c- Xây dựng tinh thần tập thể:
Ngoài giờ lên lớp, các em còn có các hình thức sinh hoạt tập thể khác: Sinh hoạt ở KTX, nhà ăn, thi văn nghệ, thể thao….Để kích động được phong trào, đưa các em vào tham gia một cách nhiệt tình, hiệu quả thì người GVCN cùng đội ngũ cán bộ lớp phải làm dấy lên được tinh thần đoàn kết vì mầu cờ sắc áo của tập thể, từ đó mỗi thành viên ều cố gắng hết mình đem lại vinh quang cho tập thể.
4- Giáo dục học sinh chưa ngoan.
a- Phân loại học sinh chưa ngoan
Học sinh chưa ngoan có thể chia thành bốn nhóm:
- Nhóm hay gây gổ đánh nhau, chia bè phái;
- Nhóm hay bỏ giờ tiết, nhóm này thường tiếp thu chậm năng lực học tập hạn chế, sợ kiểm tra;
- Nhóm quậy phá thiếu nghiêm túc trong giờ, nhóm này thường tâm lý phát triển “không bình thường” không tập trung nghe giảng, tiếp thu hạn chế nên không hiểu bài, thường xuyên quậy phá và có những trò chơi “ngớ ngẩn” trong giờ học.
- Nhóm ương nghạnh, học đòi không nghe lời thầy cô, nhóm này khi được nhắc nhở có vẻ ăn năn sửa chữa nhưng rồi vẫn “chứng nào tật ấy” vẫn thường xuyên vi phạm bất chấp sự góp ý của thày cô, bạn bè.
b- Một số biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan.
Dù là nhóm HS chưa ngoan nào, muốn giáo dục được các em, người GVCN đều cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến HS chưa ngoan, từ đó tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp với từng nhóm và từng HS cụ thể.
Trong làm việc, GVCN và cán bộ lớp không nên cứng nhắc, có thể kết hợp hài hoà nhiều biện pháp, nhiều lực lượng để giáo dục. Khen - chê kịp thời nhưng không phải lúc nào cũng lấy hình phạt là hàng đầu để xử lý vì như vậy sẽ làm cho học sinh chai lỳ với các hình thức xử phạt, hình thành ý thức chống đối, bất cần.
Do vậy GVCN, cán bộ lớp cần phải tìm được những điểm yếu của học sinh. Nếu điểm yếu về tình cảm thì phải dùng tình cảm để cảm hoá, sự cảm hoá về tình cảm này phải tuỳ thuộc đối tượng, có đối tượng bắt buộc phải là GVCN, giáo viên bộ môn và gia đình ra tay nhưng có đối tượng chỉ cần dừng lại ở cán bộ lớp hoặc bạn thân là đủ. Nếu điểm yếu về học tập thì phải bố trí thày cô, bạn bè kèm cặp, giúp đỡ. Nếu điểm yếu về ý thức cần sử dụng biện pháp cứng rắn….GVCN cũng có thể phân công một nhóm bạn cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, cùng ước mơ sinh hoạt, học tập với đối tượng này để dần lôi kéo các em hòa nhập vào các cuộc chơi bổ ích, xóa bỏ mặc cảm là học sinh chưa ngoan, đồng thời thông qua nhóm bạn tốt GVCN giao cho HS chưa ngoan thực hiện một số công việc và tạo điều kiện để HS này hoàn thành nhiệm vụ nhằm xóa đi trong các em những tự ty, mặc cảm để hòa nhập với bạn bè.
Cùng với bạn bè, thầy cô bộ môn, GVCN cần kết hợp với các phòng ban liên quan và gia đình để nâng cao hiệu quả giáo. Khi gặp gỡ phụ huynh GVCN phải hết sức chú ý vì trong trường hợp này con của phụ huynh hư chứ không phải phụ huynh hư nên GVCN chú ý cách nói năng, thái độ để phụ huynh cùng hợp tác trong giáo dục.
c- Bài học kinh nghiệm:
1. Giáo viên chủ nhiệm phải hiểu được đối tượng và xác định được mục tiêu phấn đấu.
- GVCN cần phải hiểu sâu sắc tính chất đặc thù của trường DTNT và đặc điểm đối tượng học sinh DTNT.
- GVCN phải xác định rõ mục tiêu phấn đấu của lớp chủ nhiệm. Học sinh ra trường phải có nhân cách tốt, tỷ lệ đỗ vào các trường trung học, cao đẳng và đại học cao.
2. Giáo viên chủ nhiệm phải có phương pháp làm việc khoa học.
- GVCN cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, đáp ứng với nội dung thi đua và phù hợp với đặc điểm tình hình của lớp, biết phát huy sức mạnh tập thể, linh hoạt, mềm dẻo trong chỉ đạo, kiên trì trong phương pháp giáo dục (đặc biệt là giáo dục học sinh chưa có ý thức cao trong rèn luyện).
- GVCN cần chú ý đưa học sinh vào tự quản với mức độ nâng dần: Từ chỗ GVCN giữ vai trò làm mẫu đến GVCN hướng dẫn cho học sinh tập làm và cuối cùng là học sinh tự quản, GVCN chỉ đạo và uốn nắn.
- GVCN cần sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với HS, không trừng phạt thân thể HS, không tức giận, căng thẳng vì nó dễ làm cho người GV có những hành vi nóng giận tức thời và gây hậu quả tai hại vì thế GVCN cần trau dồi khả năng hài hước, tinh thần lạc quan trước mọi tình huống.
- Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, yêu cầu quá cao vào HS, cần ghi nhận những cố gắng và kết quả mà các em đạt được.
3. Phẩm chất đạo đức của giáo viên chủ nhiệm.
- GVCN phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Có như vậy học sinh mới hoàn toàn đặt niềm tin vào GVCN. Khi các em thực sự tin yêu, quý trọng thì công việc của GVCN mới thuận lợi.
+ GVCN phải là tấm gương sáng về đạo đức: Từ việc thực hiện giờ giấc, quy chế chuyên môn… đến đầu tóc, ăn mặc, ứng xử… cần mẫu mực.
+ Trong quan hệ với học sinh phải gần gũi, chân thành,không chê bai chỉ trích, chan hoà với HS song có khoảng cách cần thiết. Tránh suồng sã để học sinh vừa sợ, vừa mến phục, khiến học sinh có cảm giác thầy cô như một người bạn lớn: Gần gũi, tin cậy, có thể trao gửi tâm tình song rất đáng kính trọng, không “cá mè” một lứa.
+ Trong công việc phải kiên quyết, triệt để, tránh đầu voi đuôi chuột: Có triển khai công việc thì phải có kiểm tra, nhắc nhở kịp thời.
+ Đảm bảo khách quan công bằng trong cư xử, không bao che cho những học sinh vi phạm khuyết điểm.
- Quan trọng nhất GVCN phải tránh chạy theo thành tích vì học sinh rất nhạy cảm, nếu thầy thích thành tích, che giấu khuyết điểm của lớp thì các em cũng sẽ nói dối thầy.
4- GVCN phải là người thắp ngọn lửa đam mê học tập cho học sinh.
- Với phương châm mưa dầm thấm lâu,GVCN cho HS nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của việc học đối với chính mình, với gia đình và xã hội, cho học sinh thấy được “Thành quả ngọt ngào” của những tấm gương nỗ lực vươn lên trong học tập.
- Tạo cho HS niềm tin vào chính mình để các em tự tin vươn lên trong học tập.
- GVCN phải là một giáo viên bộ môn giỏi.
Trên đây là một số nhiệm vụ của người GVCN mà tôi đã làm với các khóa chủ nhiệm của mình và cũng đã thu được những kết quả nhất định. Chắc chắn trong Hội đồng chủ nhiệm còn có nhiều đồng chí có những kinh nghiệm hay, hiệu quả, rất mong cùng được chia sẻ. Chúc các thầy - cô giáo làm công tác chủ nhiệm thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.