MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ VIỆC XÂY DỰNG NỀ NẾP TỰ QUẢN CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Là trường nội trú việc xây dựng nề nếp tự học cho học sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó không những là yếu tố quyết định đến chất lượng học tập của các em mà còn giúp xây dựng cho các em nếp sinh hoạt, học tập khoa học, tự giác. Để xây dựng nề nếp tự học cho học sinh, chúng ta cần làm một số công việc như sau:
1. Hiểu rõ tình hình lớp và học sinh.
- Dành nhiều thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, sức học, bạn bè của từng em học sinh trong lớp, quan tâm nhiều hơn tới những em có hoàn cảnh đặc biệt: Gia đình khó khăn về kinh tế, về tình cảm bố mẹ, anh, chị, em...
- Gần gũi với các em, lắng nghe và chia sẻ với các em những khó khăn của cuộc sống nội trú.
- Tìm kiếm, xây dựng những đồng cảm giữa cô và trò, từ đó tạo ra sự gần gũi của các em học sinh với giáo viên chủ nhiệm vì chỉ khi các em yêu thương, gắn bó, gần gũi với giáo viên chủ nhiệm thì các em mới thể hiện hết khả năng của bản thân mình.
- Phân loại học sinh trong lớp:
+ Theo sức học sinh
+ Theo năng khiếu:văn nghệ, thể thao,hoạt động tập thể
+ Theo khí chất.
+ Theo hoàn cảnh gia đình.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp:
- Có năng lực học tập
- Nhiệt tình, được bạn bè yêu quý.
- Có trách nhiệm
- Năng động.
Bước 1: Xây dựng theo cảm tính thông qua tiếp xúc, qua hồ sơ, qua đánh giá của học sinh trong lớp...
Bước 2: Giao việc để kiểm tra năng lực của học sinh thông qua phương pháp làm việc của các em vàqua kết quả thu được để kiểm tra đánh giá chủ quan ban đầu của giáo viên chủ nhiệm.
Bước 3: Kiện toàn đội ngũ cán bộ thông qua Đại hội lớp theo dự kiến.
3. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm việc.
- Giao nhiệm vụ và niêm yết công khai nhiệm vụ của từng cán bộ trong lớp.
- Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn từng cán bộ lớp cách quản lý lớp với cương vị của mình; giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, chỉ việc cho cán bộ lớp nhưng không làm thay cán bộ lớp, hướng dẫn các emcách lập sổ theo dõi, cách theo dõi, cách xử lý các tình huống...
- Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra việc làm của cán bộ lớp qua các kênh thông tin: Phản ánh của học sinh trong lớp, trong phòng, trong tổ, trong bàn; phản ánh của các thầy cô bộ môn, thầy cô quản sinh, bảo vệ, các sổ theo dõi, kịp thời uốn nắn để các em làm việc tốt hơn, nâng cao vị thế của cán bộ lớp trong mắt mỗi thành viên của tập thể lớp. Từ đó tạo sự tự tin cho cán bộ lớp là mình luôn được sự ủng hộ của thầy cô và các bạn.
- Thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lớp, các thành viên trong lớp và cả giáo viên chủ nhiệm bằng phiếu thăm dò (không ghi tên) để điều chỉnh phù hợp.
- Xây dựng các nội quy, quy định cụ thể về các hoạt động của lớp trên cơ sở đó cho điểm từng mặt hoạt động, xếp loại hạnh kiểm. Những nội quy, quy định này được thông qua tập thể lớp, thực hiện với mọi thành viên của lớp. Tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các thành viên, đồng thời cũng là hành lang pháp lý cho cán bộ dễ làm việc.
- Trong qúa trình thực hiện các nội quy của lớp, giáo viên chủ nhiệm phải biết khiêu gợi tiềm năng sáng tạo của các em. Linh hoạt tổ chức các hoạt động tập thể theo chủ đề của từng tháng, từng học kỳ và cả năm học.
4. Phát động phong trào thi đua thường xuyên liên tục trong lớp giữa các nhóm, bàn, tổ, phòng.
Khi đã phát động thi đua thì phải có sơ kết, tổng kết thi đua từng tuần, tháng và cả đợt, có thưởng và có phạt nghiêm minh (cắm cờ thi đua cho các tổ, có bảng vàng danh dự, bảng phê bình thành viên chậm tiến) tạo động lực phấn đấu cho các em.
5. Nghiêm minh trong xử lý vi phạm của học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm cần xử lý những vi phạm của tất cả học sinh trong lớp kịp thời với một thái độ nghiêm khắc, công bằng và tôn trọng học sinh cho dù học sinh vi phạm là ai, cán bộ lớp, hay nhân viên. Tuy nhiên, trong nghiêm khắc phải cósự bao dung, độ lượng không cứng nhắc nhưng cũng không mềm yếu.
6. Động viên kịp thời.
Động viên kịp thời những học sinh còn “chưa ngoan”, khi các em có tiến bộ dù là nhỏ nhất để những học sinh này cảm thấy mình cũng có một vị trí nhất định trong lớp, trong thầy cô và các bạn chứ không bị “ghét bỏ” hay “bị bỏ rơi”, hình thành tình cảm gắn bó giữa cô trò – bạn bè tạo điều kiện thuận lợi cho những tâm sự, những chia sẻ... khi đó những động viên định hướng của cô sẽ có hiệu quả.
7. Phối hợp.
Phối hợp tất cả với các bộ phận có liên quan – đặc biệt giáo viên trực vàxây dựng đội ngũ “điệp viên” ngoài cán bộ nhờ đó GVCN có thể nắm bắt mọi tình hìnhđể xử lý các vi phạm của học sinh kịp thời để từ đó học sinh thấy mình không thể dấu cô bất cứ điều gì.
- Thường xuyên thăm lớp nhưng không theo quy luật.
- Kết hợp với giáo viên bộ môn để hỗ trợ học sinh yếu, học sinh học giỏi, xin nội dung cho hoạt động cán sự bộ môn để cán sự bộ môn hoạt động có chất lượng, lôi kéo được các bạn.
- Giữ đều đặn lịch sinh hoạt cán bộ lớp để nghe phản ánh tình hình lớp, giúp đỡ cán bộ tháo gỡ những khó khăn, định hướng hoạt động cho cán bộ, không bao che khuyết điểm cho cán bộ, cho tập thể lớp.
Để xây dựng được nề nếp tự quản cho học sinh DTNT, bên cạnh những công việc hành chính đơn thuần thì “tấm gương sáng”của giáo viên chủ nhiệm cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, người giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng được lòng tin ở các em, giáo viên chủ nhiệm đã nói là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn, đối xử công bằng minh bạch giữa các thành viên trong lớp, thương yêu các em hết lòng như yêu chính con em của mình. Cùng với việc tu dưỡng đạo đức, người giáo viên chủ nhiệm còn cần nâng cao uy tín về chuyên môn, để các em có niềm tự hào về người giáo viên chủ nhiệm của mình, khi các em đã “tâm phục khẩu phục” đối với giáo viên chủ nhiệm thì mọi việc đều dễ dàng đi đến thành công.
Trên đây là những công việc người giáo viên chủ nhiệm cần làm để xây dựng nề nếp tự quản cho lớp chủ nhiệm. Tuy nhiên công việc của người giáo viên chủ nhiệm thường không có công thức chung cho các lớp, các khoá mà nó đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải rất linh hoạt áp dụng những biện pháp cơ bản cho phù hợp với đối tượng của lớp mình. Chúc các bạn thành công !