MỘT VÀI KINH NGHIỆM BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI MÔN ĐỊA LÝ
Nguyễn Phúc Lự
I, ĐẶC ĐIỂM BỘ MÔN
Môn địa lý phổ thông trung học tham gia thi học sinh giỏi quốc gia từ năm 1998. Hệ thống kiến thức và kỹ năng gồm Địa lý tự nhiên và Địa lý nhân văn. Khi sử dụng hệ thống kiến thức và kỹ năng để thi học sinh giỏi lại yêu cầu ở trình độ cao, nên việc lựa chọn được những học sinh đáp ứng được yêu cầu cả tư duy khoa học tự nhiên và tư duy khoa học xã hội là một khó khăn lớn cho giáo viên phụ trách; mặt khác chúng tôi cũng nhận thấy một thực tế là, những học sinh thực sự có thiên hướng khoa học tự nhiên thì các em tham gia các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; còn các em có thiên hướng khoa học xã hội thì đăng kí các môn Văn, Lịch sử. Như vậy, những em khi không thể tham gia vào hai nhóm trên, nhưng muốn đi thi học sinh giỏi thì chỉ còn có môn Địa lý. Lẽ tất nhiên nhóm này đều không trội về tư duy của khoa học tự nhiên và xã hội. Nhóm này bộ lộ ba nhược điểm căn bản sau đây:
- Tư duy lôgic, khái quát và trừu tượng không tốt.
- Diễn đạt dài dòng, lủng củng.
- Thiếu bản lĩnh.
Trước một đối tượng có năng lực hạn chế như vậy, thì đòi hỏi người dạy phải giỏi, vượt trội và đảm đương được 2 hệ thống kiến thức và kỹ năng như đã nêu; nhưng rất tiếc, chúng tôi lại chưa thể đáp ứng, nghĩa là còn yếu so với yêu cầu.
Nhân đây, xin được nói vài điều về điều kiện huấn luyện học sinh giỏi ở trường Vùng Cao Việt Bắc là rất đáng trân trọng. Chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và tận tâm của lãnh đạo nhà trường, chúng tôi chưa hề bị từ chối bất cứ yêu cầu nào dành cho các hoạt động nghiệp vụ đối với học sinh giỏi. Thầy và trò đội tuyển học sinh giỏi, đặc biệt là đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thành tâm cảm tạ lãnh đạo nhà trường đối với một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng của một nhà trường.
II. MỘT VÀI KINH NGHIỆM
Xin nêu 3 kinh nghiệm nhỏ sau đây:
1) Công tác đào tạo học sinh giỏi phải được xác định sớm:
a - Phát hiện sớm những học sinh có khả năng. Đó là những học sinh có khả năng tư duy, yêu mến bộ môn.
b- Kiểm tra sớm và thường xuyên với nhiều tình huống đa dạng để xác định đó là một học sinh có tiềm năng.
c- Lập đội tuyển sớm. Đây là một môi trường vừa có điều kiện học ở trình độ cao, vừa là môi trường để phân hóa học sinh. Trong quá trình ôn luyện có thể xác định được em nào có thể đi tiếp, em nào tụt hậu.
2) Có kế hoạch hoàn chỉnh cho cả khóa.
Điều này cho phép thầy, trò có thể chủ động giải quyết từng vấn đề của hệ thống kiến thức và kỹ năng của bộ môn. Kế hoạch tốt sẽ xác định giáo viên cần làm gì và học sinh phải giải quyết những nội dung nào.
3) Phương pháp ôn luyện.
a- Yêu cầu trình bày mức độ hiểu, khả năng tự hệ thống hóa kiến thức, tự xây dựng hệ thống kiến thức, kỹ năng làm nền tảng để giải quyết được các dạng đề thi.
b- Luyện đề: là quan trọng nhất vì:
- Củng cố được kiến thức
- Nâng cao trình độ tư duy
- Hoàn thiện khả năng diễn đạt
c- Căn cứ vào cấu trúc đề thi để xác định trọng tâm ôn luyện
Môn Địa lý xác định cấu trúc đề thi với 15/20 điểm dành cho phần địa lý Việt , nên cần tập trung cao độ cho phần này. Còn phần địa lý đại cương chỉ chiếm 5/20 điểm, do đó đầu tư cho phần này ở mức độ hợp lý.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ, xin được chia sẻ với đồng nghiệp và cũng mong nhận từ đồng nghiệp những kinh nghiệm quý báu để công tác ôn luyện học sinh giỏi ngày càng hiệu quả hơn.