Th.s Tô Thị Thoa - Hiệu Phó
Trong những năm gần đây, trường PT Vùng cao- Việt Bắc ra sức đổi mới phương pháp dạy và học trong đó đề cao phương pháp tự học. Việc đổi mới đó mang lại chất lượng, hiệu quả trong đào tạo: Tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và học sinh thi đỗ ĐH- CĐ tăng lên.
  !important; Sau đây là một số biện pháp nâng cao năng lực tự học cho học sinh
1. Tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh
Nhận thức đúng đắn về học tập là cốt lõi của vấn đề, là động lực để học sinh xác định động cơ, xây dựng kế hoạch học tập và có nghị lực vượt khó trong suốt quá trình học tập. Nhận thức đúng về học tập mang lại các phương án tối ưu trong học tập đặc biệt là hiệu quả cao trong học tập. Để có được sự nhận thức đúng đắn trong học sinh, các thầy cô giáo phải dầy công giáo dục nhận thức tư tưởng cho học sinh bằng cách: Cho học sinh học tập nội quy nhà trường, giáo dục bằng nêu gương, động viên khích lệ học sinh… từ đó xác định cho mình nhiệm vụ học tập: Học cho chính bản thân mình, học để lập nghiệp, học để làm giàu cho quê hương đất nước “ Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để hoà nhập, có kỹ năng sống”.
2. Xây dựng kế hoạch tự học
Kế hoạch tự học là toàn bộ những điều mà học sinh tự vạch ra một cách có hệ thống về những công việc tự học của mình trong thời gian nhất định với cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành. Kế hoạch tự học là việc làm cần thiết cho mỗi học sinh, giúp cho học sinh học tập một cách khoa học góp phần mang lại hiệu quả cao trong học tập. Kế hoạch tự học phải có tính phù hợp và thích ứng cao, giúp cho học sinh học tập điều độ không bị quá tải.
Khi hướng dẫn học sinh lập kế hoạch tự học cần lưu ý:
- Xác định các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch tự học;
- Các bước tiến hành khi xây dựng kế hoạch tự học;
- Các yếu tố bảo đảm thực hiện kế hoạch;
- Kế hoạch phải có tính phù hợp và khả thi.
3. Rèn luyện kỹ năng đọc sách và tư liệu khoa học
Kỹ năng đọc sách và tư liệu khoa học là điều kiện tốt để thu thập thông tin, giúp cho người học mở mang kiến thức, không bị bó buộc trong bài giảng của thầy, là cầu nối, là đôi cánh giúp học sinh khám phá nhiều thành tựu khoa học của nhân loại, giúp học sinh hiểu sâu, hiểu toàn diện về mọi lĩnh vực. Cần hướng dẫn học sinh khi đọc sách và tư liệu khoa học lưu ý những điểm sau:
- Xác định mục đích đọc;
- Chọn sách, tài liệu đọc;
- Nắm bắt cách đọc;
- Tư duy khi đọc;
- Kết hợp đọc và ghi chép các ý cần thiết.
4. Đổi mới phương pháp dạy học
- Về quan niệm khoa học cũng như trong vận động thực tiễn, việc đổi mới phương pháp dạy học rất phong phú và đa dạng. Đổi mới giáo dục nói chung, phương pháp dạy học nói riêng là quy luật phát triển tất yếu của thời đại và của mỗi quốc gia trên bước đường phát triển xã hội.
- Đổi mới không phải là thay cái cũ bằng cái mới, nó là sự kế thừa, sử dụng một cách có chọn lọc và sáng tạo hệ thống phương pháp dạy học mang lại giá trị tích cực trong việc hình thành tri thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển thái độ tích cực đối với đời sống, chiếm lĩnh các giá trị xã hội.
- Đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi phải kiên quyết loại bỏ các phương pháp dạy học lạc hậu, truyền thụ một chiều, biến học sinh thành người thụ động trong học tập, mất dần khả năng sáng tạo vốn có của người học. Đồng thời khắc phục những chướng ngại về tâm lý, những thói quen cổ hủ đã trở thành thâm căn cố đế ở cả người dạy và người học.
- Phải quyết tâm mạnh dạn chiếm lĩnh những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tin học có khả năng ứng dụng trong quá trình dạy học nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
- Đổi mới phương pháp dạy học phải được tổ chức, chỉ đạo một cách có hệ thống, có khoa học, đồng bộ, có điều kiện khả thi nhưng không cầu toàn thụ động, phải mạnh dạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
- Thay đổi vị trí chức năng, vai trò của thầy và trò trong hoạt động dạy và học, hướng vào việc triệt để phát huy vai trò chủ động sáng tạo, tự lực chiếm lĩnh tri thức của người học
- Phân hoá vừa sức người học theo từng trình độ khác nhau
- Giúp học sinh có kỹ năng làm bài và giải quyết các vấn đề về học tập:
Đây là nhiệm vụ chính của quá trình tự học, đòi hỏi học sinh phải nghiêm túc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Công việc này diễn ra hàng ngày có tính bắt buộc và có sự kiểm tra kiểm soát của giáo viên. Để việc làm bài tập và giải quyết các vấn đề học tập của học sinh diễn ra thuận lợi, giáo viên cần lưu ý:
+ Bài tập về nhà và những vấn đề về học tập phải phù hợp với từng đối tượng học sinh;
+ Cần yêu cầu cụ thể rõ ràng và kiểm tra nghiêm túc;
+ Động viên khích lệ những học sinh chăm chỉ thường xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình;
+ Phát hiện những học sinh chưa tích cực, phát hiện những kiến thức hổng trong học sinh để kịp thời bổ xung, uốn nắn sửa chữa.
- Tăng cường sử dụng các phương tiện trực quan, cảm xúc, kỹ thuật, công nghệ, tin học trong dạy học.
- Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học.
- Đổi mới cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập: kiểm tra toàn diện cả tri thức, kỹ năng, cách ứng xử.
5. Rèn luyện kỹ năng tự kiểm tra đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập
Tự kiểm tra đánh giá là hình thức cao nhất của hoạt động tự học. Tự kiểm tra đánh giá thực chất là người học đã hiểu rõ khả năng của mình, hiểu nội dung kiến thức. Hoàn chỉnh được chu trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong học tập. Vấn đề này quan trọng nhưng không phải học sinh nào cũng biết làm và làm tốt. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết cách tự kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập:
- Cần hướng dẫn học sinh nắm được mục đích, nội dung, hình thức tự kiểm tra đánh giá đối với từng dạng bài cho phù hợp;
- Tạo mọi điều kiện khuyến khích học sinh tự đánh giá, tôn trọng kết quả tự kiểm tra đánh giá của học sinh;
- Thường xuyên hướng dẫn, theo dõi việc kiểm tra đánh giá và điều chỉnh của học sinh. Hướng dẫn học sinh kết hợp chặt chẽ giữa tự kiểm tra và tự điều chỉnh kiến thức.
6. Quản lý tốt việc tự học của học sinh
+ Tự học ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch (bắt buộc):
Đây là hình thức tổ chức tự học cơ bản và chủ yếu nhất của học sinh, giờ tự học của học sinh là do giáo viên chủ nhiệm, lớp, nhóm, tổ quản lý thời gian. Trình tự tiến hành công việc trong giờ tự học: Học sinh ôn bài, xào bài, chuẩn bị bài theo thời khoá biểu ngày hôm sau, tham khảo các sách nâng cao và tư liệu khoa học phục vụ cho việc học tập. Giáo viên cũng có thể dùng giờ tự học để hướng dẫn học sinh làm bài tập, giảng thêm kiến thức mà giờ lên lớp chưa có điều kiện đi sâu, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Giờ tự học cần quản lý tốt các vấn đề sau:
- Cần tổ chức học tập trung trên lớp.
- Chia tổ, chia nhóm để học sinh dễ có điều kiện giúp đỡ nhau, cán bộ lớp, tổ, giáo viên chủ nhiệm quản lý giờ học.
- Giáo viên chủ nhiệm cần bám lớp, theo dõi quân số, giờ giấc học tập, ý thức học tập của học sinh.
- Cán bộ quản lý cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho giờ tự học. Kiểm tra việc thực hiện giờ tự học của giáo viên chủ nhiệm và học sinh, kiểm tra chất lượng giờ tự học.
+ Ngoài việc tự học theo kế hoạch, bắt buộc còn có tự học theo kế hoạch của học sinh: đó là việc tự học tại ký túc xá, học sinh có thể học thêm những phần kiến thức mà trên lớp chưa giải quyết hết. Học sinh có thể bàn bạc, trao đổi với nhau về kinh nghiệm học tập, giải quyết một vấn đề nào đó về học tập. Việc học này đòi hỏi học sinh phải tự giác để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.
Kết luận
Từ thực tế giảng dạy, quản lý về nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Tôi rút ra một số kết luận sau:
- Tự học là con đường cơ bản để đi đến thành công trong học tập và lao động của mỗi con người. Tự học là cách tốt nhất để nâng cao dân trí một cách bền vững và hiệu quả, là con đường để học suốt đời, để đào tạo và đào tạo lại nhân lực, bổ sung và cập nhật tri thức khoa học cũng như bồi dưỡng nhân tài.
Tự học là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu giáo dục, tự học là nhu cầu và lợi ích của mỗi cá nhân, cũng là nhu cầu và lợi ích của toàn xã hội.
- Tạo ra năng lực tự học, năng lực sáng tạo của người học là tư tưởng chiến lược của sự phát triển giáo dục ở nước ta. Năng lực tự học giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập, là nhân tố quyết định cho sự phát triển của bản thân người học đồng thời của giáo dục và đào tạo, làm cho giáo dục và đào tạo trở thành khâu đột phá, phát huy được năng lực nội sinh của toàn dân tộc, đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên công nghiệp hoá- hiện đại hoá.
-Để tự học đi vào mỗi nhà trường và mỗi học sinh, cần phải bảo đảm các điều kiện sau:
+ Có tủ sách tự học với nhiều loại sách tham khảo, nhiều tư liệu khoa học.
+ Cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng yêu cầu dạy và học.
+ Có đội ngũ giáo viên biết dạy cho học sinh tự học, biến quá trình dạy học của thầy thành quá trình tự học của trò.
+ Có đội ngũ cán bộ quản lý biết quản lý quá trình dạy tự học, tổ chức và duy trì được phong trào tự học, tự đào tạo, tự cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực, tạo ra niềm say mê trong giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Biết điều hành hệ thống giáo dục đào tạo ở nhà trường: “Lấy tự học- tự đào tạo làm trung tâm”.
Trên đây là một số biện pháp nâng cao năng lực tự học cho học sinh, song còn nhiều khía cạnh khác tôi chưa có điều kiện đề cập tới, rất mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí. Xin chân thành cảm ơn.