Từ những ngày đầu nhận được chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, cả nhóm nhận thức rõ đây là một nhiệm vụ quan trọng. Do vậy nhóm thường xuyên trao đổi để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của mình. Để có tiết giảng thực sự theo phương pháp đổi mới, mỗi khi có tiết phân công thao giảng, dạy mẫu, hay chỉ đơn giản là khi việc soạn giảng gặp khó khăn trong thiết kế bài giảng là cả nhóm lại cùng nhau họp lại để bàn bạc, đưa ra các ý tưởng thiết kế bài giảng và phương pháp hợp lý nhằm đáp ứng được yêu cầu về đổi mới phương pháp cũng như kĩ thuật dạy học tích cực.
Vào tuần đầu tháng 10/2014 nhóm Hóa học trường PT Vùng cao Việt Bắc do dồng chí Đoàn Minh Đức đại diện đã tiến hành tiết thao giảng trước toàn thể hội đồng giáo dục nhà trường. Tiết học đã thu hút được hứng thú học tập của các em lớp 11A2 qua chủ đề: “Tính chất hóa học của axit nitric”.
Ban đầu nhóm đưa ra ý tưởng dạy theo dự án, sử dụng kỹ thuật khăn trải bàn, góc … Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên, dự án hay khăn trải bàn không phù hợp cho chủ đề của bộ môn thực nghiệm này, do vậy nhóm cùng thống nhất lại và quyết định soạn giảng theo phương pháp “Góc” mà đồng chí Đức đưa ra.
Học theo “Góc” còn được gọi là “Trạm học tập” hay “Trung tâm học tập” là một phương pháp dạy học theo đó học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học nhưng cùng hướng tới chiếm lĩnh một nội dung học tập theo các phong cách học khác nhau.
Việc phân chia các góc theo các phong cách và nội dung học tập có thể linh hoạt tổ chức 2, 3 hoặc 4 góc tùy theo điều kiện và nội dung học tập.
Tiết giảng đã cuốn hút người nghe ngay từ những phút đầu tiên bởi câu hỏi của Thầy: “Các em có mong muốn điều gì trong tiết học ngày hôm nay?” sau khi kiểm tra bài cũ với việc yêu cầu học sinh trình bày sơ đồ tư duy về tính chất hóa học của axit nitric.
Câu hỏi đã thể hiện được việc “Dạy theo nhu cầu người học”. Sau khi nhận được thông tin trả lời từ phía trò, thầy nhẹ nhàng đi vào nội dung chính của bài qua chính sơ đồ tư duy mà các em vừa trình bày.
Với phương pháp góc, Thầy khéo léo chia học sinh ra làm ba nhóm, mỗi nhóm làm chủ một “trạm học tập” riêng và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau mà thầy giao thông qua phiếu học tâp (Do đặc thù của bộ môn cũng như để thuận lợi cho bài giảng thầy Đức đã lồng ghép hai góc phân tích và áp dụng làm một).
Cơ hội “Phân tích- Áp dụng”, “Quan sát”, ‘Trải nghiệm”, được mở ra cho các nhóm. Cụ thể :
+ Góc 1: Phân tích - áp dụng (Học sinh hoàn thành phiếu học tập số 1 tổng hợp kiến thức về hiểu biết của mình về tính chất axit Nitric)
+ Góc 2: Quan sát (Nhóm quan sát các video clip đã được thầy giáo chuẩn bị sẵn về các thí nghiệm đã làm thể hiện tính chất của axit nitric- học sinh xem theo phiếu hướng dẫn và hoàn thiện phiếu học tập số 2)
+ Góc 3: Trải nghiệm (Được tự mình làm các thí nghiệm chứng minh tính chất của axit nitric để lần nữa khẳng định điều mình đã đọc, đã xem là đúng-học sinh theo phiếu hướng dẫn và hoàn thiện phiếu học tập số 3)
Việc phân thành các nhóm học sinh để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bài học tại các góc đã giúp học sinh năng động hơn trong giờ thực nghiệm. Hơn nữa học sinh cùng lúc thực hiện được một nhiệm vụ chính và hai nhiệm vụ phụ bổ sung hiểu biết thêm cho nhiệm vụ chính.
Sau khi luân chuyển hết qua các góc: Góc phân tích - Góc quan sát - Góc trải nghiệm, các nhóm cử đại diện lên trình bày ý tưởng của mình. Khi nghe các nhóm trình bày ý tưởng chính xong, các nhóm khác nghe, bàn bạc và tìm ra câu hỏi, đặt ra thắc mắc của nhóm và yêu cầu nhóm khác giải đáp.
Để có thể giải đáp được các nhóm phải có sự chuẩn bị kĩ về kiến thức của mình. Điều này giúp học sinh có cơ hội để phát triển năng lực thuyết trình trước đám đông.
Dựa trên những phân tích của học sinh sau khi nghiên cứu nội dung ở các “trạm” thầy Đức rất khéo khép lại bài giảng với việc củng cố bằng những câu hỏi trắc nghiệm rất thực tế như thông qua việc giới thiệu mưa axit - một hiện tượng rất tự nhiên - đã giải thích được những pho tượng bằng kim loại để lâu ngoài trời bị vết gỉ, vết ố.
Qua hoạt động này, học sinh được chủ động hơn trong việc lĩnh hội kiến thức. Các em vừa được trải nghiệm thực tế khi làm thí nghiệm, vừa được phát triển năng lực làm việc nhóm, vừa học cách đánh giá lẫn nhau và đánh gía bản thân.
Đây là một giờ học được thầy Đức và nhóm Hóa chuẩn bị rất chu đáo. Chúng tôi hy vọng thông qua những tiết giảng đổi mới phương pháp này, học sinh sẽ thêm yêu bộ môn khoa học tưởng chừng khô khan mà rất lý thú từ đó có hướng học đúng đắn hơn góp phần vào việc nâng cao bảng vàng thành tích của môn Hóa học trong nhà trường.
Tiết giảng đã cho tôi học hỏi rất nhiều điều bổ ích từ phong cách, thái độ giảng dạy, cách soạn giảng và đặc biệt lượng kiến thức chuyên sâu mà thầy Đức đem đến trong bài học. Tôi luôn tự nhủ rằng mình sẽ phải cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa để có thể mang đến những giờ giảng như trên cho học trò của tôi - Học sinh VCVB thân yêu.