PHẤN TRẮNG, BẢNG ĐEN, TÓC THẦY
Lương Kim Dung - Giáo viên Văn
Không phải tất cả các thầy giáo cô giáo đều là nhà bác học hay nhà lãnh đạo. Nhưng không có nhà khoa học hay nhà lãnh đạo nào lại không có những người thầy của mình. Ai cũng một thời cắp sách đến trường. Những ngày đến trường, bảng đen, phấn trắng, chiếc bàn ngồi viết và người thầy là những sự vật và con người gần gũi thân thương để lại trong tâm trí những kỉ niệm khó phai mờ.
Ca từ bài hát "Bụi phấn" của nhạc sĩ Đỗ Hoàng là một trong những tác phẩm nói lên những kỉ niệm sâu sắc về những điều giản dị ấy và gợi trong ta những xúc động sâu xa.
Khi thầy viết bảng
Bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng?
Có hạt bụi nào
Rơi trên tóc thầy?
Tác giả không trực tiếp khắc hoạ hình ảnh người thầy. Tuy vậy, thông qua sự cảm nhận của chủ thể trữ tình - người học trò, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên rõ nét.
Hai câu đầu, tác giả chấm phá khách thể: thầy viết bảng (cử chỉ, hành động) bụi phấn rơi, tóc thầy trắng (kết quả). Phấn trắng, tóc bạc tương phản với bảng đen. Hình tượng người thầy hiện lên rõ nét trong con mắt của người trò với những nét rất tiêu biểu về người thầy đứng lớp.
Bốn câu thơ tiếp theo, thực chất là hai câu hỏi tu từ, biểu hiện tâm trạng chủ quan của nhân vật trữ tình. Từ những chi tiết nhỏ nhặt thường tình, tác giả đã mở ra cả một thế giới tâm hồn: Ấn tượng đẹp đẽ, trong sáng về người thầy, lòng tri ân sâu sắc và trách nhiệm, bổn phận của người trò đối với thầy. Câu hỏi tu từ đơn giản mà gây ấn tượng mạnh mẽ và xúc động sâu xa. Tác giả đã tạo được mối liên hệ lôgic: thầy viết bảng (hành động) bụi phấn rơi (kết quả) và chính kết quả đó đã làm tóc thầy bạc. Từ một chi tiết bề ngoài, người học trò nhận ra cái lôgic bên trong người thầy dốc toàn bộ công sức và tâm huyết của mình truyền kiến thức cho trò. Nhận ra điều đó, có nghĩa là trò đã tự mình tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với thầy.
Một thông điệp mới được mở ra:
Em yêu phút giây này
Thầy em tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn
Cho em bài học hay
Từ chi tiết thực tại bên ngoài, bụi phấn rơi trên mái tóc bạc của thầy, người học trò đã có một liên tưởng bên trong: Để có được "bài học hay" cho em, người thầy phải lao tâm khổ tứ, nghiền ngẫm với một thái độ nghiêm túc, trên nền tảng sự hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm nghề nghiệp dày dặn. Hình ảnh mái tóc bạc của thầy “bạc thêm vì bụi phấn” do chính tay thầy viết ra gợi mở logic chiều sâu (hàm ẩn): Bài học hay bao gồm tri thức, tình cảm và đạo lý mà trò nhận được là sự kết tinh của công sức và tình cảm của của thầy. Để có bài học hay, thầy phải trả giá cả bằng mái tóc bạc - kết tinh của công sức và thời gian. Trò hiểu được điều đó cũng có nghĩa rằng trong lòng trò đã dấy lên niềm tri âm bắt nguồn từ đạo lý truyền thống của dân tộc: tôn sư trọng đạo.
Ca từ bài hát giản dị, hồn nhiên mà gợi nhiều cảm xúc và triết lý sâu xa.
Ca dao dân ca có nhiều câu nói lên tình cảm thầy trò như thế:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Và cả các nhà thơ hiện đại dù ở đâu và trên cương vị nào cũng đều lưu giữ trong tâm trí hình ảnh người thầy với nét đơn sơ, gần gũi nhưng rất xúc động:
Phấn trắng , bảng đen, trường sơ tán
Đồi tranh thưa tiếng em hát nao lòng
Con đi suốt cuộc đời chiến trận
Mái tóc trắng của thầy toả mát một dòng sông!
(Thanh Hải)
Năm tháng đi qua, bao lớp học trò đã trưởng thành, có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng trong kí ức sâu thẳm của mỗi người sẽ vẫn luôn lưu giữ hình ảnh người Thầy, người Cô của mình - những người đã ươm trồng những ước mơ xanh và thắp lên đốm lửa tri thức, hoài bão trong tương lai.