TRAO ĐỔI VỀ ÔN TẬP MÔN TOÁN
Cho ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học - Cao đẳng
Hàng năm, cứ đến tháng 5, khi hoa phượng nở đỏ rực rỡ trên các tán lá xanh, khi tiếng ve ngân dài như tiếng hát thân thương, cũng là lúc các bạn học sinh lớp 12 đang hết sức khẩn trương, chuyên cần chuẩn bị cho hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ. Và đó cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi con người.
Để phần nào giúp cho các bạn ôn tập tốt môn toán, chúng tôi xin được trao đổi một số vấn đề sau:
Về kiến thức:
Tuy đề thi tốt nghiệp trọng tâm rơi vào chương trình lớp 12 nhưng không vì thế mà ta bỏ qua kiến thức lớp 10,11.Thực chất, chúng có quan hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn: Khảo sát hàm số liên quan đến đạo hàm lớp 11, tích phân hàm lượng giác liên quan đến các công thức biến đổi lượng giác... Do đó, ngoài việc nắm chắc kiến thức Toán 12, ta vẫn phải xem lại kiến thức Toán 10, 11( Đề thi TSĐH rải tương đối đều 3 khối). Người học không nên học “tủ” vì nếu “tủ” lệch thì ...nguy hiểm đấy!
Về kĩ năng:
Các bạn nên thành thạo một số loại bài tập cơ bản sau đây:
Khảo sát hàm số:
+ Câu hỏi phụ: Viết phương trình tiếp tuyến tại điểm thuộc đồ thị, tiếp tuyến đi qua một điểm, biện luận phương trình, đồng biến, nghịch biến, cực trị...
Phương trình, bất phương trình mũ, lôga: Đưa về cùng một cơ số, đặt ẩn phụ...
Số phức: có kĩ năng tính toán.
Có kĩ năng vẽ hình và giải một số bài toán cơ bản về tính thể tích, diện tích của đa diện và khối tròn.
Một số bài toán cơ bản về lập phương trình mặt phẳng, đường thẳng thoả mãn một vài điều kiện cho trước.
Khi giải bài tập trong SGK và sách tham khảo các bạn nên tự giải trước( nhằm rèn luyện tư duy, kĩ năng, lập luận) rồi mới so sánh cách giải, kết quả và lời giải có sẵn.
Những chú ý khi làm bài thi:
Chọn những bài, ý dễ, quen biết làm trước. Bài lạ, khó làm sau.
Khi giải bài cần trình bày theo đúng thứ tự các bước mà SGK và giáo viên đã hướng dẫn, không làm tắt, làm ẩu. Khi trình bày vào bài thi cần chính xác, sạch, đẹp. Đặc biệt, cần quan tâm đến cách lập luận sao cho ngắn gọn, đủ ý và dễ hiểu. Trong thực tế, có những học sinh khá, giỏi nhưng trình bày không rõ, lời giải quá tắt, quá ẩu nên kết quả toàn bài không cao.
Nên phân bố thời gian hợp lí cho toàn bài, không nên giải một bài nào đó quá lâu sẽ ảnh hưởng đến các phần khác.
Trong bài thi không dùng hai loại mực, không dùng bút chì hoặc bút đỏ để vẽ hình hoặc đồ thị. Không dùng bút tẩy để tẩy xoá những chỗ sai hoặc chỗ bỏ( thói quen lâu nay của học trò trong các bài kiểm tra trên lớp)
Dẫu biết rằng trên lớp, hằng ngày, các thầy cô giáo cũng đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, song chúng tôi vẫn mong muốn mấy lời trên đây được là những hạt cát trải trên con đường các bạn tiến “về đích”.
Chúc các bạn hoàn thành thật tốt hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – CĐ sắp tới.
Các bạn có thể tham khảo thêm:
Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn toán - Bộ GD&ĐT.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp - Nguyễn Việt Hà.
Hướng dẫn ôn tập môn toán 12 (Tài liệu lưu hành nội bộ) - Trần Hải, Nguyễn Việt Hà – Nhóm GV 12.