Trong những năm gần đây, Bộ giáo dục và đào tạo đã đưa nội dung giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vào chỉ thị về nhiệm vụ năm học. Tuy nhiên, chương trình giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc tích hợp với giảng dạy các bộ môn: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử…
Một tiết học chỉ có 45 phút, vừa phải đảm bảo nội dung kiến thức cơ bản, vừa lồng ghép do vậy hiệu quả giáo dục các giá trị sống và rèn kỹ năng sống chưa cao. Bên cạnh đó giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống còn được lồng ghép vào các hoạt động ngoài giờ, các hoạt động đoàn đội ... và đặc biệt là lồng ghép vào các giờ sinh hoạt lớp. Chính vì vậy mà vai trò của người giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh càng thực sự cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng nhất là khi mà môn Giáo dục kỹ năng sống và rèn luyện kỹ năng sống vẫn chưa được đưa vào chương trình như một môn học chính khóa.
Giá trị cuộc sống (hay giá trị sống) là những điều mà chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để mỗi người phấn đấu hết mình để đạt được nó. Có 12 giá trị sống được coi là giá trị đích thực đó là: Hoà bình, tôn trọng, hợp tác, đoàn kết, trách nhiệm, khoan dung, khiêm tốn, giản dị, trung thực, yêu thương, tự do và hạnh phúc. Những giá trị này hầu hết các em đã được học trong bộ môn giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 12.
Tuy nhiên từ kiến thức lý thuyết đến thực tiễn cuộc sống thực sự là một khoảng cách khá xa, chính vì vậy với các em học sinh học ở các trường dân tộc nội trú, xa nhà, xa gia đình việc đưa những giá trị đó trở thành gốc rễ cho cuộc sống của các em ngày càng cần thiết. Thiếu nền tảng giá trị sống vững chắc, các em học sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi những giá trị hoa mĩ của vật chất, không biết cách tôn trọng bản thân và người khác, không biết cách hợp tác, không biết cách xây dựng và duy trì tình đoàn kết trong các mối quan hệ kể cả với bản thân cũng như với người khác, không biết cách thích ứng trước những đổi thay của môi trường xã hội vốn rất khắc nghiệt và rồi coi đó chính là những mục đích sống của bản thân mình, đôi khi dẫn đến các kiểu hành vi thiếu trung thực, không hợp tác, vị kỷ cá nhân, thiếu tôn trọng cuộc sống của chính mình. Vì vậy trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không được trang bị sẵn vốn sống, chúng ta khó có thể ứng phó sao cho tích cực nhất khi phải đối mặt trước những tình huống thử thách, hoặc sẽ dễ dàng bị sa ngã, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường sống.
Giá trị sống mang tính cá nhân, không phải giá trị sống của mọi người đều giống nhau. Có người quan niệm rằng cuộc sống phải có tiền tài, địa vị… "Có tiền là có tất cả". Có người cho rằng cuộc sống cần phải có nhân, có đức, có tình yêu thương mới là điều quý giá nhất trên đời. Có người coi trọng lòng trung thực, sự bình yên, có người coi trọng hạnh phúc, sự thủy chung… Như vậy giáo dục giá trị sống là giúp cho mỗi học sinh tìm ra giá trị của chính bản thân mình, để biết mình là ai trong xã hội này. Có quan niệm cho rằng nói: “Khó nhất là cách nghĩ và nhìn nhận về chính mình”. Mỗi con người nếu sống không có mục đích, không biết mình là ai, thì cuộc sống đó thực sự vô nghĩa. Trên thực tết người ta chỉ nhận ra giá trị của bản thân khi thời gian đã trôi đi.
Kỹ năng sống là những kỹ năng cần thiết để có những hành vi lành mạnh, tích cực giúp cho mỗi người đối mặt với những thức thách của cuộc sống hàng ngày. Theo tác giả Nguyễn Thị Oanh trong cuốn “Kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên” của nhà xuất bản Trẻ) thì tỏ chức WHO (1993) đã định nghĩa: “Kỹ năng sống chính là “Năng lực tâm lý xã hội”, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Đó cũng là khả năng của một cá nhân để duy trì một trạng thái khoẻ mạnh về mặt tinh thần, biểu hiện qua hành vi phù hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh. Năng lực tâm lý xã hội có vai trò quan trọng trong việc phát huy sức khoẻ theo nghĩa rộng nhất về mặt thể chất, tinh thần và xã hội. Kỹ năng sống là khả năng thể hiện, thực thi năng lực tâm lý xã hội này”.
Với học sinh bậc trung học phổ thông có 10 kỹ năng sống quan trọng cần được rèn luyện trong thời gian sắp tới: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng duy trì các mối quan hệ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng thiết lập mục tiêu, suy nghĩ tích cực, kiểm soát tình cảm, phát triển lòng tự trọng, tránh áp lực từ bạn bè, kĩ năng xác định giá trị bản thân … với tinh thần: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định…
Như vậy với mỗi học sinh trung học PT nói chung và học sinh dân tộc nội trú nói riêng chỉ có kiến thức thôi chưa đủ để mỗi con người sống tốt đẹp hơn. Điều quan trọng hơn là từ những kiến thức đã có, con người cần xác định đúng đắn giá trị sống và rèn luyện những kĩ năng sống phù hợp. Giá trị sống đúng đắn, kĩ năng sống phù hợp sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt và có lối sống lành mạnh hơn. Bên cạnh việc học cách để làm nhằm chuẩn bị mưu sinh cho cuộc sống, con người cũng cần biết nên sống ra sao. Nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ, làm thế nào để thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh, mỗi con người sẽ biết cách sử dụng nguồn tri thức sao cho hợp lý, mang lại lợi cho bản thân và cho xã hội.
Người giáo viên chủ nhiệm trong trường dân tộc nội trú với vai trò rất quan trọng là thay cha, mẹ các em, vừa quản lý các em học tập tiếp thu tri thức vừa giáo dục giá trị sống cho các em. Vậy người giáo viên chủ nhiệm phải làm gì để vừa giáo dục được giá trị sống vừa rèn kỹ năng sống cho các en học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi nhất với các em học sinh, thay cha mẹ các em trong cuộc sống tập thể xa nhà, giáo viên chủ nhiệm cũng chính là những người những người bạn tâm tình chia sẻ tâm tư tình cảm với các em học sinh, là người tổ chức cho các em các hoạt động tập thể, là cố vấn cho các hoạt động Đoàn. Giáo viên chủ nhiệm cần sáng tạo để tích hợp giáo dục giá trị sống và rèn luyện kỹ năng sống trong các hoạt động tập thể, các giờ sinh hoạt lớp theo một kịch bản linh hoạt. GVCN phát huy các phương pháp giáo dục truyền thống, chủ động và tích cực, cởi mở tiếp thu cái mới, chủ động kết hợp với các phương pháp tích cực:
+ Tổ chức vui chơi nhẹ nhàng, sinh động mà gần gũi để tạo không khí vui vẻ, sảng khoái tinh thần, đoàn kết thân ái trong tập thể … Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học trò mình về một giờ sinh hoạt lý tưởng.
+ Tích cực và chủ động đa dạng hóa nội dung và hình thức sinh hoạt, phát huy khả năng từng cá nhân và nhấn mạnh trò của tập thể, để học sinh thấy được và luôn phát huy khả năng phối hợp của nhóm trong khi giải quyết các vấn đề.
Ví dụ: Giáo viên chủ nhiệm tổ chức một buổi sinh hoạt theo hình thức thi gấp quần áo nhanh tại các phòng ở nhằm giáo dục cho học sinh nếp ăn ở gọn gàng ngăn nắp, ý thức, thói quen văn minh tại nơi ở. Tại nhà ăn tập thể giáo viên chủ nhiệm có thể tham gia cùng các em một trò chơi đơn giản để giúp các em nhận biết được thế nào là ăn trông nồi, ngồi trông hướng, con gái thì khi ăn ăn như thế nào, cách cầm bát, đũa, cách gắp rau, gắp thịt… như thế nào? Tại sao cha ông ta lại nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” … Thông qua một bài hát vui nhộn “Con chim vành khuyên” giáo viên chủ nhiệm có thể giáo dục các em cách chào hỏi “lời chào cao hơn mâm cỗ” như thế nào…Giáo viên chủ nhiệm cùng các em học sinh tổ chức các bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ, vui vẻ giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ và quan tâm tới nhau trong cuộc sống tập thể…
Giáo viên chủ nhiêm giỏi là người biết cuốn hút học sinh, biết cảm hóa học sinh chưa ngoan trở thành những con người có ích cho tập thể. Qua thực tiễn tại trường PT Vùng Cao Việt Bắc thì không ít các thầy cô giáo chủ nhiệm đã thành công trong công tác giáo dục học sinh cá biệt, có những em đã từng đánh nhau với bố dượng của mình và tuyên bố rằng không có người cha như vậy nhưng nhờ công tác giáo dục của thầy cô chủ nhiệm em đã biết lỗi và nói lời xin lỗi bố dượng, và giờ này lại là một thày giáo giỏi. Có em từng vi phạm rất nhiều khuyết điểm nhưng giáo viên chủ nhiệm biết khai thác đúng năng lực, tài năng tiềm ẩn trong con người em để giúp em toại nguyện với mơ ước của mình. Điều quan trọng hơn cả là người giáo viên chủ nhiệm biết giúp đỡ các em nhận ra giá trị sống đích thực.
Trong môi trường nội trú người giáo viên chủ nhiệm chính là vị thủ lĩnh tinh thần làm điểm tựa để tạo ra một tập thể lớp năng động, sáng tạo, biết học hết mình và chơi hết mình. Một tập thể lớp năng động sẽ tạo ra rất nhiều thành viên năng động và sáng tạo chính vì vậy mà giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò thổi lửa để các em tự khẳng định được mình. Với vai trò đó giáo viên chủ nhiệm sẽ tạo ra được động lực thi đua, tạo môi trường thân thiện giữa cô và trò, giữa các thành viên trong tập thể. Như vậy việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống thông qua hoạt động của giáo viên chủ nhiệm sẽ giúp hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh, tạo cho các em tự tin hơn khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc sống, cùng với hành trang tri thức các emvững bước vào tương lai.