VAI TRÒ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP TRONG TRƯỜNG DTNT
Ths. Hoàng Thị Đặng
1- Vai trò của việc lập kế hoạch công tác chủ nhiệm.
Để đạt kết quả cao trong công tác chủ nhiệm, một trong những điều kiện hết sức quan trọng là giáo viên chủ nhiệm phải làm việc theo kế hoạch có tính khoa học. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, kế hoạch chủ nhiệm là kết quả sáng tạo của mỗi giáo viên chủ nhiệm, nó phản ánh năng lực thiết kế , dự đoán của mỗi giáo viên khi làm công tác chủ nhiệm, không chỉ vậy, kế hoạch chủ nhiệm còn đóng vai trò như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của một tập thể lớp. muốn có một bản kế hoạch đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn, khả năng thực thi cao, yêu cầu người lập kế hoạch cần tuân thủ theo các bước cần thiết sau đây.
2- Các bước thực hiện
a. Tìm hiểu tình hình chung của lớp (hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lí, khả năng nhận thức)
Có thể nói việc tìm hiểu đặc điểm tình hình chung của lớp là bước rất quan trọng và không thể thiếu của một bản kế hoạch chủ nhiệm, bởi lẽ qua đó giúp giáo viên chủ nhiệm có cơ sở thực tiễn, khoa học trước khi lập kế hoạch. Việc làm này có ý nghĩa quyết định tới kết quả học tập và rèn luyện của tập thể học sinh.
b. Quán triệt sâu sắc kế hoạch năm học của nhà trường
Trên cơ sở nắm bắt tình hình của lớp, khi lập kế hoạch , giáo viên chủ nhiệm cần thấm nhuần sâu sắc các nhiệm vụ, mục tiêu của nhà trường trong từng năm học. Việc xác định, quán triệt tốt mục tiêu nhiệm vụ năm học của nhà trường có tầm quan trọng hàng đầu đối với bản kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp. Nếu không, bản kế hoạch chủ nhiệm sẽ phi khoa học, không thực tiễn, vì theo chúng tôi : Lớp chịu sự chỉ đạo của nhà trường, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm học do nhà trường đề ra. Thực chất kế hoạch chủ nhiệmlớp là biểu hiện sự chi tiết cụ thể hóa kế hoạch của nhà trường.
c. Lập kế hoạch
Căn cứ đặc điểm tình hình lớp,kế hoạch của nhà trường, giáo viên tiến hành lập kế hoạch .Yêu cầu kế hoạch cần cụ thể sát với thực tế của lớp, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục của nhà trường xã hội. Kế hoạch cần bám sát chủ đề năm học, học kì, từng tháng, từng tuần. Trong quá trình thực hiện kế hoạch phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc, giáo điều.
Bản kế hoạch chủ nhiệm cần đảm bảo các nội dung sau:
- Công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh.
- Xây dựng nề nếp trong học tập và sinh hoạt.
- Xây dựng phong trào thi đua, tổng kết, khen thưởng.
- Hoạt động giáo dục ngoài lớp.
- Giáo dục cá biệt, giáo dục nếp sống tập thể bồi dưỡng nhân tố tích cực.
- Giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh.
- Có kế hoạch tuần, tháng, học kỳ …
d. Công bố kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện
- Bước thứ nhất, công bố kế hoạch: Sau khi lập kế hoạch, giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức họp cán bộ lớp, đoàn, thông qua kế hoạch hoạt động của lớp trong năm học, đề ra các biện pháp thực hiện.
- Bước tiếp theo, tổ chức họp lớp, giáo viên chủ nhiệm thông qua kế hoạch, chỉ đạo các tổ lập kế hoạch thực hiện, tổ chức hướng dẫn học sinh làm cam kết và đăng kí thi đua trong năm học. Giáo viên cần thông qua tập thể lớp đề ra những yêu cầu rèn luyện, học tập đối với học sinh, xây dựng dư luận lành mạnh, làm cho học sinh ý thức được nghĩa vụ học tập và rèn luyện của mình, xác định động cơ học tập đúng đắn, thái độ học tập trung thực, tìm tòi các phương pháp học tập tích cực để đạt kết quả cao nhất.
e. Kiểm tra thực hiện kế hoạch
Kiểm tra thực hiện kế hoạch là bước rất quan trọng trong kế hoạch chủ nhiệm lớp. Nó thể hiện tính thực tiễn của bản kế hoạch. Việc kiểm tra phải diễn ra thường xuyên theo đúng kế hoạch tuần, tháng, học kì. Kiểm tra thường xuyên giúp giáo viên chủ nhiệm phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện và kịp thời uốn nắn điều chỉnh, bổ sung cho bản kế hoạch đầy đủ hơn. Có như vậy kế hoạch chủ nhiệm mới đảm bảo những mục tiêu giáo dục của nhà trường.
f. Đánh giá
Đây là bước quan trọng, không thể thiếu, là khâu cuối cùng trong bản kế hoạch, là thước đo giá trị khoa học và thực tiễn kế hoạch chủ nhiệm của tập thể lớp. Vì vậy trong quá trình đánh giá cần chi tiết, khách quan, thấy rõ những việc đã làm được và những việc chưa làm được, đồng thời tìm hiểu rõ nguyên nhân và hướng khắc phục.
3- Một số kinh nghiệm thực tiễn
Trong những năm qua, tôi rất vinh dự được nhà trường giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm: lớp C3 – k38; A9 – k 41; A7 – k 43; A8 – k48; A2 – k50. Có thể nói thời gian làm công tác chủ nhiệm chưa phải là nhiều, kinh nghiệm cũng chưa thể nói là hay, tuy nhiên qua công tác chủ nhiệm chúng tôi tự rút ra một vài kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cần đánh giá đúng đắn vai trò và tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chủ nhiệm. Kế hoạch phải cụ thể, sát với thực tế của từng lớp, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng những yêu cầu mục tiêu giáo dục của nhà trường và xã hội.
Thứ hai, kế hoạch cần bám sát chủ đề năm học, học kì, từng tháng, từng tuần, phải đảm bảo đầy đủ các nội dung: Đức, trí, thể, Mĩ, lao động, hướng nghiệp.
Thứ ba, để làm tốt công tác chủ nhiệm, người giáo viên cần có các yếu tố sau:
- Yêu nghề, mến trẻ gắn bó với sự nghiệp giáo dục học sinh dân tộc
- Có tinh thần trách nhiệm cao, tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu
- Sống mẫu mực, trung thực, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
- Làm việc tận tụy, khoa học. Đánh giá học sinh phải chính xác, công bằng, tạo niềm tin tuyệt đối với học sinh, được học sinh tin yêu.
- Khích lệ những thành tích, kết quả của các em, chia xẻ buồn vui với các em trong cuộc sống.
- Dành nhiều thời gian cho công tác chủ nhiệm. Coi các em như con em ruột thịt của mình.
Trong những năm qua, công tác chủ nhiệm ở trường PT Vùng cao Việt Bắc đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Có nhiều lớp đạt danh hiệu tập thể lớp tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, có nhiều tấm gương điển hình trong học tập, rèn luyện, đặc biệt có những em do học tập và rèn luyện tốt nên đã thi đỗ hai trường đại học, được công nhận đoàn viên ưu tú và được kết nạp Đảng trong trường phổ thông, như em Lý Đức Hiền học sinh lớp 12 A1 k49. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao, kế hoạch hoạt động khoa học của Đảng ủy, BGH nhà trường, sự đoàn kết nhất trí của toàn thể cán bộ - giáo viên, một tập thể gắn bó, trí tuệ, làm việc hết lòng vì học sinh các dân tộc thân yêu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành công như vậy chính là công tác chủ nhiệm lớp, trong đó đặc biệt quan trong là việc lập kế hoạch hoạt động cho công tác nhủ nhiệm. Đây cũng là vấn đề để chúng ta cần quan tâm, chia sẻ để công tác chủ nhiệm ngày càng hoàn thiện hơn.