Là một người con của mảnh đất Ngân Sơn - Bắc Kạn, những tháng ngày là là học sinh THCS, đã không ít lần em tự hỏi mình rằng: “Biết bao giờ, mình mới được đặt chân đến Thái Nguyên - một tỉnh thành mà em chỉ được nghe qua lời giảng của các thầy cô giáo”. Hay “Cần nỗ lực như nào, mình mới được trở thành học sinh của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc?”. Và thật may mắn, tự hào xiết bao, khi ngày hôm nay, bản thân em đã tự mình trả lời được câu hỏi đó.
Trong những tháng ngày được học tập dưới mái ấm Vùng cao, chúng em đã có cơ hội được tiếp nhận những tri thức vô cùng bổ ích, thú vị thông qua các hoạt động dạy học ở trên lớp, các hoạt động ngoài giờ, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tham quan thực tế, trong lòng Thành phố Thái Nguyên.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong lòng em dường như vẫn nhớ như in, những cảm giác háo hức, tự hào khi được đặt chân đến hai chứng tích lịch sử của Thái Nguyên, đó là “Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” và “Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915 - Đội 91 Bắc Thái”.
Theo kế hoạch học tập môn Giáo dục địa phương của nhà trường, vào ngày 11/10/2024, tập thể lớp 10C3 chúng em đã có cơ hội được đặt chân đến hai “chứng tích” lịch sử ấy.
Trong những bước chân đến địa điểm tham quan học tập thứ nhất - Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915 - Đội 91 Bắc Thái, không chỉ riêng em mà các bạn trong lớp, ai cũng đều có một cảm giác tự hào lớn lao.
Đầu tiên, chúng em đã thành kính gửi đến những chiến sĩ Thanh niên xung phong đã có công lao với dân tộc bằng những nén hương thơm với lòng biết ơn sâu sắc. Trong khoảnh khắc mặc niệm thiêng liêng, niềm xúc động, tự hào, ý thức rằng được sinh ra trong thời bình khiến cho chúng em rưng rưng thật khó diễn tả.
Sau khi thành kính thắp nén nhang thơm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tập thể 10C3 chúng em, tiến sâu hơn vào những khu vực trưng bày xung quanh, để được thấu hiểu thêm những trang sử hào hùng của dân tộc mà cha anh ta đã dày công xây đắp.
Càng đi sâu vào bên trong khu di tích, bản thân em lại càng ý thức sâu sắc giá trị của hai từ: hi sinh và hoà bình. Từ đó, thấm nhuần hơn bài giảng của thầy cô: “Những tuổi 20 làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”. Quả thực vậy, các anh, các chị thanh niên xung phong nơi đây, chính là minh chứng đanh thép cho những vần thơ ý nghĩa đó. Có thể nói, 60 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, dù ở những độ tuổi khác nhau, nhưng cùng chung một lòng nồng nàn yêu nước, đã hi sinh anh dũng không tiếc đời mình, đúng như khẩu hiệu: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”.
Chúng em được cô hướng dẫn viên dẫn lối tới khu trưng bày “đầu kéo của xe lửa” và tham quan phía trong hầm chính. Nơi đây là căn cứ để các thanh niên xung phong ẩn nấp, khi bom đạn rải đầy trời. Tập thể lớp chúng em xúc động, chăm chú lắng nghe câu chuyện về đêm Noel năm ấy. Ấn tượng nhất trong em khi đến đây, là trên đầu kéo xe lửa có dòng chữ "Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Em có một niềm tin, niềm cảm phục mãnh liệt khi ngắm nhìn những dòng chữ ấy! Có lẽ không chỉ riêng em, mà bất cứ ai cũng rất cảm kích và tự hào, bởi sự quyết tâm, đồng lòng của thế hệ cha anh, đã luôn kiên cường, bất khuất, vì miền Nam phía trước, vì đồng bào cả nước thân yêu.
Dù các anh, cách chị thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, nhưng những hình ảnh và chiến công vẫn trường tồn vang mãi. Sự hy sinh ấy khiến cho chúng em cảm thấy thật cảm phục, nhưng vô cùng biết ơn, tự hào và đó cũng sẽ là động lực để cho chúng em học tập, rèn luyện, để xứng đáng trở thành những công dân có ích cho xã hội, xứng đáng với nền độc lập, tự do, hoà bình mà cha anh đã hi sinh để giành lại cho dân tộc Việt Nam.
Kết thúc chuyến tham quan tại địa điểm thứ nhất, lớp chúng em tiếp tục được di chuyển đến địa điểm tham quan thứ hai - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Được tọa lạc tại số 1 - Đội Cấn, Thành phố Thái Nguyên, đây là một công trình kiến trúc với quy mô, tầm cỡ, mang tính nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Với vị trí thuận lợi ngay giữa trung tâm thành phố, Bảo tàng là nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội, hay các hoạt động nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên nói chung cũng như cả nước nói riêng.
Ấn tượng đầu tiên khi tới sảnh, chính là ảnh phù điêu được chạm khắc tinh tế thể hiện các hoạt động văn hóa lễ hội của các dân tộc Việt Nam từ Bắc đến Nam, nêu cao tinh thần gắn bó, đoàn kết, chung sống hài hoà và cùng nhau phát triển, của các dân tộc.
Bước chân tới các phòng trưng bày của các nhóm dân tộc khác nhau, chúng em đã có thêm cái nhìn đa dạng hơn, trực quan hơn về 54 dân tộc anh em trong lãnh thổ Việt Nam. Mỗi một dân tộc, đều mang những nét văn hóa riêng biệt về trang phục, lối sống, văn hóa ẩm thực... Song tất cả những dân tộc ấy đều mang trong mình một đặc điểm chung, đó chính là tinh thần đoàn kết, yêu nước, lòng tự hào và tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc anh em.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, giống như một “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng, chúng em hiểu rõ hơn về văn hoá của các dân tộc Việt Nam, qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc mình và dân tộc bạn; góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay!
Khép lại chuyến học tập trải nghiệm, chúng em đã tích luỹ được thêm nhiều tri thức về giáo dục địa phương, văn học, lịch sử… Bên cạnh đó, chúng em càng thêm tự hào, hãnh diện về những nét văn hóa của dân tộc mình, của quê hương mình. Để giờ đây khi quay trở lại mái ấm Vùng cao học tập, chúng em sẽ không bao giờ quên đi những trang vàng lịch sử, những đặc trưng văn hoá phong phú đa dạng của dân tộc, đất nước…, sẽ luôn lấy đó làm nền tảng, niềm tin, động lực để học tập và rèn luyện tốt hơn mỗi ngày.