TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC – CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN CỦA HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng tôi về thăm lại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc ở xã Thịnh Đán (Thái Nguyên) - ngôi trường vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong quá trình phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của trường luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, đoàn kết, gắn bó một lòng, dù khó khăn đến đâu vẫn thi đua dạy thật tốt, học thật tốt.
Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc được thành lập từ năm 1957, tiền thân là trường thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho các tỉnh miền núi phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra), gồm 3 hệ: Dự bị đại học dân tộc, phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông đặc biệt.
Cách đây 46 năm, vào ngày 13/3/1960, lần đầu tiên tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Tại đây, Người đã căn dặn các em học sinh "Phải chịu khó học tập, phải ngoan ngoãn nghe lời thày cô dạy bảo để sau này có khả năng xây dựng bản làng, đất nước. Các cháu thuộc nhiều dân tộc, nhiều địa phương khác nhau càng phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà".
Bác cũng thân ái căn dặn các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức nhà trường "Phải chăm sóc các cháu như người cha, người mẹ, người anh, người chị của các cháu. Học sinh là mầm non tươi xanh của các dân tộc, phải có tình thương yêu dạy dỗ các cháu, phải chú ý đến đời sống, sức khỏe của các cháu, làm sao cho các mầm non đó ngày càng phát triển, sau này các cháu sẽ trở thành cán bộ tốt của các dân tộc, của đất nước...".
Trải qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của trường luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, đoàn kết, gắn bó một lòng, dù khó khăn đến đâu vẫn thi đua dạy thật tốt, học thật tốt và nuôi thật tốt. Trường hiện có gần 2.000 học sinh, sinh viên, trong đó 230 sinh viên theo học hệ dự bị đại học, gần 1.600 học sinh hệ phổ thông dân tộc nội trú và gần 170 học sinh theo học hệ phổ thông đặc biệt (thuộc 29 dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc).
Thạc sĩ Định Thị Kim Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khó khăn lớn nhất của trường là phải tuyển học sinh người dân tộc thiểu số không qua thi tuyển nên trình độ của các em không đồng đều, năng lực tư duy yếu, mặt khác lại đa dạng về phong tục tập quán. Do vậy, để sau 3 năm học tại trường các em có một trình độ tương đương với học sinh vùng xuôi, thành phố, cả thầy và trò phải đòi hỏi một nỗ lực rất lớn".
Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định, bước đột phá đầu tiên là đổi mới việc dạy, học và nuôi dưỡng. Nhiều hoạt động được đổi mới, các đợt thi đua, các cuộc vận động được phát động trong suốt năm học như: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm“; “Tất cả vì học sinh dân tộc thân yêu“; “Vì ngày mai lập nghiệp”...
Trong 5 năm qua, nhà trường đã cử đi học và đào tạo được 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 14 đại học, 26 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 52 giáo viên giỏi cấp trường, 5 giáo viên được cử đi học lý luận chính trị cao cấp, 7 cán bộ học trường Quản lý cán bộ và trường Hành chính quốc gia, nhiều cán bộ còn được tham gia các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Nhà trường cũng đã áp dụng thành công đề tài nghiên cứu khoa học "Quản lý trường dân tộc nội trú" của nhà giáo nhân dân Nguyên Văn Đào, nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường với 12 giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Biện pháp quản lý này được toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhiệt tình hưởng ứng.
Qua những kết quả đạt được trong nhiều năm, trường phát triển hệ chuyên dân tộc nội trú, vì thế chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Năm 2003, trường được Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định giao thêm nhiệm vụ mở hệ dự bị đại học dân tộc. Tất cả 55 sinh viên của khoá đầu tiên đều tốt nghiệp và đủ điều kiện vào học thẳng các trường đại học.
Từ chỗ không có học sinh giỏi toàn diện và học sinh giỏi các cấp, 5 năm qua trường đã có 5-8% học sinh giỏi toàn diện, 128 học sinh giỏi cấp quốc gia, 567 học sinh giỏi cấp tỉnh và 925 học sinh giỏi cấp trường. Tỷ lệ học sinh lên lớp bình quân đạt 97,5%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 98%, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt gần 80%.
Từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị dạy học lạc hậu trong những ngày đầu thành lập, đến nay trường phổ thông vùng cao Việt Bắc đã có hệ thống trường lớp được xây dựng khang trang hiện đại, đảm bảo chỗ ăn ở cho trên 2.000 cán bộ, giáo viên và học sinh. Với sự nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ, các thầy cô giáo và học sinh, trường phổ thông vùng cao Việt Bắc đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc đang từng bước khẳng định là "Cánh chim đầu đàn của hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc".