Năm 2009 khép lại với những thành tích ấn tượng của thầy và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc. Đến nay, Nhà trường đã có 176 học sinh giỏi cấp quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 96-98%, trong đó 80% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Đoàn giáo viên Nhà trường tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đoạt giải nhất hội thi với 100% giáo viên đạt giải. Trong số 3 giáo viên xuất sắc nhất tỉnh Thái Nguyên, có 2 giáo viên của trường PT Vùng Cao Việt Bắc. Cũng trong năm 2009, Nhà trường vinh dự được Bộ Giáo dục - Đào tạo lựa chọn là đơn vị báo cáo điển hình tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị 39-CT/TW 2004-2009 về công tác đổi mới, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, nhân điển hình tiên tiến.
Nhìn lại hơn năm thập kỷ trước, năm 1957, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc được thành lập tại chiến khu Việt Bắc với nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng văn hóa chậm phát triển cho các tỉnh miền núi phía bắc. Là một mô hình giáo dục đặc thù, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo, từng bước đi lên vững chắc.
Từ năm 1987, Nhà trường được Bộ Giáo dục - Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo hệ Dự bị Đại học Dân tộc, tạo nguồn cán bộ, giáo viên cho các tỉnh miền núi phía bắc. Đến năm 2002, vùng tuyển sinh hệ Dự bị ĐHDT của Nhà trường phát triển tới hơn 20 trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, từ Quảng Bình trở ra.
Cho đến nay, từ mái trường PT Vùng Cao Việt Bắc hơn 13.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp ra trường. Những cánh chim được nâng niu, chăm sóc từ bàn tay các thầy cô giáo trường Vùng Cao đang tung bay khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ đem ánh sáng văn hóa đến những bản làng xa xôi mà nhiều người đã trở thành những cán bộ “Vừa hồng, vừa chuyên”. Sự trưởng thành của các thế hệ học sinh đã ngày càng nâng cao vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục cả nước.
Là một trường dân tộc nội trú đa hệ, đa dân tộc, không qua thi tuyển nên học sinh Trường PT Vùng Cao Việt Bắc có mặt bằng kiến thức đầu vào thấp, không đồng đều. Bên cạnh đó, các phần tử tiêu cực, chống phá luôn tìm cách lôi kéo, tác động xấu vào học sinh dân tộc ít người. Vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên Nhà trường phải có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề và một tầm nhìn sâu rộng. Vừa dạy chữ vừa rèn luyện nhân cách, bản lĩnh cho các em học sinh.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước tăng tốc phát triển, hội nhập quốc tế, vấn đề đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số càng đặt ra nhiều thách thức. Đáp ứng yêu cầu này, Nhà trường đã xây dựng chiến lược đổi mới toàn diện, từ chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, trang thiết bị dạy học… Trong đó, phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm là giải pháp quan trọng nhất nhằm phát huy tính tự giác, năng lực tự học hỏi, đem lại niềm vui và hứng thú học tập cho học sinh. Nhà trường luôn khuyến khích học sinh dự thi học sinh giỏi các cấp, tổ chức bồi dưỡng cho các em. Nhiều học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đại học lại được Nhà trường nhận về giảng dạy, làm tấm gương sáng và nguồn động lực phấn đấu cho các thế hệ học sinh kế tiếp.
Tập thể sư phạm Nhà trường ngày càng đổi mới, vững mạnh hơn. Quy chế dân chủ trong Nhà trường được phát huy, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao. Các cán bộ quản lý là những giáo viên có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, năng động, sáng tạo và có uy tín với đồng nghiệp. Phong trào học tập nâng cao trình độ được khuyến khích phát triển sâu rộng trong đội ngũ giáo viên, là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dạy và học của Nhà trường.
5 năm qua, tập thể Nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể liên tục đạt trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2009, Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Kim Phương - Hiệu trưởng Nhà trường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc.