BẢN TIN ĐOÀN THANH NIÊN
Các bạn ĐVTN thân mến!
Ngày 4 tháng 5 năm 2012 tại trường cao đẳng thương mại du lịch Thái Nguyên đã diễn ra hội thi “Học sinh, sinh viên giỏi các môn khoa học chính trị, lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” khối cao đẳng TCCN tỉnh Thái Nguyên năm 2012. Tham dự hội thi đội tuyển trường PT Vùng cao việt bắc gồm 5 em học sinh:
1.Mông thị Hằng- 10A1
2.Lâm Thùy Dương- DBB3
3.Nông Hoàng Tú Ngân- DBD
4.Ma Hồng Trang- DBA8
5.Lý Thị Thảo- DBA1
Và đã đạt 5 giải cá nhân xuất sắc được khen thưởng tại hội thi. Dưới đây là bài thi hùng biện của bạn Lâm Thùy Dương, chúng ta cùng tham khảo nhé.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người VN đẹp nhất, Vĩ đại nhất và người chính là biểu trưng cho một trình độ đạo đức mới trong văn hoá Việt . Trong tư tưởng đạo đức của mình, Hồ Chí Minh đã phát triển các giá trị đạo đức dân tộc, tiếp bước tinh hoa đạo đức nhân loại, xác lập nhiều chuẩn mực đạo đức mới trong văn hoá Việt Nam. Chính điều đó đã làm nên sắc thái mới cho các giá trị đạo đức của thời đại mang tên Người – thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Người ít quan tâm hay xem nhẹ yếu tố tài. Ngược lại, theo Người giữa đức với tài, hồng với chuyên phải gắn bó chặt chẽ nhau, bổ trợ nhau mới làm nên sự hoàn thiện trong nhân cách của con người. Luận điểm nổi tiếng mà Người đã nêu ra rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Những phẩm chất nhân cách của người cán bộ, đảng viên được Người khái quát ngắn gọn trong hai chữ “đức” và “tài”. Tại sao học sinh, sinh viên lại phải có cả tài và đức bởi như Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.
Đức là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng XHCN, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó.
Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người nói: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức tạo nên uy tín, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Tài là năng lực chuyên môn, khả năng công tác để bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Tài là tầm tư tưởng, trí tuệ trong tiến hành công việc một cách độc lập, sáng tạo, mang lại hiệu quả tối ưu. Tài phải được thể hiện ở trình độ, năng lực tư duy phát triển; Có tư duy biện chứng, lôgíc, có tầm hiểu biết sâu rộng và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, đủ sức cắt nghĩa và tìm được những câu trả lời thuyết phục trước những biến động phức tạp và mau lẹ của thực tiễn. Phải có năng lực trí tuệ phát triển cao, có trình độ ngoại ngữ và tin học để làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; Có năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực cạnh tranh khoa học và công nghệ, có khả năng tiếp nhận và quản lý được công nghệ kỹ thuật.
Như vậy, “Đức” và “Tài” là một thể thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, không thể chỉ có đức mà không cần tài, càng không thể coi trọng tài mà xem nhẹ đức. Bởi lẽ, Tài và đức là những phẩm chất khác nhau nhưng luôn luôn gắn bó mật thiết không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi tài năng đó không phục vụ cái chung mà chỉ mưu cầu lợi ích cho một cá nhân thì cũng trở thành vô giá trị. Con người ta không thể sống một mình, không thể tách rời khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân, nhân loại.
Giá trị một con người được xem xét chính bởi tác dụng của cá nhân đó trong mối quan hệ với đồng loại. Người không có đức là người không quan tâm đến quyền lợi của người khác. Nếu có tài, họ cũng chỉ vun vén để có lợi cho riêng họ. Người có tài mà phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của tập thể thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người càng có tài mà kém đạo đức thì tác hại mang đến cho gia đình, xã hội càng lớn. Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có đức, có khát vọng hành động vì lợi ích của mọi người nhưng không có kiến thức, năng lực kém thì những ý định tốt cũng khó trở thành hiện thực. Tài năng giúp con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, người ta trở nên ít có tác dụng trong đời sống con người. Rõ ràng là giá trị con người phải bao gồm cả tài và đức.
Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì con người mới trở nên toàn diện, mới đạt hiệu quả lao động cao và mới có ích cho mọi người. Có người ví: Có tài mà không có đức thì như một chiếc xe hạng sang mà không có xăng, chỉ để ngắm. Có đức mà không có tài thì như loài hoa mẫu đơn có hương mà không có sắc.
Theo cách nhìn của riêng bản thân tôi, tài năng của mỗi con người là không giới hạn, không ai mới sinh ra đã có tài cả, mà cái tài đó có được nhờ vào thời gian học hỏi, đúc kết, kiến thức là vô tận, nhưng bộ não của con người có giới hạn, vì thế hãy loại bỏ những điều không cần thiết để có thể chứa được những thứ lớn lao hơn.
Người có tài sẽ được đời trọng dụng, có đức sẽ được người mến phục. Người có đủ tài và đức sẽ không mặc cảm, đố kỵ, luôn biết tự kiềm chế, nhân nhượng, bao dung người, biết lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của người để khuyến khích, tán dương khi người có điểm nổi bật thành công, hoặc để an ủi, giúp đỡ khi người gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngày nay để xây dựng xã hội mới chúng ta cần phải có những con người với cả đức và tài. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa đức và tài Hồ Chí Minh Coi trọng cả tài và đức nhưng phải lấy đức làm gốc, bởi lẽ tài năng chỉ có thể phát triển trên nền của đức và tài năng chỉ có thể hướng thiện trên gốc của đức mà thôi.
Thế hệ trẻ Việt Nam là tương lai và là kỳ vọng của cả dân tộc. Đất nước ta chỉ có thể thăng hoa cất cánh khi học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ đề cao trách nhiệm của mình với đất nước dân tộc, mỗi học sinh, sinh viên phải xác định mục đích, lý tưởng sống, mơ ước hoài bão, hoàn thiện động cơ, củng cố, quyết tâm, nêu cao ý chí kiên trì, bền bỉ vươn lên quyết đạt được chí hướng của mình.
Ngày hôm nay, khi đất nước hoà bình và đang trên đà phát triển, thì lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên đó chính là "Vì một Việt Nam phát triển". Chúng ta nên phát huy những thế mạnh của bản thân, khắc phục các điểm yếu và tận dụng mọi cơ hội để học tập. Hành trang của người thanh niên trong giai đoạn Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay chính là: Lý tưởng , tri thức và đạo đức . Có thể nói, bài học làm người cần phải trau dồi cả đức lẫn tài của Hồ Chí Minh vẫn còn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc và người chính là tấm gương đẹp nhất, trọn vẹn nhất. Người đã trở thành “Tinh hoa và khí phách; lương tâm và danh dự”, trở thành đạo đức và văn minh không chỉ của Đảng và dân tộc ta mà trên toàn thế giới.