CHUYỆN VỀ CÂY BAN BƯỚC VÀO TUỔI 26
(Bài viết của Cô giáo Nguyễn Thanh Thuỷ - Nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ Văn nhà trường - Thân mến tặng tuổi trẻ Vùng cao Việt Bắc nhân dịp 26/3/2018)
Những ngày này, hoa Ban đang khoe sắc trắng tinh khôi làm nao lòng thày trò Vùng cao và cả những ai đã có một thời gắn bó với mái trường để thương để nhớ. Trong bài viết này, tôi không bàn luận về loài hoa như của riêng đất trời Tây Bắc mà muốn kể với các em nguyên cớ sự hiện diện của cây Ban đến từ Phong Thổ - Lai Châu 26 năm về trước.
Chuyện xảy ra vào đầu năm 1993, trong giờ ra chơi của buổi học cuối cùng trước đợt nghỉ tết Nguyên đán, tình cờ tôi nghe được cuộc trò chuyện của lớp chủ nhiệm K34H về thông tin mỗi học sinh khi xuống trường sẽ mang theo một cây xanh để hưởng ứng Tết trồng cây. Tất cả đều băn khoăn, lo lắng: “Làm thế nào để cây không bị dập nát héo úa?”
Thời ấy, giao thông không thuận tiện như bây giờ, nhiều học sinh đi mất 3 ngày mới tới trường vì đường xa, người đông, phương tiện giao thông hạn chế, việc nhỡ xe là chuyện bình thường (Năm nào nhà trường cũng treo giải thưởng lớn cho lớp trả phép đúng hạn). Một anh chàng tếu táo: “Các bạn yên tâm, tớ sẽ lo đủ cho cả lớp”. Cả lớp nhìn nhau, ngạc nhiên. Một bạn hỏi: “Lấy ở đâu mà nhiều cây thế?” Anh chàng hào hứng: “Thiếu gì! Ăn quả xong vứt hạt ra vườn. Khu tập thể nhà tớ đầy na, bưởi, mít, ổi…”, cả lũ cười phá lên.
Giờ sinh hoạt lớp, sau khi thông báo kế hoạch nghỉ tết, tôi nói với các em: “Đúng là việc mang cây xuống trường khó thật. Nếu chỉ là đối phó thì quá đơn giản, mấy bạn ở gần đủ sức chuẩn bị cây cho cả lớp. Nhưng các em hãy tưởng tượng vài chục năm sau trở lại thăm trường, những cây do các em trồng đã phát triển, trổ cành, xanh lá và mang hương sắc của các vùng miền khác nhau. Biết đâu trong số học sinh ngồi đây sẽ có bạn thành danh, cây của bạn ấy sẽ được gắn biển với dòng chú thích tên tuổi, chức danh có kèm theo cụm từ “Cựu học sinh K34H trồng năm 1993”. Cả lớp ồ lên vui vẻ. Tôi nói tiếp: “Thành “Ông nọ bà kia” thì xa xôi quá, nhưng chắc chắn là vài chục năm sau các em sẽ làm cha, làm mẹ. Sẽ có dịp các em đưa con đến thăm trường và tự hào nói với con rằng: “Đây là cây chính tay bố (mẹ) đã trồng”. Cả lớp nhìn nhau và lại ồ lên thích thú…
Ngày xuống tết, các học sinh thời ấy thường đem theo gạo, bánh, thịt. Còn Nghĩa, tôi gặp em trên đường vào kí túc xá, một vai tòng teng túi vải nhỏ, một vai vác một vật được quấn bìa cát tông cẩn thận. Tôi hỏi: “Nghĩa vác gì vậy?”. Em nhoẻn miệng cười: “Em mang Ban xuống cô ạ”. Tôi ngỡ ngàng xúc động: Tâm hồn học trò Vùng cao thuần khiết, trong sáng biết bao! Thực ra, những lời nói (có pha chút mơ mộng) của tôi chỉ muốn nhắc nhở các em một cách nhẹ nhàng: Làm bất cứ việc gì cũng phải làm thật sự, đàng hoàng, đừng đối phó. Và các em đã làm thật! Sau này tôi được biết, Nghĩa đã đạp xe 5 km đường đèo tới Cua Hoa Ban (thuộc đèo Hồng Thu, xã Lả Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (nay là huyện Tam Đường) tỉnh Lai Châu) để đào gốc Ban sát vách đá và vượt một chặng đường dài, trên chuyến xe chật, người đông với ước mơ đem hương sắc Tây Bắc đến với Vùng cao Việt Bắc.
Ảnh: Vùi Văn Nghĩa chụp ảnh với Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, NGND Nguyễn Văn Đào - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường và Bạn Quàng Thị Thụy - Cựu học sinh K35GC dân tộc Thái -Tuần Giáo Lai Châu.
Thời gian trôi đi, cây Ban lớn dần và đã phải trải qua không ít thử thách. Hồi ấy trường còn rất đơn sơ: Chỉ có một nhà ba tầng, còn toàn nhà cấp 4 (cột bê tông vì kèo sắt) và khu nhà Đa năng chỉ là quả đồi sỏi đá, bạch đàn xen lẫn sim, mua. Cô Tài kể lại: Hai cô trò đã cẩn thận trồng sát sườn đồi, xa đường đi, nhưng không thể hình dung sẽ tới ngày trường phát triển nhanh và qui mô hoành tráng như bây giờ. Nơi cây Ban được trồng trở thành bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng. Hàng ngày, những chiếc xe vận tải đổ xuống hàng chục tấn gạch, đá, cát, sỏi, tre, nứa… Cây Ban còn nhỏ, mong manh, oằn mình chịu trận… Nhưng sức sống của Ban thật mãnh liệt! Phải chăng cái sức sống tiềm tàng vốn có từ khi mọc lên sát vách đá đèo Hồng Thu đã tiếp sức cho nó không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ!
Có điều, cây Ban đã lớn mà chẳng chịu nở hoa! (Nhiều Cựu học sinh thắc mắc khi ở trường chưa nhìn thấy hoa Ban nở bao giờ). Ngày K34H về dự Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập trường, Nghĩa vắng mặt. Đứng bên gốc Ban trò chuyện, cả lớp xuýt xoa tiếc nuối khi Ban vẫn chưa có hoa. Tôi kể chuyện với cô Hoàng Thị Đoàn (Giáo viên Hóa cũng người Điện Biên), cô Đoàn an ủi tôi bằng lời khẳng định chắc nịch: “Chắc chắn cây Ban sẽ có hoa, nhưng nó phải lớn hơn chút nữa”.
Bị cuốn vào công việc, tôi cũng không còn nghĩ đên cây Ban. Cho tới một ngày… Hôm ấy vào giờ giải lao của lớp dự bị C (khu nhà cấp 4 nhưng ở vị trí cao và gần cây ban nhất so với các lớp học khác), thật bất ngờ khi tôi nhìn thấy những cành hoa Ban đang đung đưa theo gió, sắc hoa Ban trắng muốt, tinh khôi nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa Ban và đó cũng là những bông hoa Ban đẹp nhất ám ảnh trong tôi tới tận bây giờ. Nỗi xúc động dâng trào, tôi nhớ đến Nghĩa, đến bông hoa Ban được ép sơ sài em tặng nhân ngày 8/3, nhớ đến lớp chủ nhiệm của một thời gian khổ. Tôi đã kể lại câu chuyện này trong Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm và được Cô giáo Vương Thị Vân Anh ghi lại trong đoạn văn “Cây Ban trắng” in trong “Tập san Chủ nhiệm” nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường.
Năm 2008 tôi chính thức nghỉ hưu nên cũng ít có dịp vào trường. Một lần vào họp câu lạc bộ Cựu giáo chức, tình cờ tôi nhìn thấy nơi cây Ban trồng mọc lên ngôi nhà cao tầng khang trang hiện đại. Tự nhiên, tôi thấy lòng trĩu nặng bởi cảm thấy mất mát vì nghĩ cây Ban đã bị đốn bỏ. Không thông báo với lớp chủ nhiệm nhưng từ đó tôi cũng không đi con đường qua gốc cây Ban…
Đầu năm 2017, một lần vào trường, cùng đi với cô Lương Bích Huyền lên nhà Đa năng, vô tình cô Huyền chỉ tay về phía cây Ban và nói với tôi: “Cây Ban năm nay nở hoa đẹp lắm chị ạ”. Tôi nói như reo lên: “Vậy là cây Ban vẫn còn à?” Cứ ngỡ “Lời nói gió bay”, câu chuyện tôi kể trong Hội nghị chủ nhiệm đã rơi vào quên lãng! Vậy mà nhiều thầy cô không quên và NGND Đinh Thị Kim Phương - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường dù bận trăm công ngàn việc thì vẫn nhớ! Trân trọng tấm lòng của cậu học trò chưa từng gặp mặt, khi xây dựng ngôi lớp học 4 tầng, cô Phương đã yêu cầu bên thi công phải đảm bảo giữ cho cây Ban một không gian để sinh tồn và phát triển. Mừng quá tôi liền ghi hình rồi đăng lên thông báo với học trò. Mọi người chia vui với tôi, cô giáo Vũ Thị Thu còn gửi cho tôi mấy tấm hình hoa Ban.
Hội trường 2017 dù được tổ chức giữa tuần và rất bận việc nhưng K34H vẫn về được gần 2/3 lớp. Và Nghĩa đã di chuyển từ Mường Ảng về Điện Biên rồi đi tiếp chuyến xe đêm về Thái Nguyên để kịp có mặt dự lễ kỉ niệm 60 năm thành lập trường. Bên gốc Ban, Nghĩa cùng các bạn ôn lại kỉ niệm xưa rồi buổi tối lại đi xe đêm về Điện Biên để hôm sau kịp giờ làm việc…
Ảnh: Nghĩa chụp với các bạn nữ bên gốc ban
Có thể sẽ có người nghĩ: Chỉ là một cây Ban, cớ chi mà kể lể dài dòng? Thêm nữa, trường Vùng cao bây giờ muốn có cây Ban chẳng khó khăn gì. Đơn giản là chỉ một lời gợi ý thì cựu học sinh sẽ có cách đem về tặng trường ngay, không chỉ cây ban mà còn nhiều loại cây quí khác! Điều tôi muốn nói trong bài viết này là: Cây Ban góc sân trường Vùng cao là tấm lòng của một học trò Tây Bắc, là biểu tượng cho tâm hồn thuần khiết, trong sáng, thánh thiện, cho sức sống mãnh liệt, cho tấm lòng thủy chung, ân nghĩa của thày trò Vùng cao Việt Bắc.
Tôi đã nói về cây Ban và cũng muốn giới thiệu vắn tắt để các em biết thêm về chủ nhân của nó: Cựu học sinh Vùi Văn Nghĩa K34H là người dân tộc Giấy (Nhắng). Ngày bàn giao học sinh, phòng tổ chức có nhắc tôi lưu ý tới Nghĩa vì khi ấy Phong Thổ (Lai Châu) quê em là “điểm nóng” của tệ nạn cờ bạc, ma túy. Tôi hỏi: “Quê Nghĩa phức tạp lắm nhỉ?” Nhìn thẳng vào mắt tôi, em trả lời thẳng thắn và đầy tự tin: “Em xuống Vùng cao cũng là để tránh xa các tệ nạn.” Đến từ một vùng hẻo lánh, xa xôi, lại nhập học muộn (lớp 11) nên Nghĩa theo học khá vất vả. Nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Tốt nghiệp đại học, Nghĩa trở về quê hương công tác. Hiện nay em là cán bộ quản lí trong ngành ngân hàng.
Thực hiện bài viết này, tôi đã liên hệ với cậu học trò cũ để có được những thông tin chính xác và hỏi em muốn nhắn gửi điều gì đến tuổi trẻ Vùng cao nhân dịp 26/ 3/2018. Xin được chuyển lời của Vùi Văn Nghĩa đến các em học sinh Vùng cao Việt Bắc: “Thời gian học tập dưới mái trường Vùng cao Việt Bắc là quãng thời gian đẹp nhất, lưu giữ nhiều kỉ niệm và ước mơ của tuổi trẻ về tương lai. Để thực hiện ước mơ, các bạn hãy bắt đầu từ việc đơn giản là: Tự giác học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lựa chọn ngành học, nghề học phù hợp, trở về địa phương, xây dựng bản làng để không phụ công nuôi dạy và mong muốn của các thày cô Trường Vùng cao Việt Bắc”.
Mùa xuân 2018, cây Ban góc sân trường bước vào tuổi 26 căng tràn sức sống và “Chưa bao giờ đẹp thế” (nhận xét của nhiều cô giáo) như báo hiệu những điều tốt lành đang tới! Mỗi thế hệ học trò có một cách riêng làm đẹp cho trường. Tuổi trẻ Vùng cao Việt Bắc hôm nay - Một thế hệ tài cao, trí lớn, giàu tiềm năng sẽ kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ đi trước để tạo nên một Vùng cao Việt Bắc tươi mới, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của thời đại, có những bước tiến vững chắc hướng về tương lai!