Bắt đom đóm để học
Nguyễn Huy Tốn, người xã Nội Duệ - Tiên Du - Bắc Ninh, nhà nghèo phải đi dạy học để lấy tiền ăn học. Chủ nhà ngoài việc nuôi cơm, mỗi năm chỉ đưa thầy đồ thùng gạo để mang về cho gia đình. Vốn tính hà tiện nên chủ nhà không mua dầu để thắp cho thầy đọc sách. Nguyễn Huy Tốn ban ngày dạy học trò, ban đêm phải dùng hương đốt lên để đọc sách. Vào mùa hè, ông bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng để đọc sách.
Trong nhiều năm học nhờ ánh trăng, thẻ hương, ánh sáng đom đóm nhưng ông không hề nản chí. Năm Tân Mão (1831), ông đỗ cử nhân ở Hà Nội cùng với Cao Bá Quát, sau đó ông làm đến chức Bố chánh tỉnh Hà Nội dưới thời vua Tự Đức.
Thật là một gương sáng kiên trì khắc phục khó khăn để thành đạt.
Vừa đi ở, vừa đỗ tiến sĩ
Đỗ Văn Ái (sinh năm 1854, người xã Đại Gia - Thượng Phúc - Hà Nội nay là xã Thụy Phú - Phú Xuyên - Hà Nội).
Thuở nhỏ nhà rất nghèo, ông phải đi ở nhà cô. Hàng ngày Ái phải cõng con cô đến lớp học ở làng bên. Khi đưa con cô đi học, Ái thường nán lại nghe thầy giảng bài. Đứa con cô lười học nên Ái thường phải giảng lại bài cho nó. Thầy đồ thấy Ái không được học mà lại nhớ bài nên đã khuyên người cô cho Ái theo học. Nể lòng thầy và thương tình, cô cũng cho Ái theo học. Ái ngày làm, đêm mượn sách học. Vào những đêm không có trăng, Ái chỉ có ngọn đèn đầu nhỏ bằng hạt đậu để học. Nhờ ý chí kiên trì như vậy nên đến năm 1880, ông đỗ tiến sĩ được cử làm Tuần phủ hình bố chánh tỉnh Nam Hà.