CẢM NHẬN VỀ VẺ ĐẸP CỦA HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ĐAM SAN QUA ĐOẠN TRÍCH: “ĐAM SAN ĐI BẮT NỮ THẦN MẶT TRỜI”
(Sử thi Đam San)
“Cắc... cùm... cum... cắc... cùm... cum...” nhịp chày giã gạo trên sóc Bom Bo vang lên qua lời bài hát đưa ta trở về miền đất đỏ Tây Nguyên của những năm tháng chiến tranh can trường, anh dũng... Nơi gắn liền với tên tuổi của biết bao anh hùng đã hi sinh để giữ mãi màu xanh cho núi... Về với Tây Nguyên còn là về với quê hương của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi có tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang trong các dịp lễ hội đâm trâu, ăn mừng lúa mới. Nơi có tiếng đàn Tơ-rưng cất lên trầm bổng, thiết tha... Và cũng ở nơi đó, ta gặp những bản trường ca muôn đời bất diệt mà tên tác phẩm cũng chính là tên nhân vật như Đam San, Xing Nhã, Khinh Dú... Mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật đều mang một vẻ đẹp riêng. Song, có lẽ hình tượng nhân vật Đam San hiện ra trong tác phẩm tiêu biểu hơn cả. Nhân vật Đam San hiện ra trong suốt chiều dài tác phẩm với vẻ đẹp của một người anh hùng tiếng tăm lừng lẫy. Đặc biệt là trong đoạn trích “Đi bắt Nữ thần Mặt trời”.
Nếu “Trường ca Đam San” là bài ca cuộc sống tràn đầy khát vọng của người Ê-đê trong buổi đầu xây dựng bộ tộc, trong đó hình tượng người anh hùng Đam San hiện ra với vẻ đẹp hình thể, diện mạo và sức mạnh ý chí vô song cùng lòng dũng cảm tuyệt vời thì tất cả những vẻ đẹp đó đều đạt đến đỉnh cao trong đoạn trích này.
Ngược thời gian trở về với thời kì thơ ấu của xã hội loài người, ta gặp rất nhiều những truyện kể bằng văn vần hoặc một thứ văn xuôi giàu chất thơ có quy mô lớn về nội dung và hình thức, có nội dung bao quát đời sống toàn dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định và đề cập đến những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng. Đó chính là những thiên sử thi mà tên nhân vật thường được dùng đặt cho tên tác phẩm vì họ là người lập nên những chiến tích kì vĩ mang tầm vóc lịch sử. Đam San là một trong những người anh hùng như thế và đoạn trích “Đi bắt Nữ thần Mặt trời” là một trong những đoạn trích hay nhất nằm ở cuối phần ba, hồi bảy. Đây là trường đoạn thể hiện tập trung nhất và ở mức độ cao nhất những khát vọng mà Đam San đeo đuổi trong cả cuộc đời đấu tranh ngoan cường không hề mệt mỏi.
Cũng như bao nhân vật sử thi anh hùng khác, vẻ đẹp đầu tiên mà ta cảm nhận được ở Đam San là vẻ đẹp của hình thể, diện mạo. Ngay từ thuở nhỏ, vẻ đẹp “miệng đỏ như dưa gang, môi mỏng như lá tỏi, cổ trơn tru như quả cà chín” đã khiến cho “tất cả mọi người đều nhìn trộm anh không biết chán”. Lớn lên, vẫn là Đam San – một tù trưởng hùng mạnh “đầu đội khăn kép, vai mang túi da”. Khi chàng ngồi “trông dẻo như con rắn trong hang, con hùm bên bờ suối”, “tiếng nói, tiếng cười của chàng nghe như tiếng sấm vang, sét đánh. Trên đời không có người cười nói như Đam San”. Chàng đến làng của Đam Pắc Quây thì “trẻ con trên sàn đứng xem, phụ nữ đứng ngắm”. Đến cả người nhà trời cũng phải nhận xét về chàng “lông chân mượt như chuôi dao, tiếng nói như tiếng ve sầu”, họ nhìn chàng “như nhìn một thần linh mà danh tiếng đã vượt qua núi rừng tới thần ánh sáng”.
Bên cạnh vẻ đẹp hình thể, diện mạo, Đam San còn có một sức mạnh phi thường. Trước khi đến nhà Nữ thần Mặt trời, chàng đã chinh phục voi dữ, đã chặt đổ cây sinh mệnh của dòng họ vợ khiến cho hai người vợ phải chết. Thế rồi Đam San lại túm lấy đầu ông trời đòi chặt phăng đi nếu ông trời không giúp chàng cứu sống Hơ Nhí và Hơ Bhí. Không những thế, để bảo vệ quyền lợi bộ tộc và hạnh phúc gia đình, chàng còn chiến thắng các tù trưởng hùng mạnh như Mtao Mxây và Mtao Grư. Trên đường đi đến nhà Nữ thần Mặt trời, Đam San lại hiện ra với một sức mạnh vô biên, chàng đã “giết tê giác dưới vực thẳm, giết hùm cọp trong núi sâu... diệt ma quỷ trên các đường đi”. Và đỉnh cao sức mạnh ấy là hành động “chặt một sườn núi ném xuống bùn để làm con đường vượt qua gianh giới giữa trời và đất”. Đam San hiện ra như một biểu tượng cho sức mạnh của bộ tộc chàng, phải chăng ở người anh hùng này đã hội tụ, kết tinh bao vẻ đẹp của con người?
Cùng với vẻ đẹp, sức mạnh, Đam San còn có một sự giàu sang, uy danh khiến cho ai ai cũng đều nể phục “Đam San hùng cường từ trong bụng mẹ” và khi lớn lên chàng là một tù trưởng có trong tay tất cả mọi thứ “trăm chiêng núm anh đã có. Trăm chiêng bằng anh đã có. Trăm con voi anh đã có. Rừng đầy tràn nồi đồng của anh. Đồng nước đầy tràn nồi đồng của anh. Lợn dê anh đầy sân. Tiếng tăm anh vang đến tận thần núi... Ai cũng khen anh la người gan dạ, anh dũng...”. Sự giàu có ấy không chỉ được người trần biết đến mà ông trời cũng biết đến và kính nể. Xây dựng hình tượng nhân vật Đam San, phải chăng người Ê-đê cũng gửi gắm trong đó ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.
Bằng những lời kể xen lẫn miêu tả, những từ ngữ khoa trương, phóng đại, Đam San hiện ra như một nhân vật siêu phàm. Chàng vừa có vẻ đẹp trong sự oai hùng của sức mạnh, nghị lực, vừa có vẻ đẹp của hình thể, diện mạo. Vẻ đẹp đó đạt đến độ hoàn mĩ mang tính lí tưởng mà không phải người anh hùng nào cũng có được. Vẻ đẹp và sức mạnh của Đam San cũng chính là vẻ đẹp, là sức mạnh của bộ tộc chàng. Có thể nói Đam San mang những vẻ đẹp mà không chỉ ở thời đại chàng, con người của mọi thời đại đều mơ ước vươn tới!
Đam San lại càng trở nên đẹp hơn ở lí tưởng mà chàng đeo đuổi trong suốt cả cuộc đời. Mặc dù đã có trong tay tất cả: sự giàu sang, uy danh và hai người vợ đẹp, đã là một tù trưởng hùng cường được thần linh biết đến, ông trời kiêng nể... nhưng không bằng lòng với hiện tại, Đam San luôn mơ ước vươn lên tột đỉnh của sự vinh quang. Chàng muốn “trở thành một tù trưởng giàu mạnh nhất có nhiều chiêng núm, chiêng bằng... Người vùng núi phía Tây cũng không hơn, người vùng núi phía Đông cũng không dám sánh. Lúc đó tôi đi đến đâu tre mơ ô phải khô. Tôi đi đến đâu tre a lê phải cúi xuống. Tôi đi đến đâu núi sẽ vỡ, suối sẽ tan”. Và chàng đã đi bắt Nữ thần Mặt trời để thực hiện ước mơ của mình. Đam San là người con của núi rừng Tây Nguyên, của buôn làng Ê-đê, bởi vậy ước mơ, khát vọng của chàng cũng là ước mơ, khát vọng của cả tộc người Ê-đê. Đam San bất chấp tất cả mọi lời khuyên can của bạn bè, của vợ về những khó khăn trên đường đi “người ta đã cắm chông trên đường đi hái cà, người ta đã cắm bẫy trên đường đi hái ớt. Tù trưởng vào chết tù trưởng, người giàu sang vào chết người giàu sang...” Hơn ai hết, bản thân Đam San cũng ý thức được những khó khăn đang chờ mình ở phía trước, nhưng người anh hùng ấy đã không hề nao núng. Chàng coi thường sự giàu sang, uy danh, coi thường sự cám dỗ của ái tình để dấn thân vào chốn hiểm nguy với vô vàn thử thách. Đam San đã là một tù trưởng giàu mạnh, hùng cường nhưng chàng còn muốn oai phong, lẫm liệt hơn nữa và chàng đã trả lời Đam Pắc Quây bằng một câu nói rắn rỏi, đầy nghị lực “Để tôi kiếm một lối đi, tôi sẽ tới được chỗ tôi muốn tới...”.
Vượt qua bao khó khăn, thử thách trên đường đi, Đam San đã đến được nơi ở của Nữ thần Mặt trời. Hành động “đi bắt Nữ thần Mặt trời” thể hiện tầm cao nhất và quyết liệt nhất niềm khát khao ngàn đời của con người: tìm hiểu, chinh phục những thế lực thiên nhiên đầy bí hiểm mà lại có ảnh hưởng quan trọng biết bao đối với sự sống trên trái đất. Đam San “đi bắt Nữ thần Mặt trời” trước hết vì chàng muốn vươn lên đỉnh cao của sự giàu có mà Nữ thần Mặt trời là người giàu có nhất, sau đó là khát khao tìm hiểu, chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ mình, tuân theo sự chỉ huy của mình. Đam San đã băng qua sự hà khắc, nghiệt ngã của thiên nhiên để đến với Nữ thần Mặt trời. Và như vậy hành động đi bắt Nữ thần Mặt trời còn mang một ý nghĩa nữa: Đam San ý thức chống lại tục “chuê nuê” của chế độ mẫu hệ. Đó cũng là khát khao của con người thời ấy. Lần đầu tiên trong xã hội Đam San, có người đàn ông tự đi hỏi vợ cho mình và táo bạo hơn Đam San còn muốn Nữ thần Mặt trời rời thị tộc về cùng chung sống. Nhưng để chế độ mẫu hệ được thay thế bằng một chế độ khác cao hơn thì đòi hỏi phải có một thời gian dài mà đơn vị tính phải là thế kỉ! Xã hội thời Đam San chưa thể có ngay một lúc những điều kiện ấy. Và cả khát khao tìm hiểu, chinh phục thiên nhiên kia nữa, trí tuệ thời đại Đam San chưa thể đáp ứng được. Bởi vậy, trong một thời gian lịch sử nhất định, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ mà thôi.
Có lẽ vì thế, vì những ước mơ tột cùng cho mình và cho cả cộng đồng trong điều kiện xã hội chưa cho phép nên Đam San đã thất bại. Cái chết của chàng chính kết quả của sự thất bại ấy. Đam Săn chết vì lí tưởng quá cao mà trí tuệ thời đại chưa đủ đáp ứng nhưng lí tưởng ấy vẫn mãi ngời sáng trong tâm hồn bao lớp người. Cái chết của Đam San không phải là cái chết riêng lẻ của một con người mà là tấn bi kịch chung của cả một thời đại. Bởi lẽ Đam San dẫu có hùng mạnh đến đâu, trước thiên nhiên chàng chỉ vô cùng nhỏ bé. Người anh hùng Đam San không đủ sức mạnh để đứng trên sức mạnh thời đại đã định sẵn. Cái chết của Đam San là một cái chết vinh quang vì lí tưởng đem lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng, một cái chết thật cao cả, phi thường, đáng khâm phục.
Người Ê-đê yêu quý nhân vật của mình, với họ, Đam San là một thần tượng lí tưởng. Bởi vậy, cái chết của người anh hùng không giốngcái chếtcủa những người bình thường khác: “Mặt trời lên đến nửa trời, ngựa vẫn chạy, ngập mình đến bụng. Mặt trời lên đến đỉnh đầu, đất loãng ra, ngựa ngập mình và Đam San cũng lún dần vào đất”. Chàng đã không chết ở trần thế mà chết ở trên trời. Và hơn thế nữa, Đam San không chết, chàng đã đầu thai vào cháu mình – Đam San cháucũng oai phong, hùng mạnh không kém gì cậu. Người anh hùng Đam San sống với những chiến công hào hùng và chết trong tư thế phi thường. Cái hùng xen lẫn với cái bi tạo nên một pho tượng hoành tráng đi vào văn học hiện đại:
“Chào anh du kích đất Cam
Đẹp như pho tượng Đam San thuở nào”
Đam San vừa là anh hùng văn hóa, vừa là anh hùng trận mạc. Các nhân vật sử thi anh hùng xưa nay vẫn thường thế. Chàng Rama trong bộ sử thi nổi tiếng Ramayana của ấn Độ, hay chàng Uylitxơ trong sử thi của đất nước Hi Lạp cổ đại và cả Đam San của chúng ta đều gặp nhau ở ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm.
Bằng nghệ thuật tương phản (giữa những lời ngăn cản, những khó khăn trước mắt cùng sự giàu có, uy danh với ý chí của người anh hùng), nghệ thuật so sánh và những từ ngữ khoa trương phóng đại, tác giả dân gian đã dựng lên trước mắt ta hình tượng người anh hùng Đam San với vẻ đẹp tâm hồn, thể chất đạt đến mức hoàn thiện. Đam San là đại diện cho sức mạnh, sự giàu có của cộng đồng người Ê-đê. Chàng sống mãi trong tâm hồn người Ê-đê cũng như trong tâm hồn mỗi người dân Việt <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region>.
“Đi bắt Nữ thần Mặt trời” là đoạn trích tiêu biểu hơn cả trong toàn thiên sử thi. Đoạn trích khép lại nhưng ta vẫn nghe âm vàng đâu đây tiếng cồng, tiếng chiêng trong ngày lễ ăn mừng lúa mới của buôn làng Ê-đê thời Đam San cháu cùng những lời chúc phúc tốt đẹp. Ước vọng của Đam San cũng là ước vọng của con người trong mọi thời đại “Cầu cho chúng ta mãi mãi khỏe mạnh... mía chuối mãi mãi xanh tươi, đâm chồi, nảy lộc...”.
Mảnh đất Tây Nguyên đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao nhà thơ, nhà văn và đã có biết bao tác phẩm viết về miền đất này. Tây Nguyên hôm nay là những rừng cà phê ngút ngàn xanh mướt tình đất, tình người... Máu của biết bao anh hùng đã đổ xuống nhuộm đỏ cho miền đất ấy, cho những trang sử thi mãi mãi là vốn quý của người Ê-đê nói riêng và của mỗi người con đất Việt thân yêu nói chung. “Trường ca Đam San” đã trở thành niềm tự hào của dân tộc, một di sản văn hóa đẹp đẽ và là vốn quý của quốc gia.
Đoạn trích khép lại nhưng âm hưởng rộn ràng, hoành tráng của bản trường ca vẫn vang vọng mãi trong tâm hồn ta. Tây Nguyên ơi! Sao mà nhớ, mà thương đến thế! Ta muốn được dang tay ôm trọn cả Tây Nguyên vào lòng, muốn được sống mãi cùng mảnh đất cao nguyên, cùng những tên đất, tên người đã hằn in trong lịch sử và hơn tất cả là cùng những bản trường ca bất tận...
Mai xa rồi thành phố PleiKu xinh đẹp ! biết bao giờ mới được trở lạinơi đây? Một lần nữa thôi, dù chỉ một lần dẫu biết rằng điều đó rất mong manh... nhưng ta vẫn mong và vẫn tin! Xin mượn lời bộc bạch của nhà văn Nguyễn Trung Thành - Người có công đầu trong việc khai phá mảnh đất Tây Nguyên của văn học hiện đại - tác giả truyện ngắn “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu” để gửi thương, gửi nhớ đến với miền đất anh hùng: “Tây Nguyên đối với tôi là cả một niềm tâm sự không bao giờ dứt”...
PleiKu, Tháng 6 - 2002