CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VỚI VIỆC DẠY HỌC NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÙNG CAO VIỆT BẮC
Ths. Vương Vân Anh
I- ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới về mọi mặt, trong đó giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, ưu tiên hàng đầu cho chiến lược phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước, việc đổi mới phương pháp dạy - học là tất yếu.
Một trong những phương pháp tiên tiến hiện nay đang được áp dụng trong nhà trường Việt Nam là phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình tiếp thu tri thức, kỹ năng và thái độ.
Trong bài viết này, tôi xin nêu một số vấn đề về việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung và đổi mới phương pháp dạy học bộ môn Ngữ Văn nói riêng ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin như là phương tiện hỗ trợ cho quá trình day - học của bộ môn này.
1. Một số thuận lợi và khó khăn
a) Thuận lợi
Công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong lĩnh vực dạy học, CNTT đã tạo nên những chuyển biến lớn lao, nhất là về phương pháp. CNTT góp phần đổi mới cách dạy, cách học. Việc ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung cũng như trong dạy học Ngữ văn ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc nói riêng, chúng tôi đã có được một số thuận lợi sau:
- Luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ phía nhà trường, được học nâng cao kiến thức về tin học để phục vụ tốt cho việc soạn giảng.
- Đội ngũ thầy cô giáo sáng tạo, luôn có ý thức học hỏi để tự bổ sung những tri thức còn thiếu hụt về lĩnh vực CNTT.
b) Khó khăn
Với đặc thù tư duy hình tượng nên việc ứng dụng CNTT vào dạy học văn là điều không dễ dàng. Việc đưa phần mềm CNTT vào dạy học nếu không khéo và không đúng quy trình sẽ làm giảm năng lực tự chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật vô cùng phong phú của tác phẩm văn học ở học sinh.
Với các bộ môn toán, lí, hoá, sinh, sử, địa ... rất cần có nhiều giáo cụ trực quan, tranh ảnh để minh hoạ cho bài dạy thì đối với môn văn, việc sử dụng tranh ảnh minh hoạ là rất hạn chế, nếu sử dụng không phù hợp thì bài giảng sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn làm thui chột khả năng liên tưởng, tưởng tượng của người học.
Với môn Văn, không phải bài nào cũng có thể sử dụng CNTT, việc ứng dụng CNTT phải do đặc điểm của bài học, của phân môn học. Ví dụ có thể ứng dụng CNTT vào dạy những bài khái quát văn học, những bài học về văn bản của phần làm văn, những bài học về biện pháp tu từ trong phần tiếng Việt. Còn khi dạy phần đọc văn giáo viên rất hạn chế khi đưa tranh ảnh, tư liệu … vào giáo án.
II. ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG CNTT VÀO ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN
1. Những căn cứ đề xuất
- Dựa trên khung phân phối chương trình của Bộ giáo dục đối với môn học.
- Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của nhà trường trong năm học
2. Cách thức ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn
- Có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm học, bám sát khung phân phối chương trình xem xét bài nào có thể ứng dụng CNTT để có kế hoạch chuẩn bị. Cụ thể:
+ Ở chương trình lớp 10 có thể ứng dụng CNTT vào dạy phần văn học dân gian với các bài như: Chiến thắng Mtao Mxây, Tấm Cám. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ. Phần văn học trung đại có Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, một số đoạn trích của Truyện Kiều … Phần tiếng Việt các bài Đặc điểm của văn bản nói và viết, Luyện tập về biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngứ sinh hoạt. Phần làm văn với các bài: Văn bản, Viết kế hoach cá nhân ...
+ Chương trình lớp 11 có thể ứng dụng CNTT vào dạy phần đọc văn với các bài Chiếu cầu hiền, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chí Phèo, Đây thôn Vĩ Dạ. Phần tiếng Việt với các bài: Ngữ cảnh, Nghĩa của câu ... Phần làm văn với các bài Thao tác lập luận phân tích, Bản tin...
+ Chương trình lớp 12 có thể ứng dụng CNTT vào dạy phần đọc văn với các bài Tuyên ngôn độc lập, Tây Tiến, Đất Nước, Sóng, Người lái đò sông Đà, Đàn ghi ta của Lorca, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Hồn Trương Ba, da hàng thịt ... Phần tiếng Việt với bài: Luyện tập về cách dùng các biện pháp tu từ … Phần làm văn với các bài: Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, Nghị luận về một hiện tượng đời sống, Các kiểu kết cấu của bài văn nghị luận...
Một số nội dung ứng dụng CNTT để đạt mục tiêu bài giảng:
* Ứng dụng CNTT vào dạy phân môn Làm văn:
Sử dụng CNTT trong việc trình chiếu các đoạn văn bản, các ví dụ về các dạng bài tập, các câu trích dẫn, cách lập dàn ý, có thể kèm theo hình ảnh minh hoạ .
Ví dụ: Khi dạy bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống, chúng tôi đã tiến hành như sau:
Đưa một số hình ảnh minh họa về gương sáng Nguyễn Hữu Ân trong câu chuyện Chia chiếc bánh của mình cho ai?
(Trong khi rất nhiều bạn trẻ đang lãng phí thời gian vào những việc vô ích thì Nguyễn Hữu Ân lại dành gần hết số thời gian của mình để chăm sóc những người cô đơn như má Phẳng - một người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối).
Sơ đồ hoá cách lập dàn ý trên power - point
Việc đưa hình ảnh sinh động và sơ đồ hoá cách lập dàn ý như trên sẽ giúp học sinh nhớ lâu bài học.
* Ứng dụng CNTT vào dạy phân môn Tiếng Việt
Sử dụng CNTT trong việc trình bày biểu bảng, sơ đồ hóa các nội dung bài học, biến mầu chữ
Ví dụ: Khi dạy bài Phong cách ngôn ngữ văn chương chúng tôi đã ứng dụng CNTT như sau:
- Kẻ bảng trên power point
Văn bản chính luận
|
Văn bản văn chương
|
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân ta.
(Hồ Chí Minh)
|
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ran tay ríu tre gần nhau hơn
(Nguyễn Duy)
|
Đoàn kết, truyền thống là những khái niệm trừu tượng, không gợi ra sự vật, màu sắc...
|
- “Tay ran tay ríu” gợi hình ảnh con người gắn bó nhau trong gian lao thử thách.
|
- Đưa ví dụ và đổi mầu những chữ quan trọng trên power point
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài ,trời rộng, bến cô liêu
(Huy Cận)
Ôi, những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
(Nguyễn Đình Thi)
Việc kẻ bảng so sánh như trên sẽ giúp học sinh nhận ra nhanh chóng sự khác biệt của phong cách ngôn ngữ văn chương so với các phong cách ngôn ngữ chức năng khác. Chữ “ sâu” đã diễn tả sự cô đơn, rợn ngợp của con người trước vũ trụ nên cần tìm hiểu kĩ (trên power point chữ đã được đổi màu). Những chữ “chảy máu”; “đâm nát trời chiều” được nhà thơ sử dụng biện pháp nhân hoá để diễn tả hình ảnh đất nước trong đau thương (trên power point chữ đã được đổi màu).
* Ứng dụng CNTT vào dạy phân môn Đọc văn
- Đưa chân dung tác giả, cảnh thiên nhiên, xã hội có liên quan đến tác giả và tác phẩm mà học sinh chưa có dịp được tiếp xúc.
- Đưa những hình ảnh về các sự vật, sự kiện do từ ngữ biểu thị mà các em chưa được nhìn thấy tận mắt.
- Những bài hát, điệu hò... cũng được lồng vào bài giảng để giúp học sinh không chỉ được nhìn mà còn được nghe, từ đó các em có những rung cảm sâu sắc và hiểu biết sâu hơn về tác phẩm.
Ví dụ: Khi dạy bài Đàn ghi ta của Lor- ca, chúng tôi đã sử dụng CNTT như sau:
Đưa ảnh chân dung hai nhà thơ: Thanh Thảo và Lor-ca, một số bức ảnh về văn hoá Tây Ban Nha.
|
|
Nhà thơ Thanh Thảo
|
Nhà thơ Lor – ca
|
Việc đưa những ảnh minh hoạ như trên sẽ giúp học sinh biết chân dung hai nhà thơ, đồng thời các em có điều kiện hiểu về văn hoá Tây Ban Nha với những nét đặc sắc, để từ đó hiểu rõ hơn về những hình ảnh thơ mang mầu sắc tượng trưng trong bài thơ.
Trong những trường hợp không sử dụng được hình ảnh, âm thanh thì máy tính và đèn chiếu hỗ trợ có hiệu quả trong việc:
- Trình chiếu đoạn văn, đoạn thơ với sự đánh dấu (gạch chân hoặc tô màu) những từ ngữ, những hình ảnh, những chi tiết nghệ thuật cần thiết để phân tích cho học sinh.
- Ghi tóm tắt và chính xác những kết luận quan trọng mà học sinh cần ghi nhớ.
- Đưa những vấn đề cần cho học sinh thảo luận.
Ví dụ: Khi dạy bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt chúng tôi đã sử dụng CNTT trong hoạt động trao đổi nhóm.
Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động trao đổi nhóm sẽ giúp người giáo viên tiết kiệm được thời gian diễn giảng đồng thời giúp học sinh hình dung cụ thể hơn công việc mình phải làm.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Qua thực tế giảng dạy có sử dụng CNTT, tôi thấy cần lưu ý những điểm sau:
- CNTT chỉ là phương tiện hỗ trợ cho quá trình giảng dạy nên không quá lạm dụng.
- Người giáo viên phải khéo léo kết hợp máy tính điện tử với phấn trắng bảng đen và lời giảng của mình một cách hợp lí thì bài giảng mới sinh động, phát huy được tính chủ động tích cực tiếp thu bài của học sinh.
- Cần đầu tư thời gian thích hợp cho việc soạn giảng bằng CNTT .
Trên đây là một số ý kiến của tôi về việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ Văn ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc. Nếu chúng ta tận dụng tốt sự ủng hộ và cơ sở vật chất của nhà trường, có phương pháp làm việc tốt và luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng về CNTT để phục vụ hoạt động giảng dạy, nhất định chúng ta sẽ đạt được hiệu quả cao trong công việc và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.