ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Sái Việt Trường - 12A6
Như chúng ta đã biết, sáng tạo là động lực của sự phát triển, là bàn đạp cho sự tiến bộ không ngừng của văn minh loài người. Và để cho những ý tưởng sáng tạo có thể đi vào thực tiễn cuộc sống thì nghiên cứu khoa học là một công việc vô cùng quan trọng.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để nghiên cứu khoa học ở trình độ học sinh trung học phổ thông là đúng, là hiệu quả nhất? Với bản thân đã qua một lần tham gia nghiên cứu khoa học, tôi xin đưa ra một vài điều chia sẻ như sau:
Điều quan trọng đầu tiên: ý tưởng.
Nhiều người ngồi lỳ lợm một chỗ hay ngấu nghiến một cuốn sách dày cộm để tìm ra một ý tưởng hay. Không! Nó không cho bạn một ý tưởng hay.
Lời khuyên thứ nhất là ra ngoài thực tế, tận mắt thấy tận tai nghe bởi một điều đơn giản cuộc sống là cái nôi của sáng tạo loài người. Ví dụ nhé, giả sử nếu loài người cứ suốt ngày trong hang tối thì làm gì có lửa mà sử dụng, làm gì có nền văn minh tiến bộ như ngày nay.
Lời khuyên thứ hai là đặt câu hỏi và thử. Trước một sự vật, như một loại cây chẳng hạn, bạn phải đặt nhiều câu hỏi quanh nó, ví dụ như nó có công dụng gì không, có bộ phân gì sử dụng được không? Sau đó cần thử, ở đây là thử xem có ai làm hay chưa? Nếu làm thì ở nhưng khía cạnh nào rồi.
Khi biết chắc là ý tưởng của mình chưa ai làm thì cần tiến hành thử tính khả thi của ý tưởng có phù hợp với học sinh trung học phổ thông hay không.
Khi các bạn đã thử nghiệm được tính thực tiễn của nó thì tôi tin rằng bạn đã có một ý tưởng hay rồi đấy.
Say mê nghiên cứu khoa học một cách ngăn nắp
Khi bạn đã có một ý tưởng hay thì cần có một quá trình nghiên cứu mới có thể biến ý tưởng thành thực tiễn. Đương nhiên khi nhắc đến khoa học cũng thấy rõ được sự quy củ, trình tự ngăn nắp như thế nào. Bản thân tôi là trưởng nhóm nghiên cứu khoa học thì trình tự công việc như sau:
Lên lịch làm việc, tìm hướng nghiên cứu, biện pháp thực hiện, phân công cụ thể công việc cho các thành viên trong nhóm.
Thử nghiệm, rút kinh nghiệm tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Bước này cần lặp lại nhiều lần mới tìm ra được một hướng nghiên cứu phù hợp
Phát triển theo hướng mình chọn.
Viết báo cáo tổng hợp.
Trong suốt quá trình nghiên cứu nên viết nhật ký nghiên cứu khoa học để nắm rõ được trình tự làm, từ đó rút kinh nghiệm.
Nhưng quan trọng nhất bạn cần phải có một lòng đam mê nghiên cứu bởi sự nghiên cứu là dài lâu và không phải làm một lần là được. Với bản thân mình, tôi cũng đã có những lúc cảm thấy rất nản chí khi làm các sản phẩm bị nứt thậm chí còn hỏng hoàn toàn. Tôi nhớ rằng làm hỏng sản phẩm đến cả mấy chục lần, Nhưng nhờ đó mà tôi có cơ hội thu hẹp phạm vị làm và cuối cùng đã làm ra được sản phẩm vừa ý thì đó lại là niềm vui khó có thể diễn tả vì mình đã thành công. Đây chỉ là một trải nghiệm cá nhân của riêng tôi, thiết nghĩ rằng: quá trình nghiên cứu nào cũng có những khó khăn nhưng nếu biết cách vượt qua thì thành công đang chờ ta.
Tiến thẳng về đích
Sau khi đã nghiên cứu thành công còn một bước quan trọng không kém: Thuyết trình về để tài của mình. Sau đây tôi xin được ra một số kinh nghiệm thực tế nho nhỏ của mình để thuyết trình tốt:
Trước khi đi thi: Cần tạo cho mình sự thoải mái và thư giãn hết mức bằng cách nghe nhạc, hay trò chuyện với đội bạn vừa tạo sự thân thiện, cởi mở vừa đỡ căng thẳng.
Khi trả lời: Cần hiểu rõ ý đồ của người hỏi và trả lời rõ ràng, đúng ý không nên vòng vo.
Trong suốt quá trình ở gian trưng bày phải luôn cười nói vui vẻ, thân thiện với mọi người.
Trên đây là đôi điều chia sẻ mà tôi đã tích luỹ được khi tham gia nghiên cứu khoa học và xin được chúc những lớp dưới sẽ có những thành công trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình trong những năm tiếp theo.