KINH NGHIỆM HỌC MÔN NGỮ VĂN
Môn ngữ văn là một trong những phân môn quan trọng ở bậc PTTH. Muốn học tốt bộ môn này cũng như các bộ môn khác, học sinh đều cần phải nắm rõ đặc trưng bộ môn, từ đó tìm ra được cho mình một phương pháp học có hiệu quả nhất.
Trước hết, cần phải hiểu rõ môn văn thuộc ban khoa học xã hội, lại là bộ môn mang tính nghệ thuật cao. Vì thế, nó không chỉ đòi hỏi người học sự hiểu biết nhất định các kiến thức về đời sống mà còn yêu cầu người học cần biết tự tạo cho mình “chất nghệ sỹ” để có thể thưởng thức được văn chương.
Còn về cách học cụ thể, cũng như các môn học khác,trước khi đến lớp học sinh cần đọc trước tác phẩm hoặc vấn đề sắp được học, nghiên cứu trước về các vấn đề đó và suy ngẫm về chúng.
Trên lớp, chăm chú nghe giảng bài và so sánh, đối chiếu với những gì mình đã tìm hiểu được trước đó.
Sau mỗi bài học đã được giảng, hãy ngồi ôn lại bài rồi tự tổng kết, khái quát vấn đề ở mức độ thật cao và rút lại bài học từ vài trang chỉ còn một trang giấy dưới dạng dàn bài khái quát và cũng chỉ cần nắm dàn bài ý khái quát đó thôi. Sau đó kết hợp với đọc các bài viết hay trong các sách tham khảo và ghi lại những câu văn, lời bình mà mình tâm đắc nhất để vận dụng vào bài làm văn.
Vấn đề thực hành cũng khá quan trọng. Ngoài việc biết cách lập dàn ý, học sinh cần thường xuyên tập viết những đoạn văn nhỏ để từ đó rèn kỹ năng viết xúc tích, hay.
Chú ý: Trong suốt quá trình học, cần nạp thêm nhiều kiến thức để có vốn tương đối từ các tài liệu tham khảo, các sách về lý luận văn học, phê bình tiểu luận, các bài nghị luận văn học, xã hội để đạt điểm cao. Phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, trau dồi vốn kiến thức văn học, xã hội rộng( bởi không như môn học khác, học Văn cần có kiến thức tổng hợp từ nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng mình Văn ), thiết lập nhân sinh quan đúng đắn, mài sắc khả năng cảm thụ, thẩm định thông qua học tập, đọc sách...
Hãy đánh thức cảm xúc của bản thân, viết văn bằng cảm xúc thì tự khắc Văn sẽ hay, sẽ có hồn và thuyết phục được người đọc, người chấm.