Nhân dịp kỉ niệm 56 năm ngày chiến thắn Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2010), chúng tôi xin giới thiệu bài viết và bài phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về một quyết định lịch sử đem lại một chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. (BBT)
Quyết định lịch sử làm nên thắng lợi lịch sử
(VOV) - Chính quyết định “đánh chắc, tiến chắc” là yếu tố trực tiếp làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, đưa quân Pháp vào thảm họa Đông Dương.
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta không thể không nhắc tới vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam - đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính trong trận chiến này, Bộ chỉ huy Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một quyết định lịch sử, điều chỉnh phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Lúc đó ông mới 44 tuổi. Việc thay đổi phương châm tác chiến được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Bị thất bại liên tiếp trong Đông Xuân 1953 - 1954, thực dân Pháp chủ trương tăng cường xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ĐBP). Từ ngày 20/11/1953, Nava ồ ạt đưa quân chiếm đóng Điện Biên Phủ. Với 49 cứ điểm lớn nhỏ liên kết với nhau, 16.200 quân được huy động và trang bị một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh hiện đại, Điện Biên Phủ thực sự là một hình thái phòng ngự mới của thực dân Pháp.
Ngày 5/1/1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Khi chia tay, Người dặn dò Đại Tướng: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”. Sử dụng cách đánh như thế nào cho hiệu quả, vừa hạn chế tổn thất vừa có thể giành thắng lợi, là biểu hiện rõ nhất tài cầm quân của người chỉ huy ngoài mặt trận.
Thời gian đầu, khi quân địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, lực lượng của chúng chưa được tăng cường, bố trí còn sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố. Quân ta đã kịp thời bao vây địch ngay từ đầu. Đồng chí Hoàng Văn Thái – tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ - cùng với nhóm cố vấn Trung Quốc đã đề nghị với đại tướng Võ Nguyên Giáp: “đánh nhanh thắng nhanh”. Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm. Tinh thần bộ đội đang lên, sẵn sàng cho một trận đánh lớn. Riêng đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, phương án đánh nhanh khó có thể giành thắng lợi. Cần phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác, chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Quyết định thay đổi phương án tác chiến ở thời điểm này khi công tác chuẩn bị đã gần hoàn tất là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của đại tướng nhưng trận đánh này ta không được phép thua. Ông Nguyễn Xuân Toản – chiến sĩ Điện Biên, tiểu đoàn 392, sư đoàn 367 nhớ lại: “Khi đó, chúng tôi chuẩn bị lực lượng để kéo pháo vào trận địa. Đến một giai đoạn nhất định, lại được lệnh kéo pháo ra. Tư tưởng của chúng tôi khi đó cũng rất hoang mang và lo ngại. Lệnh của mặt trận là phải động viên tất cả anh em yên tâm, theo lệnh của cấp trên. Sẵn sàng chiến đấu một cách đầy đủ hơn. Tôi ở cùng đơn vị đồng chí Tô Vĩnh Diện”
Trước khi đưa ra quyết định “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thổ lộ: “Tôi cảm thấy như cả tháng đã trôi qua. Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: Chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Và cuối cùng thì quyết định “đánh chắc, tiến chắc” đã trở thành một quyết định lịch sử.
Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày ở Điện Biên ông là Phó chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên cho biết: “Khi ấy, Đảng ủy thống nhất với Đại tướng rằng, không theo phương án “đánh nhanh thắng nhanh” nữa, tạm thời lui quân, cho đại đoàn 308 tiến ngay sang Lào để đánh lạc hướng địch và chuẩn bị lại. Từ việc chuẩn bị lại ấy để tiến hành “đánh chắc, tiến chắc” hình thành bao vây chiến dịch và sau 55 ngày đêm, tấn công- bao vây, cuối cùng bóp chết tập đoàn cứ điểm, làm cho tư lệnh tập đoàn ấy đầu hàng. Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất và cũng là sáng suốt nhất”.
17h5 phút ngày 13/3/1954, lực lượng pháo binh của ta đồng thời nhả đạn, tấn công cứ điểm đầu tiên Him Lam. Địch choáng váng, bất ngờ bởi chúng không thể tin được quân ta có thể kéo pháo lên các ngọn núi cao và ngụy trang mà không bị phát hiện. Ngay từtrận đầu, dưới sự chỉ huy kiệt xuất của đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân ta đã giành thắng lợi.
Với chiến thuật phát huy hiệu quả pháo binh, dập tắt hỏa lực địch, khống chế con đường tiếp tế bằng hàng không, kết hợp chiến thuật vây lấn, sử dụng hệ thống giao thông hào, bao vây, siết chặt và tiếp cận các vị trí của địch, những người lính của Tướng Giáp đã nhanh chóng tiêu diệt các cứ điểm trọng yếu, thu hẹp khu vực kiểm soát của quân Pháp.
Ngày 7/5/1954, con Nhím Điện Biên thất thủ, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries, Việt Nam đã khiến cả thế giới phải chấn động. Sau này, trong nhiều tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu quân sự đều khẳng định, chính quyết định “đánh chắc, tiến chắc” là yếu tố trực tiếp làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, đưa quân Pháp vào thảm họa Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đưa tên tuổi đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại quân sự thế giới./.
* Xem thêm:
- Giải phóng Điện Biên (Videoclip. Nhạc và lời: Đỗ Nhuận)
- Tình ca Tây Bắc (Videoclip. Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Lời: Cẩm Giang)
* Nghe thêm: