TẾT – TƯNG BỪNG ‘CHUỖI CƯỜI NGŨ SẮC’ TRONG THƠ ĐOÀN VĂN CỪ
Trong bốn mùa, thi nhân dường như thiên vị cho mùa xuân nhiều hơn cả. Với thi hứng nồng nàn trước mùa xuân, các tác giả đã hiến dâng cho đời nhiều trang thơ độc đáo. Mỗi độ tết đến, xuân về, người yêu thơ không thể không có lúc ngâm nga vài câu thơ mùa xuân, coi đó như một nhã thú để hồn mình trong trẻo trước khí trời thanh tân ...
Trong kí ức những bạn yêu thơ Việt Nam, cái tên Đoàn Văn Cừ đã rất đỗi thân quen. Xuất hiện trong Thi nhân Việt Nam với 4 thi phẩm mà trong đó đã có 3 bài tả về mùa xuân, lễ hội tết ... Chính thi sĩ họ Đoàn đã làm cho Hoài Thanh có được cảm xúc thật đặc biệt: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, mùi mứt gừng. Cứ mỗi độ xuân về người lại gửi lên báo một chuỗi cười ngũ sắc” (Thi nhân Việt Nam)... Như vậy là giữa rừng hoa Thơ Mới rực rỡ sắc màu, thi sĩ họ Đoàn đã tạo nên hương vị, màu sắc riêng của mình.
Trong chùm ba bài thơ về Tết thì “Đám hội” thực sự là những nét văn hóa tết sinh động, độc đáo của quê hương người Việt thuở xưa. Trong xã hội hiện đại, văn minh, có nhiều thú vui mới của ngày tết, nhưng khi đến với “Đám hội”, chúng ta vẫn bị cuốn hút vào không khí tưng bừng, rộn ràng với những sắc điệu tết đậm đặc nét “thuần phong mĩ tục” của cha ông xưa.
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu mình một cách rất tự nhiên như lời kể chuyện tâm tình:
Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên.
Như vậy, “tôi” là người có gốc gác ở quê, nhưng đã xa quê rồi, bây giờ mới trở lại quê đúng vào dịp tết. Vì vậy, “tôi” có cái háo hức say mê của người vừa quen vừa lạ. Cái thân quen giúp cho “tôi” nhận ra sự gần gũi của con người, cảnh vật, cái lạ giúp cho tôi quan sát tỉ mỉ, rõ ràng cả thế giới đám hội trước mắt.
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền,
Người lớn, bé mê man về hát bội.
Những thằng cu tha hồ khoe áo mới
Và tha hồ nô nức kéo đi xem...
Các cụ già uống rượu mãi gần đêm...
Quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chỉ có ngày tết là người Việt xưa thực sự được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái nên cha ông ta mới nói “vui như Tết”! Tết là cơ hội để “mê man hát” để “tha hồ khoe”, “tha hồ nô nức”... Trong thơ về tết của Đoàn Văn Cừ, có điều rất đặc biệt: hình ảnh con người xuất hiện đầu tiên thường là những em bé, các cụ già.
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom... (Chợ Tết)
...
Một cụ già râu tóc trắng như bông...
Bà cụ lão lom khom bên cháu nhỏ (Đám cưới mùa xuân)
Đúng là mỗi khi đến tết, những cụ già hạnh phúc vì thêm trường thọ, trẻ con háo hức được quần áo mới, thêm tuổi mới. Già vui tuổi già, trẻ vui tuổi trẻ! Tác giả từng tâm sự: “Mùa xuân, ngày tết dễ gợi nhớ về cội nguồn dân tộc, làm thức dậy trong lòng ta những kỉ niệm, tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, đằm thắm về gia đình, tổ quốc. Những phong tục đẹp, sinh hoạt đẹp, cảnh sắc thiên nhiên đẹp... diễn ra trong dịp này”. Bây giờ ở thành phố, ngày tết dường như đơn điệu hơn, những trò chơi lễ hội dân gian chỉ còn ở những miền quê xa xôi hoặc trong kí ức. Vì vậy, khi hòa mình vào “đám hội” ở đây, chúng ta được sống lại những sinh hoạt tinh thần độc đáo như: đám rước lợn,đánh đu, đua thuyền, vật, cử tế...
Như một nhà quay phim tài ba, Đoàn Văn Cừ khi thì lui ống kính ra xa để lấy toàn cảnh, khi ghé sát ống kính để chớp lấy những giây phút, hình ảnh thật ngộ nghĩnh:
Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát,
Một chị đương đu ngửa tít trên không.
Cụ lí già đứng lại ngửng đầu trông,
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh.
Cái độc đáo của những câu thơ trên là sự đối xứng: một chị với cụ lí già, ngửa tít với ngửng đầu ... Người đọc có thể hình dung cái cười tủm tỉm hóm hỉnh của thi sĩ khi phát hiện ra cảnh chơi xuân rất thật mà cũng rất hồn nhiên này!
Với cách dẫn thơ tự nhiên như lời dẫn chuyện, tác giả miêu tả con người thật sinh động: mấy cô gái “má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau”, “bác nhà quê kiễng chân nhìn ngấp ngó”, bọn đô vật “gân cốt nổi như lươn”, bọn trai quê, một chú xẩm, thằng bé em... mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng giống nhau ở cảm xúc phấn khởi, rộn ràng, háo hức, hân hoan ... tất cả dệt nên bức tranh xuân mộc mạc mà vui vẻ, cuốn hút...
Đi chơi xuân cũng là cơ hội để nam thanh nữ tú gặp nhau, giao duyên tình cảm với nhau. Nhà thơ đã chớp ngay được một khoảnh khắc đáng yêu của những chàng trai thôn quê xưa trong lúc du xuân:
Bọn trai quê bá cổ cạnh cô hàng,
Vờ mua bán để tìm câu chuyện gẫu.
Có thể thấy, Đoàn Văn Cừ đã quan sát rất cụ thể mọi sinh hoạt văn hóa diễn ra trong ngày tết. Nếu những trò chơi dân gian, nhà thơ chỉ miêu tả bằng một hoặc hai câu thơ thì nét nghi lễ cử tế đã được thi sĩ trân trọng “dựng” lại bằng mười câu:
Thằng bé em đòi mẹ bế lên đền,
Xem các cụ trong làng ra cử tế,
Tiếng chiêng trống chen từng hồi lặng lẽ,
Những bóng người trịnh trọng khẽ đi lên,
Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền,
Đang diễn lại cả một thời quá khứ,
Mà đất nước non sông cùng cây cỏ,
Còn thuộc quyền sở hữu của Linh thiêng.
Khi tế xong một cụ đứng trên thềm,
Giơ bánh pháo cho người kia lại đốt.
Đây là những câu thơ có giọng điệu nghiêm trang nhất trong tác phẩm. Không có cái cười ngộ nghĩnh mà cảm xúc như lắng vào tâm thức sâu thẳm: đó là sự ngưỡng vọng linh thiêng về truyền thống, nguồn cội. Hình ảnh thơ trở nên phiêu bồng trong cõi tâm linh:
Mà đất nước non sông cùng cây cỏ,
Còn thuộc quyền sở hữu của Linh thiêng.
Bây giờ, tết không còn đốt pháo. Nhưng, những ai đã từng sống qua thời Tết xưa sẽ thấy tác giả tả thật chính xác cái cảnh:
Khi tế xong một cụ đứng trên thềm,
Giơ bánh pháo cho người kia lại đốt.
Và khi tiếng pháo nổ người ta thường tưng bừng, rộn rã đến khó tả. Cái âm thanh đùng đoàng của pháo làm cho:
Bọn trai gái đứng xem đều chạy rạt.
Một thằng cu sợ hãi khóc bi be.
Hai tiếng “bi be” là sự sáng tạo dí dỏm của nhà thơ. Ở đây có cảm xúc trong sáng, hồn nhiên, đáng yêu biết bao. Cái sợ hãi ngây ngô, ngộ nghĩnh, háo hức...âu đó cũng là một hình ảnh đẹp được lưu giữ trong “bảo tàng” thơ tết của Đoàn Văn Cừ!
Khép lại bài thơ cũng là khép lại một ngày hội xuân náo nức. Nhưng “khép lại một thế giới mà mở ra một thế giới” (Hoài Thanh). Ngày vui hết lại đến đêm vui. Khi ánh trăng lên, “đám dân” lại say với chiếu chèo, nô nức với muôn vàn trò vui khác... Niềm vui xuân quả là bất tận.
Trọn vẹn cả thi phẩm là những màu sắc, âm thanh, con người của ngày tết tha hồ phấn khởi, ắp đầy những sắc điệu xuân hân hoan! Những bạn trẻ ngày nay ở chốn đô thành muốn biết được tết xưa như thế nào hãy đến với “Đám hội” để thưởng thức, yêu và say với nhiều sinh hoạt văn hóa thuần hậu trong quá khứ mà cuộc sống hiện đại dường như đang coi đó là kỉ niệm...
Lần đầu đọc “Đám hội”, tôi đã thấy trong lòng rộn lên bao cảm xúc vui và không giấu được tiếng cười bởi những hình ảnh ngộ nghĩnh, hài hước mà tác giả miêu tả. Bây giờ đọc lại vẫn vẹn nguyên những cảm xúc ấy. Giữa giọng chung “dằng dặc buồn của Thơ Mới” (Hoài Thanh), bài thơ “Đám hội” cùng chùm thơ tết của Đoàn Văn Cừ quả thực là “một chuỗi cười ngũ sắc” đáng yêu biết bao. Lúc sinh thời, tác giả mong mỏi:
Trong thơ góp một đường cày,
Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa.
Nhiều người làm thơ như một quá trình lao động thật vất vả, câu chữ cầu kì mà sao sức hút vẫn khó đến với bạn đọc. Còn thi sĩ họ Đoàn này làm thơ mà như không hề chú ý đến sự gọt giũa câu chữ, vậy mà vẫn lôi cuốn chúng ta với những sắc điệu riêng không thể trộn lẫn. Những câu thơ không lộng lẫy, long lanh mà đẹp với vẻ “áo đồng lầm, váy đỏ, thắt lưng xanh”. Đó là một “đường thơ” đẹp riêng của thơ về mùa xuân - Đoàn Văn Cừ - giữa nền thơ hiện đại Việt .