TỔ NGỮ VĂN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH”
Nhằm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, Ban giám hiệu, các phòng chức năng trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã triển khai thực hiện chương trình: “Đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh”. Chương trình đã khơi dậy phong trào thi đua sáng tạo đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh, tạo ra bầu không khí và động lực cho các giáo viên đổi mới dạy học ở bộ môn mình.
Hòa cùng không khí thi đua của Hội đồng giáo dục nhà trường, tổ Ngữ văn xác định một trong những cách thức để nâng cao chất lượng dạy học là mỗi đồng chí giáo viên phải không ngừng làm mới bản thân qua từng tiết học, hấp dẫn lôi cuốn học trò bằng sự đa dạng trong phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh chính là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình dạy và học. Với ý nghĩa đó ngay từ những buổi họp tổ chuyên môn, tổ đã tăng cường trao đổi theo hướng nghiên cứu bài học, buổi họp tổ là cơ hội để các giáo viên học tập kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó nâng cao trách nhiệm của mình khi đứng lớp.
Vào ngày 24 tháng 9 năm 2014, tổ đã có tiết dạy thể nghiệm theo định hướng đổi mới của Bộ giáo dục và nhà trường. Tiết dạy bài “ Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn” trong chường trình Ngữ văn lớp 11 đã huy động sức mạnh trí tuệ của cả tổ chuyên môn, đặc biệt là các đồng chí giảng dạy trong nhóm 11. Để có được tiết dạy theo yêu cầu đổi mới , toàn tổ đã họp bàn thống nhất ý tưởng, xây dựng khung bài, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên . Với phương châm thầy thiết kế trò thi công, các giáo viên nhóm 11 đã gặp gỡ các em học sinh của lớp dạy (11A3) nêu ý tưởng, định hướng để học sinh tự thu nhập và xử lí thông tin. Trên cơ sở ấy, đồng chí Ngô Thị Thanh Huyền - giáo viên trực tiếp đứng lớp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc sự chuẩn bị của học sinh.
Trong bài học: “Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn về chủ đề: Văn hóa và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa” các em đã rất tích cực, phát huy tư duy một cách sáng tạo, tiếp cận kiến thức môn Văn một cách chủ động, lôgic. Lớp học được chia thành bốn nhóm với các hoạt động phỏng vấn khác nhau:
Nhóm một, học sinh đã có một trải nghiệm thú vị khi được tham quan hai bảo tàng lớn: Bảo tàng văn hóa các dân tộc và Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc. Các em đã được thể hiện mình, được đóng vai làm hướng dẫn viên, làm phóng viên.
Nhóm hai thực hiện phỏng vấn về giá trị và bảo tồn giá trị của văn hóa phi vật thể, các em đem đến cho tiết học những làn điệu then, những câu hát quan họ thật mượt mà, say đắm, với lễ hội Lồng Tồng cùng các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong hoạt động phỏng vấn của mình, nhóm ba còn cho thấy tính đa dạng của văn hóa như: văn hóa ứng xử khi giao tiếp, văn hóa mặc, văn hóa trong việc thực hiện các qui định của học sinh…
Nhóm bốn giúp các bạn tìm hiểu thêm pháp luật về văn hóa với thông điệp làm thế nào để pháp luật về văn hóa có thể đến với học sinh một cách tự nhiên.
Từ tiết dạy thể nghiệm, chúng tôi nhận thấy tùy từng đặc thù bộ môn và đặc thù của tiết dạy mà lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Với tiết luyện tập làm văn này chúng tôi đã sử dụng đa dạng các phương pháp như: thảo luận nhóm, đóng vai , nghiên cứu tình huống…
Sự đa dạng của phương pháp đã đem đến một bầu không khí sôi nổi, thú vị qua các video clip, các hình ảnh, các câu hỏi phỏng vấn ngắn gọn, hấp dẫn do chính các em học sinh tự nghiên cứu, tìm tòi và chuẩn bị.
Giờ học đã thực sự đổi mới trong phương pháp, giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động của học sinh ở cả trong và ngoài lớp học.
Qua bài học, học sinh được rèn luyện toàn diện các kĩ năng giao tiếp, phát triển năng lực tư duy, năng lực tiếp nhận thông tin đa chiều của cuộc sống, sự tự tin, tính tự lập và tinh thần cộng đồng, giúp các em khám phá bản thân và thế giới xung quanh thấu hiểu giá trị nhân bản.
Ảnh: Bùi Đức Thiện
Giờ dạy đã tích hợp giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật, bảo vệ môi trường...rất hiệu quả và ý nghĩa. Với phương pháp đổi mới trong một giờ Ngữ văn, học sinh đã thực sự làm chủ tiết học, tránh được tâm lí thụ động trong lĩnh hội kiến thức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy tiết học cần hơn nữa sự tự đánh giá lẫn nhau của các nhóm, tăng cường hơn sự khái quát kiến thức từ người dạy.
Buổi thao giảng đã kết thúc tốt đẹp với sự đánh giá cao của các giáo viên tham dự, đem lại cho giáo viên nhiều kinh nghiệm và kĩ năng quan trọng trong giảng dạy. Qua đây thấy được tính ưu việt trong hoạt động chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp.