Căn cứ kế hoạch ôn tốt nghiệp đã được BGH – Phòng đào tạo triển khai đến các tổ chuyên, tài liệu hướng dẫn ôn tập tốt nghiệp do Bộ GD ban hành và đặc điểm môn học cũng như kinh nghiệm đã được tích lũy qua nhiều năm.
Nhóm sinhtiến hành họp các giáo viên trực tiếp dạy môn sinh lớp 12 để thống nhất nội dung, phương pháp ôn tập như sau:
*) Bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng trong quá trình ôn tập.
Ví dụ: Khi ôn tậpvề gen.
Chuẩn kiến thức kĩ năng
|
Chương trình chuẩn
|
Chương trình nâng cao
|
- Nêu được định nghĩa gen và kể tên được một vài loại gen (gen điều hòa và gen cấu trúc)
|
- Gen là một đoạn của phân tử AND mang thông tin mã hóa một sản phẩm xác định (chuỗi poolipeptit hay một phân tử ARN).
- Gen cấu trúc gồm 3 phần: Vùng điều hòa (nằm ở đầu 3’ của mạch mã gốc) – vùng mã hóa (ở giữa gen) – vùng kết thúc ( nằm ở đầu 5’ của mạch mã gốc – cuối gen)
- Gen ở sinh vật nhân sơ (vi khuẩn) mã hóa liên tục, gen sinh vật nhân thực có các đoạn không mã hóa (intron) xen kẽ các đoạn mã hóa ( êxôn)
|
- Nêu được vai trò từng vùng của gen cấu trúc:
+ Vùng điều hòa: trình tựnuclêôtit giúp ARN polimeaza nhận biết và trình tự nuclêôtit điều hòa phiên mã.
+ Vùng mã hóa: mã hóa các axit amin.
+ Vùng kết thúc: trình tự nuclêôtit kết thúc phiên mã.
- Các loại gen:
Dựa vào sản phẩm của gen, người ta phân ra gen cấu trúc, gen điều hòa.
+ Gen cấu trúc: là gen mang thông tin mã hóa cho các sản phẩm tạo nên thành phần cấu trúc hay chức năng của tế bào.
+ Gen điều hòa: là những gen tạo ra sản phẩm kiểm soát hoạt động của các gen khác.
|
*) Hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ hóa, bảng so sánh.
Ví dụ 1: Khi ôn tập phần biến dị
Ví dụ 2: Lập bảng so sánh các thuyết tiến hoá
Vấn đề phân biệt
|
Thuyết Lamac
|
Thuyết Đacuyn
|
Thuyết hiện đại
|
Các nhân tố tiến hóa
|
- Thay đổi của ngoại cảnh.
- Tập quán hoạt động (ở động vật).
|
Biến dị, di truyền, CLTN.
|
- Quá trình đột biến.
- Di - nhập gen.
- Phiêu bạt gen.
- Giao phối không ngẫu nhiên.
- CLTN.
- Các yếu tố ngẫu nhiên.
|
Hình thành đặc điểm thích nghi
|
Các cá thể cùng loài phản ứng giống nhau trước sự thay đổi từ từ của ngoại cảnh, không có đào thải.
|
Đào thải các biến dị bất lợi, tích luỹ các biến dị có lợi dưới tác dụng của CLTN. Đào thải là mặt chủ yếu.
|
Dưới tác động của 3 nhân tố chủ yếu: quá trình đột biến, quá trình giao phối và quá trình CLTN.
|
Hình thành loài mới
|
Dưới tác dụng của ngoại cảnh, loài biến đổi từ từ, qua nhiều dạng trung gian.
|
Loài mới được hình thành dần dần qua nhiều dạng trung gian dưới tác dụng của CLTN theo con đường phân ly tính trạng từ một nguồn gốc chung.
|
Hình thành loài mới là quá trình cải biến thành phần kiểu gen của quần thể theo hướng thích nghi, tạo ra kiểu gen mới cách li sinh sản với quần thể gốc.
|
Chiều hướng tiến hóa
|
Nâng cao trình độ tổ chức từ đơn giản đến phức tạp.
|
- Ngày càng đa dạng.
- Tổ chức ngày càng cao.
- Thích nghi ngày càng hợp lý.
|
Tiến hoá là kết quả của mối tương tác giữa cơ thể với môi trường và kết quả là tạo nên đa dạng sinh học.
|
*) Giới thiệu các dạng câu hỏi và bài tập cho từng phần hướng dẫn học sinh biết cách học – nhận dạng câu hỏi tìm phương án trả lời đúng.
Ví dụ 1: Phần Sự phát sinh sự sống.
- Câu hỏi tổng quát cho cả bài:
+ Các giai đoạn phát sinh sự sống.
- Câu hỏi tổng quát cho một phần:
+ Tiến hóa hóa học là gì?
- Câu hỏi chi tiết trong một phần:
+ Nhân tố tham gia trong tiến hóa hóa học?
+ Các chất vô cơ trong khí quyển?
+ Các chất vô cơ trong thí nghiệm của Milơ?
Ví dụ 2: Bài quần thể:
Cách khai thác khái niệm quần thể:
- Nắm được các tính chất của một quần thể để từ đó học sinh trả lời được các cách hỏi khác nhau về quần thể. Tính chất:
+ Nhóm cá thể cùng loài.
+ Sinh sống trong một khoảng không gian, thời gian nhất định.
+ Có khả năng sinh sản và tạo thành những thế hệ mới.
Nếu vi phạm một trong các tính chất này đều không được coi là quần thể.
4. Biên soạn các đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết để kiểm tra quá trình ôn tập của học sinh sau mỗi phần, chủ đề qua đó điều chỉnh phương pháp, bổ sung phần kiến thức còn yếu, rèn kĩ năng làm bài, chỉ ra những sai sót khi chọn phương án trả lời.
5. Phân loại học sinh trong quá trình ôn tập để có phương pháp dạy phù hợp và phụ đạo cá biệt
6. Hướng dẫn học sinh cách tự ôn tập theo 4 bước như sau:
Bước 1: Thu thập thông tin
Kiến thức mà các em cần thu thập (thông tin) đã có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, không nên cố học thuộc lòng cả bài như cách sách giáo khoa đã trình bày mà các em hãy lựa chọn ra những thông tin quan trọng cần ghi nhớ. Môn sinh học tuyệt nhiên không phải là môn học thuộc lòng đơn thuần. Mặc dầu nếu không nhớ kiến thức thì ta chẳng làm được gì, nhưng nhớ kiến thức mà không hiểu nó là cái gì hoặc không hiểu nó một cách thấu đáo thì khi đặt câu hỏi một cách khác đi không biết cách trả lời. Vì vậy, đầu tiên các em cần đọc kỹ bài và tìm xem những câu chữ nào quan trọng rồi dùng bút đánh dấu hoặc bút gạch chân các từ ngữ hoặc các câu đó (làm như vậy dễ cho việc ôn tập vì khi ôn bàichỉ cần liếc qua những dòng đã đánh dấu mà không phải đọc lại cả bài). Thông thường, ngay trong sách giáo khoa, những thông tin nào quan trọng nhất ở mỗi bài cũng được in nghiêng hoặc nhấn mạnh lại trong phần tóm tắt của bài. Tuy nhiên, các em phải tìm thêm các ý để dẫn đến kết luận quan trọng mã sách đã nêu ra.
Bước 2: Xử lý thông tin
Chúng ta không nên cố ghi nhớ thông tin khi không biết thông tin đó có ý nghĩa gì. Chúng ta phải tự mình đặt ra các câu hỏi như: Tại sao lại như thế? Cái này dùng để làm gì? Có ý nghĩa gì? Và nếu là một học sinh giỏi thì không những thế các em còn phải đặt ra câu hỏi: Làm thế nào người ta biết được điều đó? Tất cả các loại câu hỏi trên, khi học nên đặt ranhằm giúp ta xử lý và tìm ý nghĩa đích thực của thông tin. Ban đầu học như thế này sẽ chậm hơn so với học thuộc cả bài một cách máy móc. Với bộ nhớ tuyệt vời của tuổi trẻ thì các em có thể học thuộc lòng cả một vài trang sách rất nhanh mà chẳng cần hiểu nó là gì. Tuy nhiên, cái gì nó cũng có giá của nó. Học kiểu này có nhớ nhanh nhưng lại quên nhanh và đặc biệt là khi gặp những câu đòi hỏi sự vận dụng kiến thức thì cách học như vậy sẽ không đem lại hiệu quả.
Nếu khi học cố tìm hiểu kỹ thông tin, biết cách xử lý thông tin bằng hàng loạt các câu hỏi để hiểu bài một cách sâu sắc hơn thì mặc dầu ban đầu học có chậm nhưng bù lại các em sẽ nhớ tốt hơn và điều quan trọng hơn cả là các em biết sử dụng các thông tin đó một cách linh hoạt. Có nghĩa là đối với các câu hỏi đòi hỏi sự vận dụng kiến thức ở các mức độ khác nhau ta có thể nhanh chóng tìm ra lời giải.
Bước 3: Lưu trữ thông tin
Lưu trữ thông tin có thể thực hiện dưới hai hình thức:
- Lưu trữ ở “bộ nhớ ngoài”: Đây thực chất là chúng ta ghi thông tin một cách tóm tắt và có hệ thống vào vở ghi của mình. Ta có thể tự tìm cách sắp xếp thông tin theo cách riêng,miễn là cách đó giúp ta nhớ tốt thông tin hoặc nếu cần ta có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, khoa học nhất. Cũng giống như những đồ dùng trong nhà của các em, nếu cứ bạ đâu ta vứt đó, không sắp xếp nó một cách khoa học gọn gàng thì đến lúc cần dùng ta sẽ rất mất nhiều thời gian tìm kiếm thậm chí có khi tìm mãi không thấy. Việc này cũng cần phải học và kiên trì học. Vở ghi bài trên lớp nên để lề rộng một phần ba trang sách. Để lề rộng như vậy một mặt nó có thể giúp ta có chỗ bổ sung thêm thông tin từ các sách hoặc nguồn khác, mặt khác có chỗ cho ta ghi các câu hỏi nảy sinh khi ta học bài. Các câu hỏi nảy sinh mỗi lúc mỗi khác, ở các góc độ khác nhau, thậm chí không phải do ta nghĩ ra mà bạn bè hoặc thầy cô đặt ra. Tất cả các loại câu hỏi rất đa dạng như thế sẽ rất quí, chúng giúp ta hiểu bài tốt hơn nhiều so với việc ta chỉ chấp nhận kiến thức một cách thụ động.
- Ghi nhớ vào bộ nhớ trong : Đây chính là quá trình ta tìm cách nhớ tất cả các thông tin vào trong bộ óc của mình. Như trên đã trình bày, nhớ thông tin không phải là khó, cái khó chính là làm sao để nhớ lâu và đặc biệt là làm sao để lúc cần thiết ta có thể lấy ra thông tin một cách nhanh nhất (tái hiện lại thông tin nhanh nhất). Nhiều khi đồ vật của chúng ta, vốn cẩn thận ta cất kỹ quá nên có lúc ta lại không biết để nó ở đâu để mà lấy ra dùng. Muốn nhớ lâu thì chúng ta cần phải xử lý tốt thông tin để hiểu nó một cách thấu đáo. Tuy nhiên, những thông tin mới muốn nhớ lâu ta cần tạo ra mối liên hệ với các thông tin đã biết. Có thể ví những hiện tượng, kiến thức đã học với những gì xẩy ra hàng ngày sung quanh ta, quen thuộc với chúng ta. Ngoài ra, để dễ tái hiện lại thông tin (nhớ lại kiến thức) chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống lưu trữ kiến thức. Cũng giống như khi làm việc với máy tính, chúng ta phải biết mình đã ghi thông tin vào ổ đĩa nào? Trong thư mục nào? Tập tin nào? vv... Có như vậy khi truy cập vào máy ta mới nhanh chóng tiếp cận được thông tin. Vậy thì kiến thức chúng ta học cũng phải ghi nhớ nó theo một cách nào đó tương tự để khi cần ta có thể nhanh chóng lấy nó ra mà làm bài.
Bước 4: Tái hiện thông tin
Nếu chúng ta thực hiện được cách học như trên thì lúc cần thiết các em có thể dễ dàng tái hiện lại thông tin một cách nhanh chóng. Trên đây là nguyên lý chung có thể áp dụng để học cho mọi môn học chứ không phải chỉ riêng cho môn sinh học. Sau đây chúng ta sẽ lấy một ví dụ cụ thể, một bài học trong sách giáo khoa sinh học để minh hoạ cho cách học trên.
Thí dụ, học phần : Quá trình tự nhân đôi của ADN .
a) Thu thập thông tin
- Xẩy ra chủ yếu ở trong nhân tế bào.
- Xảy ra vào kỳ trung gian khi mà nhiễm sắc thể đang ở trong giai đoạn giãn xoắn cao.
- Quá trình nhân đôi ADN: Trước hết cần phải có một số enzym giãn xoắn và tách hai mạch của phân tử ADN thành hai mạch đơn. Mỗi mạch đơn của phân tử ADN mẹ sẽ được dùng làm khuôn để tổng hợp nên mạch bổ sung với nó. Tiếp đến enzym ADN polimeraza sẽ lắp ráp các nucleôtit tạo thành mạch mới có trình tự nucleôtit bổ sung với trình tự của mạch làm khuôn. Việc lắp ráp các nucleôtit được thực hiện theo nguyên tắc bổ sung, cứ trên mạch khuôn có A thì trên mạch mới có T và ngược lại, trên mạch làm khuôn có G thì trên mạch mới tổng hợp sẽ có X và ngược lại.
- Chiều tổng hợp mạch mới luôn theo chiều 5’ → 3’
- Trên mạch mã gốc ( 3’ → 5’ ) mạch mới tổng hợp liên tục.
- Trên mạch bổ sung ( 5’ → 3’) mạch mới tổng hợp gián đoạn (Okazaki)
- Từ một phân tử ADN mẹ tạo ra hai phân tử ADN con có trình tự nucleôtit giống hệt như phân tử ADN mẹ.
b) Xử lý thông tin
- Tại sao việc nhân đôi ADN lại chủ yếu xẩy ra ở trong nhân tế bào?
Vì rằng tuyệt đại bộ phận thông tin di truyền (ADN) được bảo quản trong nhân tế bào. Nơi đây thông tin di truyền được sắp xếp trên các nhiễm sắc thể. Có thể ví nhân tế bào như một thư viện. Thông tin được ghi lại trên từng quyến sách và được đặt trên các giá sách chống mối mọt và được bảo quản bởi một hệ thống của khoá nghiêm ngặt và chỉ được người có trách nhiệm lấy ra khi cần thiết. Thông tin di truyền cũng được mã hoá dưới dạng trình tự các nucleôtit (mỗi nuclêôtit tương ứng với các chữ cái) và được sắp xếp trên các nhiễm sắc thể (các quyển sách). Nói là chủ yếu trong nhân là bởi vì còn một lượng nhỏ thông tin được lưu trữ trong ty thể và trong lục lạp gây nên hiện tượng di truyền qua tế bào chất (hay di truyền ngoài nhân).
- Tại sao lại xảy ra trong kỳ trung gian?
Vì ở thời kỳ trung gian giữa hai lần phân chia tế bào nhiễm sắc thể đang ở trạng thái giãn xoắn cao nhất do đó các enzym mới có điều kiện tiếp xúc với ADN để thực hiện quá trình tự sao chép.
- Có phải mỗi phân tử ADN trước khi nhân đôi phải được tách hoàn toàn thành hai mạch đơn rồi mới dùng mỗi mạch đơn làm khuôn để tổng hợp nên mạch bổ sung?
Không, ADN chỉ được nhân đôi từng đoạn một, nhân đôi đoạn nào thì hai mạch đơn của đoạn đó được tách rời nhau ra vì vậy đoạn phân tử ADN khi đang nhân đôi trông có dạng hình chữ Y (chạc sao chép).
c) Ghi nhớ thông tin:
- Xảy ra ở đâu?
- Xẩy ra khi nào?
- Xảy ra như thế nào?
- Kết quả?
- Ý nghĩa của quá trình tự nhân đôi của ADN?
Nhờ có khả năng tự nhân đôi nên ADN mới có thể đảm nhận được chức năng truyền đạt thông tin di truyền. Nếu chỉ có khả năng mang thông tin và bảo quản thông tin không thôi thì thông tin đó cũng không bao giờ được truyền lại cho thế hệ sau (từ tế bào này sang tế bào khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác).
7. Tránh “bẫy” thi trắc nghiệm sinh học:
Cục Khảo thí vừa công bố cấu trúc đề thi môn sinh học. Theo đó, cần lưu ý phần chung cả 2 chương trình (Chuẩn và nâng cao) là 32 câu (80%); còn phần riêng cho mỗi chương trình là 8 câu (20%)
Cách học: Đề thi rải đều ở tất cả các phần nên không thể học tủ, học lệnh.
Phần lý thuyết: Đặc biệt lưu ý trong phần Di truyền học là chương I, chương II, chương III, chương IV và chương V đã chiếm 24/40 câu của đề; phần sinh thái học: chiếm 8/40 câu. Thí sinh học tốt các phần trên đã được 32/40 và được 8/10 điểm.
Phần Tiến hóa là một trong những nội dung khó, thí sinh cần hiểu thấu đáo mới có thể làm tốt được; chú ý phân biệt các học thuyết tiến hóa, nguyên nhân và cơ chế tiến hóa. Phần sinh thái dễ học hơn nên thí sinh cần tập trung học tốt hơn để đạt điểm tối đa.
Phần bài tập: Chủ yếu là bài tập về sinh học phân tử và phân học tế bào, quy luật di truyền, di truyền quần thể, di truyền phả hệ ở người. Chú ý các câu vận dụng hay đề cập đến nhất là bài tập về quy luật di truyền; biến dị; toán xác suất và tích hợp. Phải nhớ một số công thức cơ bản về các dạng bài tập kể trên để vận dụng giải nhanh, nhớ bảng đổi đơn vị để tránh nhầm lẫn.
Lưu ý: là cách học để thi trắc nghiệm không giống với cách học để thi tự luận. Không nên học thuộc lòng mà phải học hiểu.
Cách làm bài: Đọc kỹ phần dẫn, gạch chân dưới các từ “đúng”, “sai”, “không đúng”, “thấp nhất”, “cao nhất”, “thể hiện”, “có thể hiểu”…. có rất nhiều bẫy: chỉ cần thay đổi một từ là nội dung cần hỏi đã mang ý nghĩa khác nên, nếu không đọc kỹ thí sinh chắc chắn sẽ bị sập bẫy.
Nếu yêu cầu tìm phương án đúng và nếu còn phân vân với kiến thức chưa biết rõ, thí sinh nên dùng phép loại trừ các câu sai để chọn đáp án chính xác và ngược lại.
Lưu ý đặc biệt: Thí sinh chỉ được làm một trong hai phần riêng (phần Chuẩn hoặc Nâng cao). Nếu làm cả 2 phần thí sinh chỉ được chấm điểm 32/40 câu của phần chung ./.