VÌ SAO SAU CƠN MƯA GIÔNG, KHÔNG KHÍ LẠI TRONG LÀNH HƠN ?
Sau cơn mưa, nếu bạn dạo bước trên đường phố hoặc trên đồng ruộng bạn sẽ cảm thấy không khí trong lành hơn. Đó là vì hai nguyên nhân: Một là, nước mưa đã rửa sạch hầu hết các luồng bụi bẩn trôi nổi trong không khí. Hai là, tia sét gây nên các biến đổi hóa học, trong đó có một lượng ô-xi biến đổi thành ô-zôn.
Ô-zôn cũng là ô-xi, nhưng là ô-xi ở trạng thái mới, một phân tử ô-xi có 2 nguyên tử còn một phân tử ô-zôn có 3 nguyên tử ô-xi.
Khi bạn đóng động cơ điện trong xưởng máy, bạn sẽ thoáng ngửi thấy mùi hắc của ô-zôn. Đó là các phân tử ô-zôn đã lan truyền trong không khí và đi vào mũi của bạn.
Thế ô-zôn từ đâu mà có? Thực ra ô-zôn được sinh ra khi các tia lửa điện đánh trong không khí, khi đó các phân tử ô-xi ở xung quanh tia lửa điện sẽ bị kích thích và biến thành ô-zôn. Tia lửa điện có thể được sinh ra do sấm sét hoặc tại các chỗ tiếp xúc của nguồn điện áp cao, …
Ô-zôn đậm đặc thường có màu tím nhạt, mùi rất hắc, có khả năng ô-xi hóa rất mạnh, ô-zôn có khả năng tẩy trắng và sát trùng. Ngày nay người ta thường dùng ô-zôn để lọc sạch nước (thay cho việc dùng Clo) để tiêu độc, sát trùng và cải thiện chất lượng nước sinh hoạt.
Ô-zôn nồng độ loãng sẽ không gây mùi hắc, mà còn khiến ta có cảm giác tươi mát. Sau cơn giông, trong không khí có một lượng nhỏ ô-zôn vì thế mà không khí sạch sẽ và trong lành hơn.
Trong các rừng tùng, rừng thông, nhựa thông rất dễ bị ô-xi hóa để giải phóng ô-zôn. Vì vậy không khí trong các khu rừng này thường trong lành hơn và các khu điều dưỡng, chữa bệnh thường được bố trí gần các rừng thông.