BÀI THUYẾT TRÌNH VỀ KHẨU HIỆU:
“HỌC ĐỂ LÀM VIỆC, LÀM NGƯỜI, LÀM CÁN BỘ”
Chi đoàn 10A12
Hưởng ứng phong trào “Tuần lễ học tập suốt đời” do trường PT Vùng cao Việt Bắc phát động, chi đoàn 10A12 đã vẽ một bức tranh cổ động với khẩu hiệu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”.
Đây là câu nói của Bác Hồ với học sinh trường ta trong một lần về thăm trường vào ngày 13.3.1960. Đó là thời điểm mà toàn dân tộc đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về kinh tế chính trị. Chính quyền nhà nước non trẻ vừa vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” - Năm 1945 vừa đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi nước nhà. Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của quân dân ta lúc bấy giờ là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, sự quyết định thắng lợi của vận mệnh dân tộc đòi hỏi những con người hiền tài, những cán bộ tài ba có khả năng cống hiến sức lực và trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước tình hình thực tế như vậy, Bác đã khẳng định với các em học sinh dân tộc thiểu số về mục đích cao cả của việc học tập, đó là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Câu nói ấy của người đã trở thành mục tiêu phấn đấu của lớp lớp học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc.
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” là ba mục đích quan trọng và thiết thực của việc học tập mà chắc hẳn ai ai cũng mong muốn đạt được
Trước hết học tập cho ta tri thức để có thể làm được mọi việc. Chỉ có tích cực tích lũy kiến thức từ trong sách vở hay trong cuộc sống thì con người mới có những vốn hiểu biết phong phú để ứng dụng phù hợp vào các công việc thực tiễn. Sherlock Home đã từng nói: “Bộ óc ta là của ta. Bộ óc quyết định tất cả”. Trí tuệ giúp con người làm nên tất cả. Công việc sẽ trở nên nhanh chóng, khoa học và đạt hiệu quả cao hơn nếu con người có tri thức và hiểu biết.
Không những thế, việc học tập còn giúp con người phát triển hoàn thiện nhân cách. Thật vậy, một nhà văn đã từng nói: “Bộ lông làm đẹp con công, tri thức làm đẹp con người” . Nhờ có tri thức mà con người đã biết sống đẹp, sống có ích, biết cư xử có văn hóa, biết tự hoàn thiện mình để phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Những tinh tú của tri thức kết tinh lại thành tài năng của một người lãnh đạo, một cán bộ ưu tú. Để trở thành một cán bộ tốt, có đầy đủ tài năng và phẩm chất thì mỗi người phải học tập và rèn luyện không ngừng. Bởi lẽ, “Cán bộ” là đại diện cho tiếng nói, cho danh dự và quyền lợi của nhân dân
Một đất nước muốn giàu mạnh, phát triển phồn vinh đòi hỏi phải có những người cán bộ có cả đức lẫn tài. Vì vậy, học tập là con đường chân chính để trở thành cán bộ giỏi và xuất sắc.
Như vậy, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” là mục tiêu học tập đúng đắn, chính đáng mà mỗi học sinh chúng ta cần phải theo đuổi.
Tiếp thu lời dạy đầy ý nghĩa ấy của Bác, chi đoàn 10A12 chúng em đã thể hiện những mục đích, nhiệm vụ đó thông qua những nét vẽ ngộ nghĩnh và màu sắc tươi tắn. Như chúng ta thấy đấy, sau cánh cổng trường mang tên “Trường PT Vùng cao Việt Bắc”, ngôi trường hiện ra với vẻ đẹp khang trang, mang màu sắc của các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.
Chúng em thật tự hào khi được học tập và sinh sống dưới mái trường này - một mái trường với bề dày thành tích học tập, được coi là “Cánh chim đầu đàn” trong hệ thống các trường nội trú trên cả nước. Càng vinh dự và càng tự hào bao nhiêu, chúng em nhận thấy mình càng phải cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để xứng đáng với những kì vọng của nhà trường, của gia đình đã dành cho chúng em.
Sự cố gắng và nỗ lực ấy được thể hiện bằng những giờ học trên lớp, bằng những trang vở thơm tho đỏ thắm điểm 9,10. Trước mắt ta lại hiện lên hình ảnh quen thuộc của những người cô người thầy miệt mài bên trang giáo án, truyền thụ những tinh hoa tri thức cho đàn em thơ và những cô, cậu học trò đang chăm chú nghe giảng, tiếp thu những bài học quý báu mà thầy cô truyền dạy.
Và cứ thế, thầy cô giáo - những người lái đò tận tụy đưa đón những chuyến đò sang sông cập bến bờ tri thức là những người có công lao to lớn trong sự nghiệp trồng người. Để rồi, khi đã sang bên kia sông, các em học sinh sẽ trở thành những người công dân có ích cho xã hội, sẽ trở thành những sinh viên đại học trong bộ trang phục màu xanh thiên thanh, màu xanh của hi vọng.
Và quan trọng là các em đã thực sự trưởng thành, có thể tự xây dựng cuộc sống độc lập, chủ động cho mình, có thể theo đuổi và thực hiện ước mơ và hoài bão khi các em có khả năng hoàn thiện nhân cách của bản thân.
Sau quá trình học tập, tích lũy tri thức và tu dưỡng đạo đức, chúng em có thể đem khả năng của mình phục vụ cho quê hương đất nước. Chúng em sẽ trở thành những chú công an giao thông để giữ gìn trật tự đường phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp cho người dân an toàn hơn khi ra đường.. Chúng em cũng sẽ trở thành những cô chú cảnh sát để bảo vệ bình yên cho quê hương tổ quốc, hay những cô chú bác sĩ, y tá ngày đêm túc trực chăm sóc cứu chữa bệnh nhân, hay trở thành những thầy cô giáo làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Chúng em sẽ đem đến những kiến thức mà mình có để truyền đạt đến lớp lớp em thơ, thực hiện nghĩa vụ đầy vĩ đại “Trăm năm trồng người”...
Để rồi chúng em tự hào và nói rằng chúng em thành người, thành cán bộ có thể đem công sức và trí tuệ của bản thân để góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, hòa bình và tiến bộ. Hướng mắt lên góc phải của bức tranh ta sẽ bắt gặp khuôn gặp hiền hậu của Bác, khuôn mặt thân thương với vầng trán rộng, chòm râu bạc phơ với đôi mắt sáng ngời như ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm. Đôi mắt ấy chất chứa cả tình yêu thương vô bờ, cả nỗi lo khắc khoải cho vận mệnh dân tộc. Ta lại nhớ về những câu thơ của nhà thơ Phạm Bá Ngoãn khi viết về Bác:
“Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Nhớ hình Bác giữa bóng cờ
Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu
Mắt hiền sáng tựa vì sao
Bác nhìn đến tận Cà Mau cuối trời”
(Cháu nhớ bác Hồ)
Với lòng yêu thương vô bờ bến và sự mong mỏi vào thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, sinh thời Bác đã từng nói “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”. Lời dạy ấy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho con đường học tập của biết bao thế hệ học sinh Việt Nam nhất là trong thời đại hiện nay, thời đại “thế giới phẳng” với nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật “thần kì” đòi hỏi mọi quốc gia phải tiếp cận với nền kinh tế tri thức nếu không sẽ tụt hậu. Vì vậy, vai trò của chúng ta - những thế hệ trẻ của dân tộc Việt Nam anh hùng phải trang bị cho mình một hành trang tri thức phong phú để góp phần thúc đẩy bước tiến của đất nước trên sân chơi quốc tế.
Ánh nắng mặt trời chiếu soi trên từng trang sách hồng, khung trời trong xanh lấp lánh bảy sắc cầu vồng hiện lên thật tươi đẹp, phải chăng đó chính là chân trời của tri thức, một chân trời rực rỡ ánh hào quang, chói lọi của đỉnh cao tri thức? Đó là một chân trời tràn ngập vinh quang, ngọt ngào, là quà tặng vô giá cho những ai chinh phục được đỉnh cao trí tuệ.
Thông qua bức tranh này, chúng em mong rằng, mỗi người chúng ta, đặc biệt là các bạn học sinh của trường PT Vùng cao Việt Bắc nói riêng và tất cả các bạn học sinh nói chung hãy học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Một thông điệp mà chúng em muốn gửi gắm qua bức tranh này là chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc học tập, có thể là “học suốt đời”. Chỉ có việc học mới giúp chúng ta đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Bác Hồ mong muốn.
Và trong những ngày hưởng ứng phong trào “Tuần lễ học tập suốt đời” này, chúng em xin hứa sẽ học tập thật tốt, phát huy hết vai trò của người học sinh, vai trò của những chủ nhân tương lai của đất nước.