Giới thiệu bài viết tham gia chương trình giới thiệu sách số 2 tháng 11 của CLB Giới thiệu sách trường PT Vùng cao Việt Bắc:
CẢM XÚC CỦA HỌC SINH ĐẶNG THỊ HOÀI THƯƠNG - LỚP 11A8 KHI ĐỌC CUỐN NHẬT KÝ VŨ XUÂN.
(…Cho tôi xin chia sẻ một chút cảm nhận khi đọc “Nhật ký Vũ Xuân”…)
“Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”
Câu nói ấy dường như cứ vang lên bên tai và đọng lại trong tâm trí tôi khi tôi được đọc “Nhật ký Vũ Xuân”- Một cuốn nhật ký quý giá và có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi chúng ta, đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay - Những con người sống trong nền hoà bình.
Vũ Xuân - Người con trai gan dạ và anh dũng sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên nổi tiếng thép gang và hương vị của chè. Sau hơn mười năm đèn sách với bao dự định, ước mơ, ngày 3 tháng 7 năm 1963 anh lên đường nhập ngũ, để lại bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng mà nhọc nhằn “Áo mặc lại của anh”, “Thùng kem vẹo bên sườn”, “Những gánh củi lặc lè không đủ sắm đồng bánh chưng ngày tết”… cùng lứa bọn tinh nghịch, thông minh. Anh đã lên đường hành quân đánh Mĩ.
Tôi thật sự đã rất khâm phục và thương yêu các anh bộ đội cụ Hồ, đặc biệt là anh trong cuộc hành quân thứ ba. Qua những dòng nhật ký anh viết, tôi như được cảm nhận đầy đủ sự gấp gáp, gian nan, khốc liệt của cuộc chiến, như được theo từng bước chân của người chiến sĩ, từ Bắc vào Nam, vượt dãy Trường Sơn sang Lào, những cuộc hành quân đêm xuyên rừng không nghỉ, nằm sạp ráp lồ ô, qua những con dốc đứng đến kinh người, những trận sốt rét quái ác quật ngã anh em. Bên cạnh những khốc liệt của cuộc chiến, tôi còn biết đến cơn giông mây đen gió cuốn mà không thể mưa nổi của sườn Tây Trường Sơn, cảnh sắc mùa hè oi ả và cả những ngày đông rét.
Anh hy sinh ra trong trận đánh đồn Kênh 2 vì những viên đạn bắn thẳng của quân thù, nơi anh ngã xuống cách lô cốt địch chưa đầy 70 mét. Đọc lại những chiến đấu anh dũng của Vũ Xuân, tôi chợt nhớ đến câu hát:
“Anh nằm xuống như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố, trong một ngày, đã khắc tên
Những sớm mai lửa đạn, những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đuờng cuối trời thênh thang.”
Có lẽ không chỉ riêng tôi, tôi nghĩ ai đã từng đọc “Nhật Ký Vũ Xuân” cũng đều rơi nước mắt - Giọt nước mắt của sự tiếc nuối, của sự thương cảm và đặc biệt là niềm tự hào, niềm kính trọng thiết tha.
Tôi đã khóc khi đọc những trang nhật ký anh viết khi nhớ về người mẹ, người bố kính yêu của mình: “Con thương mẹ nhiều lắm, mẹ của con ơi! Mẹ mong, mẹ chờ thằng con trai của mẹ trở về… Bố ơi! Bao giờ bố cũng muốn thằng con trai của bố sống sao cho khỏi tủi cái kiếp làm người và chắc bố cũng nghĩ rằng nếu con chết sẽ chết cho lẫm liệt, phải thế không bố?”. Phải chăng những dòng nhật ký này đã khiến tôi suy ngẫm về “Đạo làm con”? Anh đã sống xứng đáng và đã hi sinh lẫm liệt như những lời tâm niệm với người thân.
Các bạn thân mến! Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi tin rằng các bạn cũng sẽ có những cảm nhận giống như tôi và có khi sẽ dào dạt cảm xúc hơn tôi khi đọc cuốn “Nhật ký Vũ Xuân”. Đó thực sự là một cuốn sách hiện thực sinh động, có sức thuyết phục mạnh mẽ với thế hệ trẻ trong số những trang nhật ký của bao người lính anh hùng khác. Trong những trang cuối cùng của cuốn nhật ký, anh đã ghi sẵn những dòng nhắn gửi: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: “Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng học tập, hãy sống xứng đáng với máu của cha anh đã đổ, với những hy sinh vĩ đại của cha anh để có được nền độc lập ngày nay.
Với tư cách là là một học sinh-một bạn trẻ đã được đọc cuốn “Nhật ký Vũ Xuân”, tôi mong rằng những ai chưa từng đọc cuốn sách này sẽ tìm đọc nó, chắc chắn rằng bạn sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống mà bạn đang có và có thêm động lực để bạn nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện.